Ban điều hành đề án 112 TPHCM và 'siêu quyền lực'

Ban điều hành đề án 112 TPHCM và 'siêu quyền lực'
TP - Văn phòng HĐND & UBND thành phố là chủ đầu tư của hầu hết các dự án liên quan đến Đề án 112 và chính thủ trưởng đơn vị này lại ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định (HĐTĐ) để thẩm định dự án của chính mình.
Ban điều hành đề án 112 TPHCM và 'siêu quyền lực' ảnh 1
Khai giảng phần 2 khóa học đặc biệt hỗ trợ chương trình 112 tại Công viên phần mềm Quang Trung năm 2003

>> Kỳ 1

Kỳ 2: Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Quyết định số 17 của UBND TPHCM đã dẫn đến hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến đề án 112...

Một điểm bất thường khác là đa số thành viên HĐTĐ dự án là cán bộ Văn phòng HĐND & UBND thành phố.

Đơn cử: Ngày 16/2/2004, Chánh văn phòng HĐND & UBND TPHCM Vũ Văn Hòa đã ký QĐ số 14 thành lập HĐTĐ giải pháp khả thi dự án “Hệ chương trình quản lý hồ sơ công việc” thuộc Đề án 112.

Hội đồng này bao gồm 8 thành viên nhưng có đến 4 thành viên (tỉ lệ 4/8), gồm: Ông Vũ Văn Hòa (Chủ tịch hội đồng), ông Lâm Văn Ba (Phó Chánh văn phòng, phó chủ tịch hội đồng) và 2 ủy viên là các ông Trần Quang Dũng (Giám đốc trung tâm tin học), Đặng Đức Hòa (Phó giám đốc trung tâm tin học) đều là cán bộ thuộc Văn phòng HĐND & UBND TPHCM.

Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt mỗi dự án đầu tư được thực hiện như sau: Văn phòng HĐND & UBND thành phố lập dự án. Trung tâm tin học trực thuộc Văn phòng HĐND & UBND thành phố lập và trình báo các giải pháp khả thi. Văn phòng HĐND & UBND thành phố thành lập HĐTĐ (trong đó đa số thành viên là cán bộ trực thuộc; lãnh đạo Văn phòng giữ cương vị chủ tịch hội đồng).

Theo Sở Bưu chính – Viễn thông, quy trình này dẫn đến tình trạng Văn phòng HĐND & UBND và BĐH 112 “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không đảm bảo tính khách quan trong quá trình thẩm định, quyết định đầu tư, vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư.

Mặc dù không được giao thẩm định báo cáo giải pháp khả thi và thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán (TKKT-TDT) nhưng QĐ 17 lại “ép” Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ký quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt TKKT-TDT (HĐTĐ chỉ có 1 thành viên là cán bộ Sở KHCN, tỉ lệ 1/8).

Sau đó nhiệm vụ trên được giao cho Sở Bưu chính - Viễn thông khi cơ quan này được thành lập, tuy nhiên ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở đã kiên quyết từ chối và đề nghị phải giao Sở Bưu chính Viễn thông thẩm định mới đủ cơ sở xem xét phê duyệt.

Hàng loạt sai phạm

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về đề án 112, Sở Bưu chính – Viễn thông TPHCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khác như giao chủ đầu tư sai quy định.

Điều 14, NĐ 52 quy định “Người có thẩm quyền quyết định đầu tư không kiêm nhiệm chủ đầu tư, cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ là chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan đó”, nhưng tính đến cuối năm 2006, Văn phòng HĐND & UBND thành phố dù là cơ quan hành chính nhưng lại đang được giao làm chủ đầu tư của 26 dự án không phải là cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan mình.

NĐ 52 yêu cầu không dùng vốn sự nghiệp để đầu tư cho dự án mới nhưng Ban Điều hành 112 thành phố vi phạm quy định này.

Có 26/26 dự án sử dụng kinh phí sự nghiệp (nếu tính cả 13 dự án GIS thuộc đề án 112 thì có đến 39 dự án).

Theo danh mục các dự án 112, hầu như các phần mềm đều là phần mềm dùng chung (nghĩa là sẽ triển khai 1 phần mềm từ T.Ư đến địa phương). Về nguyên tắc, các phần mềm này chỉ đầu tư một lần để triển khai rộng trên toàn quốc. Thế nhưng, dù các phần mềm đã được BĐH 112 Chính phủ xây dựng và thậm chí đã triển khai diện rộng nhưng vẫn được BĐH 112 thành phố ghi vốn xây dựng.

Đó là các dự án: Hệ chương trình quản lý hồ sơ công việc (dự kiến tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng, thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) ngày 06/8/2004); dự án Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội phục vụ điều hành cấp tỉnh (dự kiến tổng kinh phí 4,24 tỷ đồng, thành phố phê duyệt BCNCKT ngày 10/8/2004); dự án Trang Web thông tin điều hành tác nghiệp (dự kiến tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng, thanh quyết toán chi phí lập BCNCKT 57,5 triệu đồng);

Dự án Hệ thống thông tin phục vụ y tế (dự kiến kinh phí 2004 2 tỷ đồng thành phố phê duyệt BCNCKT ngày 03/6/2004); dự án hệ thống thông tin phục vụ cấp giấy phép xây dựng (dự kiến kinh phí 2004 2 tỷ đồng, Ban 112 thông qua giải pháp khả thi ngày 16/12/2004); dự án CSDL tại các KCN-KCX (dự kiến kinh phí năm 2004 là 3 tỷ đồng),…

Theo báo cáo của Sở Bưu chính Viễn thông, ngay sau khi bị phát hiện, BĐH 112 thành phố đã “hợp lý hóa” bằng cách chuyển thành chi phí triển khai phần mềm (các phần mềm Hệ chương trình quản lý hồ sơ công việc, Hệ thống thông tin kinh tế - Xã hội phục vụ điều hành cấp tỉnh, Trang Web thông tin điều hành tác nghiệp, Hệ thống thông tin phục vụ y tế, hệ thống thông tin phục vụ cấp giấy phép xây dựng, CSDL tại các KCN-KCX).

Tuy nhiên, vẫn còn một số phần mềm khác vẫn bị Văn phòng HĐND&UBND thành phố tìm cách thanh toán chi phí lập dự án, chẳng hạn như dự án Trang Web thông tin điều hành tác nghiệp.

Qua công tác thanh tra, Sở Bưu chính Viễn thông đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Văn phòng HĐND&UBND thành phố (chủ đầu tư) và trung tâm tin học (đơn vị trực thuộc).

Cụ thể: Trong dự án xây dựng mạng trục TPHCM, với tổng kinh phí 17 tỷ đồng, chủ đầu tư đã không thực hiện hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý để Trung tâm tin học vi phạm nghiêm trọng các quy định: cố ý làm trái gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, vi phạm qui định về quản lý viễn thông như lập mạng viễn thông dùng riêng không có giấy phép, ký kết hợp đồng kinh tế sai qui định, nghiệm thu sai khối lượng.

Đối với các hợp đồng thiết kế website cho các đơn vị của thành phố (tổng kinh phí 10 tỷ đồng), Chủ đầu tư đã không thực hiện các thủ tục ủy quyền dẫn đến việc Giám đốc Trung tâm tin học ký Hợp đồng triển khai sai thẩm quyền. Không chỉ thế, Trung tâm tin học còn có hành vi lập định mức chi phí quá cao cho xây dựng một website và cấp kinh phí nhiều lần cho một thiết kế. 

MỚI - NÓNG