Bâng khuâng một cuốn sách muộn

Cuốn Học sinh miền Nam, Tư liệu và Kỷ niệm.
Cuốn Học sinh miền Nam, Tư liệu và Kỷ niệm.
TP - Chuyện học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc trước nay thảng hoặc sách báo có nói đến mỗi dịp kỷ niệm Hiệp định Genève nhất là dịp chẵn 60 năm nhưng tạm tày tặn và đủ đầy như cuốn Học sinh miền Nam, tư liệu và kỷ niệm in khổ lớn dày tới 900 trang do NXB Văn hóa văn nghệ mới phát hành thì có lẽ mới có một?

Chân dung chủ biên

Chương trình thời sự trên VTV1 tối 30/10/2016 phát đi tin buồn sự ra đi của một lão thành cách mạng, cụ Nguyễn Văn Chính tức Chín Cần, nguyên Bí thư Long An, nguyên Phó chủ tịch HĐBT, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam…

Tôi sực nhớ ông bạn đồng khóa đồng khoa lớp Hán Nôm tài hoa Cao Tự Thanh bữa trước có gửi tôi cuốn Học sinh miền Nam, tư liệu và kỷ niệm do Cao Tự Thanh ( Cao Văn Dũng) chủ biên. Mà ông Chín Cần là cha ruột của Cao Tự Thanh.

 Cao Dũng người mảnh. Dị tật chân tự bé nên có thêm tên Dũng khoèo. Chất ngang thẳng hình như  Dũng được thụ hưởng từ ông già Dũng, hơn bốn mươi năm trước chúng tôi cùng học lớp Văn-Ngữ- Hán Nôm với nhau nghe nói làm chức chi to lắm? Mà Dũng chưa bao giờ hé ra dẫu chỉ úp mở? Sau biết thêm nữa,  ông Nguyễn Văn Chính, thường gọi là Chín Cần  xuất thân từ gia đình bần nông tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ông từng ba lần bị giam cầm, bị tra tấn dã man trong ngục tù  nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết.  Thời bình, ông Chín Cần từng làm nên huyền thoại na ná như ông Kim Ngọc khoán hộ ở Vĩnh Phú. Đó là việc ông đề xuất và thí điểm thực hiện việc bù giá vào lương, góp phần xóa bao cấp trong phân phối thu nhập trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Dũng học giỏi nhớ dai.  Thứ Hán Nôm cần lắm phẩm chất ấy. Thông thạo ngữ nghĩa của chữ, nhớ bền mặt chữ thì ngành Hán Nôm chả hiếm,  không thiếu. Nhưng cũng như nghĩa chữ túc nho, Dũng biết vượt thoát làm nên cái khác người không chỉ thông thạo nhiều ngữ nghĩa mà Dũng dùng nó như một thứ phương tiện đề xâu chuỗi, giải mã hệ thống văn bản học bao năm nay còn kín mít hoặc thiên hạ hẵng còn láng máng.  Nổi danh việc khai mở, công phá khá độc đáo những giai thoại, tồn nghi, điển tích… về vùng đất phương Nam (từ năm 1990 Dũng bỏ cơ quan ra làm ngoài) đã bầu lên cái tên Hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh, nhà nghiên cứu độc lập nổi trội trong giới học thuật nghiên cứu. Sách viết gần 100 cuốn. Các công trình, bài viết nghiên cứu tròm trèm số lượng 500 đủ biết tài, tầm Cao Tự Thanh- Cao Văn Dũng.

Trở lại cái anh học trò Cao Văn Dũng sinh năm 1955,  Dũng từng là học Trường học sinh miền Nam số 11, 13, Quế Lâm, ký túc xá miền Nam cấp 3 Vĩnh Phú rồi Trường học sinh miền Nam Vĩnh Yên. Cao Văn Dũng, chủ biên cuốn sách đã phát lộ bản thân mình bằng giấy trắng mực đen ở phần kỷ niệm của sách mấy chuyện liền. Như một thứ tự trích ngang lý lịch cái tính khí ngỗ ngược thuở hoa niên. Nào là việc cùng bạn đương đêm bê vỏ bom nặng 30 ký dùng để làm kẻng của trường ném xuống ao. Rồi lần chủ mưu cũng đang đêm bắt đôi ngỗng của nhà trường lôi vào phòng ở ký túc xá và luộc chín cặp ngỗng chỉ bằng cái dây mayxo.

Hình như có hơi muộn việc thống kê nhìn nhận thẩm định lại một sự kiện lịch sử hàng chục ngàn học sinh miền Nam, một cộng đồng đặc biệt được hình thành và tồn tại trên đất Bắc trong hoàn cảnh đất nước bị cắt chia?  Và cũng không rõ Cao Tự Thanh đã ấp ủ và triển khai dự án làm sách này từ bao giờ?  Vào cái tuổi mà mọi sự đang sắp mãn, kỷ niệm xui khiến chăng? Nhưng có lẽ  chủ biên cuốn sách đã biết vượt thoát lên những kỷ niệm một thời ngỗ nghịch, muộn còn hơn không góp cho sử nước một chi tiết, một lát cắt sinh động.

Một lát cắt của sử

Hai phần không đều nhau của cuốn Học sinh Miền Nam, tư liệu và kỷ niệm (phần tư liệu gần 700 trang, phần Kỷ niệm non 200 trang) nhưng phần sau đã làm cân bằng sinh sắc thêm phần tư liệu.

Thời gian hai mươi năm HSMN trên đất Bắc, tôi cứ mạo muội nghĩ cứ như là một quá vãng buồn bi thương của dân tộc mình? Có cuộc di cư nào trên trái đất này nhiều éo le buồn thương đến vậy việc các con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc những năm ấy? Hàng ngàn đứa trẻ độ tuổi ba, năm được tập trung lại từng trại theo biên chế lớp, khối học. Như kiểu mẫu giáo lớp mầm, lớp nhỡ, lớp lớn. Nhưng gọi vậy mà không phải vậy. Rất ít rất hiếm trong số ấy, chủ nhật ngày nghỉ ngày lễ có người thân đến đón về. Hầu như tất tật thiếu vắng tình thương cha mẹ.  Vậy chăm nuôi cái cộng đồng đặc biệt ấy ra sao? Nghĩ mà phục cho hệ thống giáo dục khi ấy của miền Bắc của Việt Nam DCCH làm chi đã xôm tụ đông chật các nhà khoa học các tiến sĩ chuyên viên giáo dục như bây giờ nhưng đã có những thày cô giáo, những bảo mẫu cấp dưỡng bảo vệ… mà tấm lòng nhân ái cứ như một bản năng như thứ phản xạ với nhiều cách làm sáng tạo nhân bản trong việc nuôi dạy các cháu.  Họ đã kiên nhẫn lái đám trẻ, những học sinh miền Nam  luôn ăm ắp, luôn có thừa thứ bản năng sinh học lẫn hoang dã từ con trở thành người.

Phần tư liệu lẫn những mẩu kỷ niệm trong cuốn sách đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc.  Các Trại, Trường học sinh miền Nam luôn là mục tiêu truy sát của không quân Mỹ. Hồi hộp cảm giác dõi theo những đứa trẻ ở Trường Trỗi, trường Bé (Trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé) những trường HSMN ở Đông Triều, Hà Đông, Chương Mỹ, Vĩnh Phú… phải chạy dạt sang tận Quế Lâm, Trung Quốc.  Cũng từng loáng thoáng chuyện mới cũ những lệch lạc, ngỗ ngược này khác những vụ xô xát, nổi loạn của đám học sinh miền Nam. Bây giờ tiếp cận với cuốn sách mới biết rõ thêm sự kiện đám học sinh Khu Năm xô xát với đám trẻ người Nam Bộ ra sao.

Một chuyện cảm động. Hai chị em da màu người Cameroon, Ernest cô chị,  Monique, cậu em đều là HSMN. Cha mẹ của chúng là lãnh đạo cuộc kháng chiến Cameroon mong muốn gửi con qua Việt Nam và mong Việt Nam đào tạo con mình nên người. Họ nhờ bà Nguyễn Thị Thập khi đó là lãnh đạo Hội Phụ nữ Việt Nam giúp đỡ. Bà Thập đã gửi hai chị em khi đó nhỏ tý vào Trường học sinh miền Nam. Hai chị em cùng ăn ở sinh hoạt học tập với HSMN.  Hai chị em thân thiết nhất với Hoàng Thị Hà (sinh 1955, HSMN Quế Lâm, Ký túc xá HSMN Vĩnh Yên rồi Vĩnh Phú) Sau này bố của Ernest và Monique bị sát hại, hai chị em vẫn học ở Việt Nam cho đến khi được ra nước ngoài học tiếp. Sau 1975 bẵng đi hàng chục năm Hà mất liên lạc với hai chị em. Bất ngờ gần đây Hà và bạn bè cùng lớp thuở ấy đã tra trên mạng và nối được liên lạc với hai chị em. Hình như có cuộc trùng phùng sắp tới giữa tốp HSMN ngày ấy và hai chị em người Cameroon.

Một bà mẹ khi con gái tập kết mới ba tuổi. Ra Bắc học, Hòa- tên cô con gái mất liên lạc với gia đình trong Nam. Mãi gần đây nhờ đăng tin trên báo mới biết mẹ mình còn sống. Oái oăm khi ở tuổi gần bảy mươi tìm về gặp mẹ khi ấy đã ngoài 90. Mặc dù mẹ còn tỉnh táo nhưng dứt khoát không nhận ra con gái vì nó hổng giống ba nó! Mãi khi đi thử ADN thì mọi việc mới êm xuôi.

Như Hắn là mẩu hồi ức mà tôi có cảm giác như chất liệu cho một cuốn sách bắt mắt? Hắn là cậu bé HSMN ra Bắc mới nhỏ tý. Hắn học hành vất vả từng bỏ học bỏ trại tụ tập bạn xấu lêu lổng, dạt vòm… Từng đi ăn cắp bị bắt bị giam… Nhưng nhờ thầy cô bạn bè và nghị lực bản thân, Hắn đã vượt qua quá khứ đen ngòm ấy trở thành người có ích.

Rồi chuyện có một tốp HSMN lớn tuổi ở trường nọ đột ngột đương đêm biến khỏi trường. Báo động rồi lệnh truy tìm tầm nã khắp nơi. Mãi ít lâu sau Đồn công an bờ Bắc sông Bến Hải mới phát hiện họ đang chuẩn bị… vượt biên! Khi cật vấn tất thảy đám học sinh miền Nam đều đồng thanh tụi em lớn tuổi học không có vô nên quyết về Nam chiến đấu. Dạ có xin phép thì biết ban Giám hiệu hổng có cho nên quyết tâm trốn vậy thôi.

Qua những mẩu hồi ức kỷ niệm đọc thấy ngồ ngộ xen lẫn những chát đắng. Như hiện ra giữa những hàng chữ những sang chấn tâm lý, đặc thù trong thời buổi đặc thù ấy gần như bị bỏ lơ? Cái tuổi thơ dại rồi hoa niên, đùng cái phải biệt xa bố mẹ, người thân thích ruột thịt. Có ai đó nói con người hình thành tính cách là ở độ tuổi 8-10. Tính cách ấy gần như đeo bám đến suốt đời. Không hiếm độ tuổi ấy đã sơ hở hớ hênh lộ ra những khoảng trống hoang dại mà không được kịp thời khẩn hoang trồng tỉa tắm tưới chăm bẵm. Đó là những duyên do nguyên nhân dẫn đến và cắt nghĩa tại sao  không ít những trường hợp sau năm 1975 trong đoàn tụ sum vầy nhưng bố mẹ không sao hòa hợp được với con. Và ngược lại, con cái cũng vậy.

Từ tận chót Mũi Cà Mau đến miệt vườn Nam Bộ đất miền Tây miền Đông cho tới Khu Năm Bình Trị Thiên khói lửa… Những mẩu hồi ức, cái thì chải chuốt kỹ càng, thứ thì thô ráp dường như phát lộ tính cách đặc thù của người của mỗi vùng miền. Và nhóm biên soạn đã không thể thiếu cái nghĩa tình đưa vô sách ký ức những tấm lòng đồng bào miền Bắc còn thiếu thốn đủ bề nhưng đã vì miền Nam bằng nhiều cách cảm động. Vì miền Nam ruột thịt. Miền Nam xa vời mênh mông… Nhưng miền Nam đang cụ thể hiển hiện bên mình sát cạnh nhà mình những HSMN bé bỏng, lẻ loi. Chiến tranh, chia cắt… là thứ mà hình như lịch sử đã oái oăm thử thách trêu ngươi người Việt mình? Nhưng thời gian 1955-1975 đã làm nên lát cắt của sử về tấm lòng Việt tấm lòng hậu phương đùm bọc chở che những đứa con miền Nam trên đất Bắc. 

Thủ tướng viếng  nguyên Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Văn Chính

Chiều 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Đại biểu Chính phủ tới Nhà tang lễ TPHCM viếng đồng chí Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Long An. Cũng trong chiều 30/10, Đoàn Đại biểu Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã vào viếng nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính.

MỚI - NÓNG
Hàng Việt xuất Mỹ tăng
Hàng Việt xuất Mỹ tăng
TPO - Nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, từ mức giảm 21% trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm nay, thúc đẩy hoạt động sản xuất lên mức 10%.