Tại buổi lễ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tiếp nhận những tư liệu của cố giáo sư (GS) Phạm Thiều từ gia đình cố GS và nhà nghiên cứu (NNC) Cao Tự Thanh. Những tài liệu này bao gồm sơ yếu lý lịch, sổ ghi chép, sổ công tác thư từ trao đổi, ảnh tư liệu, ảnh chân dung… của cố GS Phạm Thiều.
Gia đình cố GS Phạm Thiều và NNC Cao Tự Thanh trao tài liệu của cố GS Phạm Thiều cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Ảnh: Kiến Nghĩa. |
Lễ trao tài liệu lần này ứng vào dịp 120 năm ngày sinh GS Phạm Thiều. GS Phạm Thiều sinh năm 1904 tại xã Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An), từng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1927.
Bà Phạm Bích Hà, cháu nội GS Phạm Thiều cho biết, từ năm 1938, thầy giáo Phạm Thiều được mời về trường trung học Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký) ở Sài Gòn, dạy các môn Hán văn, Pháp văn và văn chương Việt Nam. Những năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Phạm Thiều vừa dạy chữ vừa khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò.
Khi phong trào “Thanh niên Tiền phong” ra đời ngày 1/6/1945 tại trường Pétrus Ký với người đứng đầu là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phạm Thiều là một trong những người hưởng ứng đầu tiên. Ngoài công việc hàng ngày là dạy học, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chỉ đạo truyền bá quốc ngữ, tham gia chèo lái phong trào “Thanh niên Tiền phong”, làm cố vấn cho nhóm Hoàng Mai Lưu gồm các nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước - những người đã khai sinh ra dòng nhạc cách mạng.
Buổi họp mặt đón mừng GS Phạm Thiều (hàng đầu, thứ 4 từ trái sang), đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp Quốc hội khóa VI. Ảnh: T.L |
Khi Cách mạng tháng 8/1945 diễn ra, GS Phạm Thiều vào Sài Gòn tham gia cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Thông tin - Tuyên truyền Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn.
Năm 1954, GS Phạm Thiều tập kết ra Bắc, lần lượt giữ các chức vụ Trưởng phòng Thông tin - Báo chí (Bộ Ngoại giao), Vụ trưởng Vụ Sư phạm (Bộ Giáo dục), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Tiệp Khắc và Hungari, Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện nghiên cứu Hán Nôm) thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 1974, GS Phạm Thiều nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 1975, khi đất nước thống nhất, theo yêu cầu của Chính phủ, ông được điều động vào miền Nam làm Giám đốc Thư viện khoa học (Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1976, GS Phạm Thiều được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI…
Cuốn sách về GS Phạm Thiều do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản. |
Trong sự nghiệp của mình, GS Phạm Thiều có những đóng góp quan trọng cho ngành Hán Nôm. Tháng 8/1964, khi chiến tranh phá hoại diễn ra, trong điều kiện phải sơ tán, GS Phạm Thiều vẫn cùng các đồng nghiệp và học trò đi sưu tầm tài liệu Hán Nôm ở nhiều nơi.
Với đóng góp của ông, năm 1965, lớp đại học Hán văn của Viện Văn học được tổ chức, đánh dấu sự hình thành của ngành Hán Nôm. Năm 1975, khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, GS Phạm Thiều vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu Hán Nôm.
Một số tài liệu của cố GS Phạm Thiều gửi tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. |
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết: “Những tài liệu Trung tâm tiếp nhận hôm nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần bổ sung và làm đầy đủ hơn những thông tin về cuộc đời, hoạt động và đóng góp của GS Phạm Thiều trong các lĩnh vực giáo dục, ngoại giao, văn hóa xã hội của nước nhà. Khối tài liệu của cố GS Phạm Thiều sẽ được bảo quản an toàn tại Trung tâm để phát huy giá trị sử dụng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”.