Bản tin 8H: Pháp sắp mang tàu sân bay quay lại tấn công IS

Máy bay chiến đấu Rafale của hải quân Pháp hạ cánh xuống tàu Charles de Gaulle. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu Rafale của hải quân Pháp hạ cánh xuống tàu Charles de Gaulle. (Nguồn: AFP/TTXVN)
TPO - Ngày 13/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle quay trở lại Trung Đông, đồng thời đưa thêm nhiều cố vấn quân sự tới Iraq để tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Do gió Đông Nam tiếp tục đẩy mây ẩm vào nên hôm nay (14/7) các tỉnh thành Bắc Bộ cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc vẫn sẽ duy trì kiểu thời tiết nhiều mây, có mưa to và rải rác có dông, đề phòng dông sét và gió giật mạnh gây nguy hiểm. Các tỉnh miền Trung nhiệt độ toàn khu vực cũng giảm, nhiệt độ giao động 33-35 độ C. Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, cao nhất từ 30-33 độ C.


Chiều 13/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016; đồng thời chủ động triển khai các phương án xử lý các sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. (Xem chi tiết)


Khảo sát hiện trường chôn 100 tấn chất thải từ lò luyện cốc, Cục trưởng Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường khẳng định "sẽ làm việc đến cùng với Formosa". Theo Cục trưởng, Bộ Tài nguyên lấy mẫu độc lập, trong ngày mai khi khai quật chất thải sẽ đưa đi xét nghiệm, dự kiến sau 3-4 ngày sẽ có kết quả. Căn cứ kết luận đó là chất gì sẽ tìm phương án xử lý. Trong chiều 13/7, khoảng 30 người dân ở xã Kỳ Trinh đã tập trung về khu vực chôn chất thải để quan sát. Nhiều người bày tỏ bức xúc khi Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh tự ý chôn lấp chất thải nhiều tháng qua mà họ không hay biết.


Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, 3 năm qua, do tác động của El Nino nên mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm miền Tây. Từ đầu năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn nên mặn trên sông đến sớm hơn gần hai tháng so với cùng kỳ. Xâm nhập mặn được cho là sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90 km. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng. Đến cuối thế kỷ 21, nước biển có thể dâng từ 48-106 cm, khiến miền Tây ngập gần 40% diện tích.


Hôm qua, Trung Quốc cảnh báo các nước đối thủ chớ biến biển Đông thành “nguồn gốc chiến tranh” và đe dọa lập vùng nhận dạng phòng không ở đó, sau khi những đòi hỏi chủ quyền của nước này trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược bị tuyên bố là vô căn cứ. Giới quan sát quốc tế nhận định, phán quyết của Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn trở thành vũ khí ngoại giao mạnh mẽ cho Philippines và các nước liên quan khác trong những tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ với Trung Quốc trên vùng biển giàu tài nguyên. (Xem chi tiết)


Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine.Thông báo được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ Hội đồng Nga-NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 13/7. Ngoài ra, ông Stoltenberg cho biết thêm với tinh thần minh bạch, NATO đã thông báo cho Nga về những quyết định quan trọng vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Warsaw hồi cuối tuần qua. Một trong những quyết định này là việc NATO nhất trí sẽ triển khai 4 tiểu đoàn gồm khoảng 4.000 binh sỹ tới Ba Lan và các quốc gia Baltic.


Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành điện đàm, trong đó bày tỏ hy vọng tăng cường lòng tin giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc ngày 9/7 vừa qua đã quyết định tăng cường lực lượng tại khu vực phía Đông gần biên giới với Nga, một động thái mà Nga đánh giá là làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Nga kêu gọi NATO chấm dứt hành động này để bắt đầu đối thoại xây dựng lòng tin.


Ngày 13/7, ông Hamid Ba'eedinejad, nhà đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, nói rằng chương trình tên lửa của Tehran phục vụ các lợi ích quốc gia của Iran và Iran sẽ không từ bỏ chương trình này. Theo ông, các nước phản đối chương trình tên lửa của Iran không nên trông đợi vào việc Tehran sẽ từ bỏ các lợi ích an ninh và phòng thủ của mình. Chương trình tên lửa của Iran không phải là mối đe dọa đối với khu vực và các nước khác.


Ngày 13/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle quay trở lại Trung Đông, đồng thời đưa thêm nhiều cố vấn quân sự tới Iraq để tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Hollande khẳng định: "Pháp sẽ tăng cường nỗ lực của quân đội nhằm giúp đỡ phía Iraq chiếm lại thành phố Mosul (từ tay IS)". Ông tiết lộ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle sẽ quay trở lại khu vực này "trong mùa Thu năm nay" để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS.


Nguồn tin từ hãng tin Amaq có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết Abu Omar al-Shishani, một thủ lĩnh cấp cao của nhóm khủng bố này, đã thiệt mạng tại thành phố Shirqat, phía Nam thành phố Mosul của Iraq. Hiện thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng. Trước đó, vào hồi tháng 3/2016, Lầu Năm Góc cho rằng al-Shishani, kẻ được miêu tả là "Bộ trưởng chiến tranh" của IS, thủ lĩnh cấp cao số hai của tổ chức này, có khả năng đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ ở Syria.


Đêm 13/7 theo giờ Việt Nam, ngay sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã công bố danh sách nội các mới. Đáng chú ý, những chức vụ chủ chốt như Ngoại trưởng và “Bộ trưởng Brexit” được bà May giao cho những nhân vật từng ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Động thái được đánh giá gây ngạc nhiên nhất của bà May là việc bổ nhiệm cựu Thị trưởng London Boris Johnson vào chức vụ Ngoại trưởng. Chính trị gia 52 tuổi này chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Anh và từng là người ủng hộ chiến dịch vận động Brexit.

MỚI - NÓNG