Người “nâng đời” vả Huế
Hôm đó, tại khách sạn hạng sang Hương Giang (Huế) có hội nghị quan trong dành cho giới doanh nhân. Trong tiệc chiêu đãi sau đó, ban tổ chức lần đầu tiên giới thiệu đến thực khách một thứ đồ uống khai vị lên men ủ ướp trên độ cao hơn 1.400 mét bằng quả vả thu hái quanh chân ngọn núi Bạch Mã, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.
Nhiều người trầm trồ về thứ đồ uống độc nhất vô nhị mang tên Bạch Mã xứ Huế được chưng ủ từ quả vả mộc mạc, nhưng hương vị, độ đậm đà, nồng nàn không thua kém gì các dòng rượu vang nho tên tuổi trên thế giới. Tôi tò mò ghi lại địa chỉ, số điện thoại… Một dạo sau đó công tác về Phú Lộc, quán nước ven đường mà tôi ghé có tờ bìa nhỏ dán lên vách giới thiệu một loại trà làm từ quả vả Huế. Bèn gọi điện. Tôi quen Mai Quốc Bảo, người khám phá ra nhiều sản phẩm đặc biệt chế xuất từ quả vả Huế, cũng từ sự tò mò tình cờ đó.
Dạo ấy, Mai Quốc Bảo rời bỏ TP HCM đang yên ổn, xa vợ con để quay về quê khởi nghiệp với trái vả. Không dễ dàng gì, khi Bảo từng phải bán nhà vì quá say mê quả vả. Có những lúc, hạnh phúc ở gia đình nhỏ của Bảo từng chông chênh, suýt đổ vỡ cũng bởi niềm đam mê quả vả khác người của anh.
Bảo người xứ Truồi “ngọt mít thơm dâu”, với dòng sông Truồi hiền hòa và những vườn cây trái như bưởi thanh trà, mít, vả, cam quýt, dâu da, chuối hương mướt mát trĩu quả. Xứ Truồi nay là xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bảo từng đùa rằng, cuộc đời anh có duyên với từ “vả”. Ngay từ thuở bé thơ, anh đã trải qua những chuỗi ngày vất vả bươn chải. Sau này khởi nghiệp và thành công, anh cũng gắn không rời với từ “vả”, đó là quả vả Huế.
Bảo nhớ lại, năm đó mới 19 tuổi (năm 1998), anh một mình khăn gói vào TP HCM, với mong muốn học hành rồi làm một công việc gì đó để đổi đời. Những ngày trên đất khách, sau khi dùng hết số tiền ít ỏi mang theo, Bảo vừa phải làm đủ nghề để kiếm sống như xe ôm, phục vụ quán ăn, nhân viên chạy bàn nhà hàng, gia sư dạy kèm suốt trong hai năm, vừa ôn thi đại học. Bảo thi đỗ vào ngành Tài chính nhà nước - trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học, Bảo đi làm cho doanh nghiệp bất động sản, vừa tập tành khởi nghiệp với việc mở một quán ăn món Huế tại TPHCM.
Bảo có nhiều bạn bè nơi đất khách. Anh kể, cứ mỗi bận cuối tuần, bạn bè tha hương tìm đến ủng hộ quán, cũng như được nghe anh đàn hát để khuây đi nỗi nhớ nhà. Trong bàn nhậu lúc nào anh cũng “khuyến mãi” bạn bè món quả vả, đặc biệt là vả xanh chấm ruốc Huế.
“Những lần ngồi tiếp chuyện bạn bè, uống bia mà có ăn kèm quả vả tươi từ Huế gửi vào, em thấy bụng dạ êm re, không tiêu chảy, đầy hơi trướng bụng. Em suy nghĩ, thứ quả này chắc có công dụng tốt cho đường ruột. Như trong món thịt vịt phay, rau sống ăn kèm của người Huế luôn có quả vả thái mỏng là vì thế”.
Năm ấy, Bảo về quê thăm gia đình. Ghé nhà người chị ruột, anh bị gây chú ý bởi món trà làm từ quả vả thô thái mỏng phơi khô. Quà anh mang theo từ quê vào lại TP HCM sau đó là một bọc trà vả xắt phơi thủ công. Rồi anh tự tay chế biến quả vả để làm trà dùng dần và tặng cho bạn bè. Một người bạn Việt kiều lớn tuổi nhận quà “cây nhà lá vườn” trà vả của Bảo. Ban đầu, ông không dám dùng vì ngại mất vệ sinh, lo trà tẩm ướp hóa chất bảo quản. Sau này, khi biết đây là “trà sạch”, ông bạn Việt kiều dùng thử và phát hiện có tác dụng tốt cho người mắc bệnh tiểu đường như ông. Đây cũng là vị khách hàng đầu tiên đặt Bảo làm trà vả bán riêng cho ông.
Với tham vọng sản xuất ra loại trà không chỉ bán riêng cho một người, năm 2014, Bảo mở cơ sở sản xuất trà, nhưng không lâu sau đó phải chịu thất bại vì khâu thị trường. “Sản phẩm quá mới mẻ. Lâu nay, trong thế giới trà có nhiều loại, nhưng trà vả có ai biết đâu. Em sản xuất ra hàng loạt nhưng không bán được. Công dụng quả vả tốt cho sức khỏe là vậy, nhưng vì không có cơ sở khoa học để chứng minh, nên khó thuyết phục người dùng”.
Đến sản phẩm độc nhất vô nhị thế giới
Từ đận ấy, bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ vào làm trà vả đối với Bảo xem như mất trắng. Một ngày của năm 2017, Bảo quay về quê với chiếc ví chỉ còn vỏn vẹn 500.000 đồng và trong đầu luôn xoáy xoay những ngổn ngang mối lo mưu sinh, nợ nần. Phía sau anh còn là gia đình, vợ con.
Anh một mình tìm lên đỉnh Bạch Mã để mong định thần sau cú ngã đau đầu tiên trên bước đường khởi nghiệp. Nửa đêm, giữa sương khói, mây ngàn, không khí mát dịu, trong đầu Bảo lóe lên ý tưởng làm thứ rượu vang ủ ướp từ quả vả thanh chát ngay trên đỉnh ngọn núi danh thắng cao 1.450 mét này.
Bảo quay lại TPHCM, giấu vợ con đem cầm cố ngôi nhà của mình rồi tìm cách xoay xở từ bạn bè, người thân khoản vốn liếng để tiếp tục đầu tư vào quả vả. Ban đầu, Bảo tập trung công sức, tiền bạc vào công tác nghiên cứu tác dụng của quả vả. Anh tìm đến các nhà khoa học và có người đã nhiệt thành nhận lời giúp đỡ anh.
Sau thời gian phối hợp với nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y dược TP HCM do một giáo sư, tiến sĩ làm chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu “Khảo sát tác dụng hạ đường huyết và độc tính cấp của cao chiết cồn từ quả vả” đã chứng minh được cao chiết cồn từ quả vả có tác dụng hạ đường huyết và không gây hại sức khỏe. Đề tài được đăng tải trên Tạp chí Y học TPHCM, trong chuyên đề Dược.
“Nói có sách, mách có chứng”, với kết quả nghiên cứu này, từ năm 2017 đến nay, Bảo tự tin tìm cách khôi phục lại sản phẩm trà vả, chú ý hơn khâu mẫu mã, chất lượng, tiếp thị; đồng thời, bắt đầu nghiên cứu để phối hợp sản xuất ra những sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh như viên TĐ FIG (hỗ trợ điều trị tiểu đường), rượu vang Bạch Mã làm từ trái vả...
Đến nay, sản phẩm trà vả Lộc Mai của Mai Quốc Bảo đã có mặt tại hầu hết các siêu thị bán lẻ lớn trong toàn quốc, như Big C, Hoàng Gia, Satrafoods, Co-op Mart, Aeon Citimart... Năm ngoái, viên sản phẩm TĐ FIG hỗ trợ điều trị tiểu đường cũng đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận công bố sản phẩm. Sản phẩm hiện có mặt rộng rãi trên thị trường.
Riêng loại thức uống lên men gắn với danh thắng Bạch Mã đã có mặt lần đầu trên thị trường từ năm 2018, hiện sản xuất không kịp để bán. Bình quân cứ theo chu kỳ ủ vả hơn 12 tháng, cơ sở sản xuất của Bảo lại cho ra một mẻ vang vả Bạch Mã khoảng 5.000 lít, được ủ ướp tinh túy trên độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, bằng nguồn nước thanh khiết của ngọn núi Bạch Mã quanh năm mát lạnh, đầy hoa, thưa vắng bóng người. Đây là loại vang có một không hai trên thế giới hiện nay, không làm từ trái nho truyền thống mà ủ ướp bằng quả vả Huế.
Sau những thành công bước đầu bằng những sản phẩm riêng biệt chế biến từ quả vả, Bảo hiện tập trung nghiên cứu, nuôi tham vọng sản xuất ra một loại sản phẩm mới hỗ trợ điều trị ung thư chiết xuất từ hợp chất Polyphenol có hàm lượng cao trong trái vả.
Hôm rồi đầu tháng 12/2019, xem chương trình“Việt Nam thức giấc” trên VTV1, cái tên Mai Quốc Bảo lại được nông dân Thừa Thiên - Huế nhắc đến với tư cách là một người trẻ góp phần cải thiện sinh kế cho hàng trăm hộ gia đình sinh sống dưới chân núi Bạch Mã. Sản lượng quả vả tươi mà Bảo bao tiêu cho bà con nông dân hiện lên đến 100 tấn/năm, vùng nguyên liệu hiện do anh xây dựng rộng trên 20ha.
Vừa theo đuổi những dự án, sản phẩm mới mang tính dược liệu làm từ quả vả như một niềm đam mê, Bảo hiện còn hỗ trợ nhiều nông dân thông qua Dự án xây dựng vùng nguyên liệu cây vả, hướng đến mục tiêu tổng thể tạo sinh kế bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học cho 235 hộ gia đình sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, với kinh phí hỗ trợ khoảng 2,2 tỷ đồng. Qua đó, dự án sẽ tài trợ kinh phí để người dân trồng, bảo tồn, phục tráng cây vả hiện có trong vườn nhà, góp phần nâng cao thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.