CÚ HÍCH ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀ NỘI TIẾN NHANH, TIẾN XA

Bài cuối: Định vị Hà Nội trên bản đồ sự kiện quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhận định Hà Nội có những giá trị văn hóa độc đáo để phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên nhiều nguồn lực vẫn ở dạng tiềm năng, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trao đổi với Tiền Phong về định hướng chuyển hóa tiềm năng thành giá trị hiện hữu. Bên cạnh danh hiệu “thành phố vì hòa bình”, “thành phố sáng tạo”, Hà Nội sẽ được định vị là thành phố sự kiện hàng đầu.

Hà Nội nhiều lần được lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế. Tuy nhiên, hai đêm nhạc của BlackPink mới thực sự là minh chứng cho năng lực tổ chức cũng như sức hấp dẫn của điểm đến. Ông đánh giá như thế nào về dấu ấn của sự kiện này đối với Thủ đô?

Hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình là minh chứng về năng lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện văn hóa, âm nhạc tầm cỡ quốc tế, cũng như dư địa phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Sân vận động Mỹ Đình gần như được lấp đầy trong hai đêm nhạc, hút gần 67 nghìn người. Hai đêm diễn này chứng tỏ nỗ lực của các cấp, ngành Hà Nội trong hiện thực hóa Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Sự kiện âm nhạc quy mô lớn đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan chức năng, lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự và người dân. Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm tạm thời và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đây chính là tiềm năng cho sự phát triển song song của lĩnh vực văn hóa (mà âm nhạc là ví dụ), kinh tế và du lịch.

Đêm nhạc của BlackPink cũng đem lại hiệu quả quảng bá hình ảnh Hà Nội đến bạn bè, du khách toàn thế giới. BlackPink là một trong những nhóm nhạc Kpop nổi tiếng trên toàn thế giới, Thủ đô Hà Nội tiếp tục được lan tỏa đến hàng triệu du khách toàn cầu.

Sự thành công của BlackPink hẳn là niềm cảm hứng cho nhiều sự kiện tầm quốc tế sắp tới. Hà Nội đặt mục tiêu như thế nào để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, thưa ông?

Mục tiêu chung của thành phố là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hoá của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Công nghiệp văn hoá phải trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Để trở thành điểm đến văn hoá - nghệ thuật hàng đầu, Hà Nội cần có dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Sở hữu nhiều nguồn tài nguyên văn hóa độc đáo, nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên vì đâu Hà Nội chưa thể bứt lên để trở thành điểm đến quốc tế về văn hoá, nghệ thuật?

Hà Nội giàu tiềm năng với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ. Đây là ưu thế rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những gì thuộc về đặc trưng, riêng biệt đem lại lợi thế rất lớn. Cơ cấu dân số của Hà Nội có gần 52 % là người trẻ. Kinh tế xã hội Hà Nội cũng phát triển ổn định, môi trường an ninh, an toàn. Hà Nội là thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, có cơ cấu dân số vàng và có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số.

Bài cuối: Định vị Hà Nội trên bản đồ sự kiện quốc tế ảnh 1

Hai đêm diễn của BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình là minh chứng về dư địa phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Hà Nội từ lâu đã là trung tâm giao lưu và hợp tác quốc tế, cũng là nơi tiếp nhận và chuyển hóa văn hóa từ bên ngoài - không phải chỉ là phương Đông mà cả phương Tây. Hà Nội đã chứng minh khả năng hấp thụ, thay đổi, đồng thời chuyển hóa những giá trị đó thành nét đặc sắc riêng.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD trở lên sẽ tạo ra tiền đề cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Khi người dân có thu nhập cao hơn chính là dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa.

Từ năm 2016, Thủ tướng ban hành chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của chúng ta về vấn đề này chưa đầy đủ. Chính vì thế mà hệ thống chính sách vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn nặng cơ chế xin cho, đôi chỗ bảo thủ khi tiếp cận những xu hướng phát triển của công nghiệp văn hóa từ bên ngoài.

Bài cuối: Định vị Hà Nội trên bản đồ sự kiện quốc tế ảnh 2

Hà Nội tập trung nhiều nhóm giải pháp để chuyển hóa tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa Ảnh: KỲ SƠN

Chính sách thiếu đột phá khiến công nghiệp văn hóa Thủ đô chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực văn hóa. Trong vài năm gần đây, môi trường thể chế dù có nhiều thay đổi, nhưng cho đến thời điểm này chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng được sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên, các thành tố văn hóa với khoa học công nghệ. Chính vì vậy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Hà Nội chưa độc đáo, chưa thể hiện thật sự sống động bản sắc văn hóa.

Thành phố giao ngành văn hóa xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, sao cho mỗi quý phải có sự kiện mang tính chất điểm nhấn, mỗi năm có sự kiện lớn mang tính quốc tế. Các sự kiện lớn của thành phố tổ chức sau 3 năm phải trở thành những sự kiện mang tính quốc tế, tổ chức thường niên thay vì chỉ phụ thuộc vào tài trợ.

Hà Nội tiên phong ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hoá. Sau hơn một năm Nghị quyết 09/NQ/TU ra đời, sự chuyển động rõ rệt. Để công nghiệp văn hóa Thủ đô tiến nhanh, tiến xa hơn, thành phố Hà Nội có những nhóm giải pháp nào, thưa ông?

Trước hết, các cấp, ngành, tổ chức cho tới cá nhân cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần giáo dục nâng cao nhận thức, tránh áp đặt lối suy nghĩ bảo thủ, khuyến khích những cách nhìn mới, tư duy mới. Thành phố sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định.

Hà Nội cũng ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị... phù hợp với lợi thế và điều kiện của Thủ đô.

Hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh trên cơ sở đánh giá chất lượng, xác định rõ nhu cầu đối với từng lĩnh vực cụ thể. Biện pháp tiếp theo là tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch với vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

Hà Nội tập trung vào thu hút và hỗ trợ đầu tư và quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, điểm đến hấp dẫn cần được hình thành thông qua đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa, mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa. Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian tới, nguồn lực của các cơ quan trung ương trên địa bàn Hà Nội sẽ được phối hợp hiệu quả hơn nữa để mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ, cần khai thác và phát huy được những giá trị văn hóa, nguồn lực con người của Hà Nội. Đây là nơi tập trung đông đảo giới trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cũng là trung tâm đầu mối để giao lưu, du nhập những công nghệ mới của thế giới.

Cần sự nhất quán về chủ trương, tổ chức thực hiện từ thành phố đến cơ sở nhằm khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Thực tế, địa phương nào cũng có thể thực hiện việc phát triển công nghiệp văn hóa với 12 nhóm ngành, tùy vào điều kiện cụ thể. Đặc biệt, những lĩnh vực như làng nghề truyền thống, ẩm thực, du lịch văn hóa là điểm mạnh của Hà Nội.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời từ 22/2/2022, đến thời điểm này, việc triển khai tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng đã xuất hiện nhiều cách làm, nhiều mô hình bước đầu có hiệu quả. Giới văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang phấn khởi và tích cực hưởng ứng, tham gia những nội dung của nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội.

Cảm ơn ông!

TS Đặng Vũ Cảnh Linh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên:

Giá trị văn hóa tạo nên sự khác biệt

Mặc dù có nhiều khó khăn, thậm chí không ít lần gây tranh cãi lớn trong dư luận về công tác quản lý, bán vé, tuy nhiên hai đêm nhạc của BlackPink diễn ra khá suôn sẻ, thu được những thành công nhất định. Sự kiện này để lại những bài học kinh nghiệm quý về việc đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tầm quốc tế của Hà Nội.

Bài cuối: Định vị Hà Nội trên bản đồ sự kiện quốc tế ảnh 3

TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

Đó là câu trả lời chính xác về việc Hà Nội có thể tham gia tổ chức các hoạt động tầm cỡ. Để có hướng đi đúng đắn, cần những giải pháp khoa học và đột phá, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện, xử lý chuyên nghiệp mọi vấn đề, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm các bên. Việc xã hội hóa các nguồn lực là cần thiết, nhưng không chỉ nói xong là làm được mà cần cơ chế quản lý nhà nước hướng đến đảm bảo quyền lợi và những quy định trách nhiệm cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động này một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thực tế, chúng ta còn khá lúng túng trong khâu khai thác, tổ chức, mặc dù làm tốt song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Để có thể định vị là thành phố biểu diễn, thành phố âm nhạc hay thành phố thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, Hà Nội cần xác lập cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt bám sát các tiêu chuẩn quốc tế trong tổ chức sự kiện, tăng cường học hỏi kinh nghiệm thành công, phối hợp với các tổ chức uy tín trong và ngoài nước để từng bước lồng ghép các giá trị văn hóa, con người Việt Nam vào mỗi sự kiện, giới thiệu cho bạn bè thế giới. Thế giới quan tâm đến Việt Nam không phải chỉ là nơi tổ chức sự kiện tốt mà vì chính những giá trị văn hóa đặc sắc. Cho nên ta cần hiện đại hóa những giá trị đó theo xu hướng có thể từng bước công nghiệp và thương mại được mà vẫn giữ được nguyên giá trị riêng có.

NGUYÊN KHÁNH (ghi)

MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
TPO - Công an tỉnh Bình Thuận điều động và bổ nhiệm thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự đến nhận công tác, giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam; điều động thượng tá Trần Văn Tươi, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám thị Trại Tạm giam.