Cần cuộc “đại phẫu” giá điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo khung giá của Thủ tướng về điều chỉnh giá điện. “Từ 1/8/2013 đến nay, các thông số đầu vào theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 12,8%. Mức tăng 7,5% là thấp nhất trong kịch bản tăng giá điện”, ông Tuấn nói.
Nhận định về việc tăng giá điện 7,5%, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, từ năm 2007 đến nay, EVN tăng giá điện 7 lần. Lần tăng ngày 16/3 là thứ 8 và có biên độ tăng lớn so với những lần gần đây. “Chính sự tăng cao gây bức xúc cho người tiêu dùng (NTD). NTD chưa đồng thuận do EVN hoạt động thiếu minh bạch. Tất cả hoạt động của EVN thực chất chưa hiệu quả, mọi chi phí phát sinh lại đổ lên đầu NTD. Theo tôi, để tạo sự đồng thuận cần minh bạch hơn trong tính toán giá thành. Đáng ra, tọa đàm phải có đại diện EVN để nghe tiếng nói của công luận cũng như NTD, nhưng rất tiếc đại diện EVN không tham gia”, ông Long nói.
Theo ông Long, việc tính toán chi phí và giá thành điện rất phức tạp, cần có 1 cuộc “đại phẫu” và cơ quan chuyên môn có khả năng kiểm tra giá điện. Theo cơ quan kiểm toán và báo cáo của cơ quan liên quan, năm 2014 ngành điện kinh doanh không hiệu quả. Tất cả những yếu tố như đầu tư ngoài ngành, tổn hao điện năng do truyền tải lỗ do chủ quan, quản trị kém, cuối cùng NTD chịu thiệt. Trong khi đó, cơ quan chức năng như Bộ Công Thương lại đứng về phía đơn vị sản xuất, ít khi đứng về phía NTD.
Giá điện, xăng dầu cùng tăng là ngẫu nhiên?
Trả lời câu hỏi về lo ngại giá các mặt hàng thiết yếu tăng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Quản lý Giá, cho biết: Ngay khi giá xăng dầu và điện tăng, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giải pháp đầu tiên là đề nghị cơ quan chức năng trên địa bàn theo dõi sát giá các mặt hàng thiết yếu. Nếu giá tăng sẽ tham mưu, đề xuất các biện pháp bình ổn giá theo quy định pháp luật.
Theo ông Tuấn, việc giá xăng dầu và điện cùng tăng là ngẫu nhiên bởi được điều tiết theo giá thị trường thế giới. Còn giá điện được điều chỉnh tăng theo lộ trình cụ thể.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu tính theo giá xăng thế giới, xăng trong nước phải tăng 3.500 đồng/lít, tuy nhiên, quá trình điều hành liên bộ tính toán hợp lý mức tăng, tránh gây sốc cho NTD. Số còn thiếu do tăng giá dùng quỹ bình ổn xăng dầu bù vào.