Từ ngày 1/4 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai các trạm cân tải tại 63 tỉnh, thành. Tính sơ sơ, mỗi trạm cân có mức đầu tư 2 tỷ đồng, 67 trạm cân 134 tỷ đồng. Đến nay, không ít địa phương phàn nàn các thiết bị hoạt động chập chờn, không chính xác. Nhiều tài xế khiếu nại vì bị xử phạt oan. (Xem chi tiết)
Những ngày qua tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tàu Trung Quốc đã chuyển sang tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam thay vì tấn công các tàu Kiểm ngư như lúc đầu. Trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc, các tàu chấp pháp của Việt Nam tạm thời chỉ tuyên truyền vòng ngoài, hạn chế áp sát, hạn chế va đâm để không gây ra tổn thất và tránh tình huống rủi ro.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 3/6 phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung do Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam): Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung từ bao đời nay. Ngư dân miền Trung đang bị đe dọa bởi giàn khoan trái phép và đường lưỡi bò của Trung Quốc. (Xem chi tiết)
Báo South China Morning Post của Hong Kong hôm qua dẫn nguồn từ kênh quân sự thuộc Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc khẳng định, các tàu Trung Quốc đã đâm thủng tàu Việt Nam ở gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981. Theo đó, 5h chiều ngày 1/6, một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB-2016 bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 46015 va vào, khiến tàu Việt Nam bị 4 lỗ thủng bên mạn phải và bị nghiêng, nhiều thiết bị như ống khí bị hỏng. (Xem chi tiết)
Trong bài báo đăng ngày 1/6, tờ “Gazeta.ru”, 1 trong 3 tờ báo tư nhân lớn và có tiếng nhất của Nga đã khẳng định rằng trong ít nhất là 400 năm qua của lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có cái gọi là chủ quyền ở Hoàng Sa của Việt Nam. Tờ báo đã lần lượt điểm lại các mốc lịch sử và những bằng chứng hết sức thuyết phục về lịch sử chiếm hữu, chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 4 và 5-6 tại Brussels (Bỉ), tuyên bố chung của hội nghị sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và tự do bay qua ở biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố chung sẽ bày tỏ lo ngại động thái bành trướng của Trung Quốc nhưng sẽ không nêu đích danh Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tuyên bố của G7 đề cập đến vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 3-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố kế hoạch chi 1 tỉ USD để triển khai binh lực tại Đông Âu nhằm trấn an các nước đồng minh đang lo ngại Nga. Tới thăm Ba Lan ông Obama cho biết Washington sẽ đầu tư 1 tỉ USD để triển khai quân và vũ khí tới “các nước đồng minh mới” ở Đông Âu. Với chương trình này, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ các nước không phải thành viên NATO như Ukraine và Gruzia tăng cường sức mạnh phòng thủ.
Ngày 3-6, chính quyền quân sự Thái Lan tuyên bố bãi bỏ luật giới nghiêm ở ba bãi biển du lịch nổi tiếng để kéo du khách nước ngoài trở lại sau vụ đảo chính tháng trước. Chính quyền quân sự cho biết luật giới nghiêm không còn hiệu lực ở Pattaya, Koh Samui và Phuket “để tạo bầu không khí thuận lợi cho ngành du lịch”. Tất cả các khu vực khác còn lại ở Thái Lan vẫn trong tình trạng giới nghiêm.
Ngày 3/6, một vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng đã xảy ra tại ngoại ô thành phố Karachi, Pakistan. Chiếc chiến đấu cơ của Không quân Pakistan đã lao xuống một nhà ga xe buýt, khiến ít nhất hai người thiệt mạng và tám người bị thương. Người phát ngôn của Không quân Pakistan cũng xác nhận vụ tai nạn và cái chết của viên phi công, song không thể đưa ra nguyên nhân tai nạn. (Xem chi tiết)
Quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng đang có dấu hiệu cải thiện. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 3-6 cho biết chuyến thăm Triều Tiên của Thủ tướng Shinzo Abe có thể là một lựa chọn để giải quyết dứt điểm vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt trong những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, ông Kishida nhấn mạnh vẫn chưa có quyết định cuối cùng về chuyến thăm.