Băn khoăn về một đề xuất

Băn khoăn về một đề xuất
TP - Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12), tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại đề xuất với Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân.

Nói “lại” là bởi vì đề xuất của ông chủ tịch, nguyên là một quan chức công an, không mới bởi Hà Nội từng đề xuất biện pháp tương tự: năm 2005, để hạn chế xe cá nhân, Hà Nội từng tạm dừng đăng ký xe máy mới ở một số quận. Tuy nhiên, sau đó, những đề xuất, giải pháp của chính quyền trong việc hạn chế xe cá nhân không được công chúng đồng tình nên đều bị dỡ bỏ hoặc chỉ tồn tại trên giấy bởi không phù hợp với các điều kiện thực tế.

Đây có thể xem là đề xuất đầu tiên gây sự chú ý lớn của người dân từ vị tân chủ tịch bởi nó có thể ảnh hưởng tới gần như tất cả người dân thủ đô và thậm chí là ở quy mô vùng nếu không muốn nói là toàn quốc. Bởi bất cứ sự thay đổi lớn nào ở đô thị quan trọng bậc nhất nước như Hà Nội đều tác động đến rất nhiều người, kể cả những người không sống ở thủ đô.

Tất nhiên ông Chung có nhiều lý do để đưa ra đề xuất nói trên bởi điều ai cũng thấy rõ là tình trạng căng thẳng về giao thông ở thủ đô. Theo ông tân chủ tịch, hiện mỗi tháng ở Hà Nội có 18.000-20.000 xe máy và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Bức tranh giao thông sẽ tiếp tục ảm đạm hơn khi đến năm 2018, nhiều dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm, có nguy cơ làm gia tăng các phương tiện đăng ký mới.

Dù đề xuất trên mới chỉ ở dạng… đề xuất, và lộ trình như thế nào còn chưa rõ, nhưng đằng sau đó là hàng loạt câu hỏi cần được được đặt ra. Đi lại là một nhu cầu thuộc dạng căn bản nhất trong đời sống xã hội và bất cứ quyết định nào liên quan đến nhu cầu này đều ảnh hưởng lớn đến người dân. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại nhắm đến phương tiện cá nhân. Liệu hạn chế loại phương tiện này có thực sự giải quyết được bài toán giao thông của thủ đô?Trong khi mức độ tập trung dân số cao ở nhiều khu vực của Hà Nội, với tốc độ xây dựng như hiện nay, hạn chế phương tiện cá nhân có giải quyết được vấn đề và nếu hạn chế thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Các phương tiện giao thông công cộng liệu có đáp ứng được nhu cầu của người dân? Chính vì thế, đi tới cùng vấn đề, có lẽ nên đặt lại vấn đề cho chính xác là để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, cần xây dựng lộ trình giảm thiểu ách tắc giao thông. Điều đó có nghĩa là phải thực hiện một loạt biện pháp đồng bộ, từ giãn dân, phát triển hệ thống giao thông công cộng phù hợp, hạn chế xe cá nhân và một số loại phương tiện khác… với lộ trình hợp lý. Nếu chỉ nhìn nhận nguyên nhân ách tắc là xe cá nhân có lẽ chưa đầy đủ.

Giải quyết vấn nạn giao thông là nhu cầu bức thiết của toàn dân và cũng là nhiệm vụ của chính quyền. Nhưng nếu các biện pháp đưa ra không phù hợp, không khoa học và đúng bản chất thì khó nhận được sự đồng thuận của người dân và rồi “lại” tiếp tục chỉ tồn tại trên giấy.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.