Bản tin 8H: IS âm mưu tấn công căn cứ không quân Nga

Máy bay Sukhoi Su-25 của Nga được trưng bày tại triển lãm ở căn cứ không quân Nga tại Kant, Kyrgyztan. Nguồn: AFP/TTXVN.
Máy bay Sukhoi Su-25 của Nga được trưng bày tại triển lãm ở căn cứ không quân Nga tại Kant, Kyrgyztan. Nguồn: AFP/TTXVN.
TPO - Theo TASS, hãng tin Interfax (Nga) ngày 17/7 dẫn lời cơ quan báo chí thuộc Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan cho biết 6 phần tử khủng bố bị tiêu diệt ngày 16/7 ở Bishkek đã lên kế hoạch tấn công căn cứ không quân của Nga ở Kant. Cơ quan này cũng xác nhận toàn bộ 6 tên này đều thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Ngày 17/7, tại cuộc họp báo Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, việc Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo được ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Theo Đó, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được Quốc hội ban hành đã tập trung quy định các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý. Trong đó có những chế định lần đầu tiên được ghi nhận như việc khai thác tài nguyên biển và hải đảo phải phù hợp với chức năng của từng khu vực biển, trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển. (Xem chi tiết)


Tối 17/7, tại khu hành chính thị xã Giá Rai (phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Giá Rai. Thị xã Giá Rai được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên gần 35.467ha và dân số hơn 140.000 người của huyện Giá Rai. Thị xã Giá Rai có 3 phường gồm phường 1 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Giá Rai. Phường Hộ Phòng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Hộ Phòng. Phường Láng Tròn trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của xã Phong Thạnh Đông A. 

Ngày 17/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với nguyên chủ tịch và nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank). Theo đó, 2 người vừa bị bắt là Tạ Bá Long (SN 1955, quê Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu và Đoàn Văn An (SN 1958, quê Nam Sách, Hải Dương), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu. Ông Long và ông Giới bị bắt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. (Xem chi tiết)

Công an quận 3 (TP HCM) ngày 17/7 tạm giữ Nguyễn Trung Hậu (31 tuổi, Việt kiều Mỹ) để điều tra về việc đâm anh Nguyễn Đăng Long (20 tuổi) trọng thương. 
Theo điều tra ban đầu, chiều 13/7, Hậu chở vợ bằng xe máy trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3) thì xảy ra va chạm với Long. Sau vài lời đôi co, Hậu đuổi đánh khiến Long phải cầu cứu người bạn đi phía sau. Cả hai xông tới đánh trả nhưng thấy Hậu cầm dao nên phải bỏ xe chạy bộ thoát thân. Một lúc sau vợ chồng Hậu chạy xe hướng về ga Sài Gòn thì gặp Long. Hậu được cho là tiếp tục đâm nam thanh niên gục giữa đường rồi chạy về nhà vợ ở phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) lẩn trốn. (Xem chi tiết)

Theo TASS, hãng tin Interfax (Nga) ngày 17/7 dẫn lời cơ quan báo chí thuộc Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan cho biết 6 phần tử khủng bố bị tiêu diệt ngày 16/7 ở Bishkek đã lên kế hoạch tấn công căn cứ không quân của Nga ở Kant. Cơ quan này cũng xác nhận toàn bộ 6 tên này đều thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thông báo của cơ quan trên nêu rõ: "Đã xác định rằng nhóm khủng bố này âm mưu và chuẩn bị thực hiện các hành động khủng bố vào ngày 17/7 - ngày lễ Orozo Aita đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Hồi giáo, tại những địa điểm tập trung đông người và căn cứ không quân của Bộ Quốc phòng Nga tại thành phố Kant, tỉnh Chui, miền Bắc Kyrgyzstan."


Một tòa án Nga ngày 17/7 đã phê chuẩn lệnh bắt giữ vắng mặt nghị sỹ duy nhất bỏ phiếu phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Nghị sỹ Ilya Ponomaryov, hiện đang sống ở Mỹ, bị cáo buộc đồng lõa trong vụ biển thủ 750.000 USD từ Quỹ Skolkovo, dự án công nghệ cao mà Điện Kremlin kỳ vọng sẽ trở thành "Thung lũng Silicon" của Nga. 


Phản ứng trước việc Bộ Ngoại giao Ukraine vừa thông báo Quyền Tổng Lãnh sự Nga tại Odessa là "nhân vật không được hoan nghênh," ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả cần thiết, “như vẫn được áp dụng trong hoạt động ngoại giao.”
 Phát biểu với hãng tin Interfax (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin tuyên bố: “Chúng tôi xem đây là một động thái không thân thiện kế tiếp, nhằm làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa chúng tôi với Ukraine.”

Chỉ huy mới của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) hôm qua khẳng định, các lực lượng Mỹ được trang bị đầy đủ và sẵn sàng phản ứng với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trên biển Đông, trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền ở khu vực này trở nên khó lường. Reuters dẫn lời Đô đốc Scott Swift, người mới nhậm chức chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương từ tháng 5, nói rằng Hải quân Mỹ triển khai hơn 4 chiến hạm ven biển mà họ đã cam kết. Ông Swift cũng tiết lộ rằng ông “rất quan tâm” đến việc mở rộng tập trận thường niên giữa Hải quân Mỹ với từng nước đồng minh thành một cuộc tập trận đa quốc gia, có thể bao gồm cả Nhật Bản. (Xem chi tiết)

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 17/7, đã tiến hành cải tổ chính phủ, một ngày sau khi xảy ra vụ phản đối lớn ngay trong nội bộ của đảng Syriza cầm quyền theo đường lối cực tả của ông Tsipras về thỏa thuận cứu trợ tài chính với những biện pháp cải cách khắc nghiệt. Trong một nỗ lực nhằm chứng minh cho các chủ nợ quốc tế thấy vẫn đang kiểm soát được nội các, ông Tsipras đã cách chức 10 thành viên nội các, trong đó có các bộ trưởng và thứ trưởng, những người đã bỏ phiếu chống đối với những biện pháp cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ của Hy Lạp.


Hải quân Ấn Độ vừa thông báo một kế hoạch đầy tham vọng về việc bổ sung thêm 200 tàu chiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2027. Bên cạnh đó, Hải quân Ấn Độ cũng khẳng định việc phiên chế thêm 6 tàu ngầm và 3 máy bay vận tải quân sự, bổ sung cho 3 trung tâm chỉ huy của hải quân nước này. Kế hoạch bổ sung tàu chiến, phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân của Ấn Độ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng nhanh chi tiêu quân sự và có nhiều tham vọng ở khu vực.
MỚI - NÓNG