Bài ca Hồ Chí Minh: Những chuyện thú vị

MacColl hát với mẹ - Betsy Miller (ảnh trên, phải). Quang Hưng - ca sĩ thể hiện thành công “Bài ca Hồ Chí Minh” bất hủ (ảnh trên, trái). Ảnh: Tư liệu của Phú Ân
MacColl hát với mẹ - Betsy Miller (ảnh trên, phải). Quang Hưng - ca sĩ thể hiện thành công “Bài ca Hồ Chí Minh” bất hủ (ảnh trên, trái). Ảnh: Tư liệu của Phú Ân
TP - Gần 50 năm Bài ca Hồ Chí Minh phiên bản tiếng Việt xuất hiện và đồng hành cùng đất nước cũng như nhiều thế hệ công chúng. Ít ai biết câu chuyện thú vị cùng vài rắc rối nhỏ xung quanh ca khúc này.

Món quà ý nghĩa từ một chuyến đi


Đó là năm 1967, khi ấy Quang Hưng là một trong những ca sĩ rất nổi tiếng của miền Bắc, trở về sau chuyến lưu diễn một số nước XHCN. Còn Phú Ân là nhạc công kèn trong dàn nhạc giao hưởng, và tay guitar. Cả hai công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 

Trở về từ chuyến lưu diễn, Quang Hưng mang quà về chợ Phú Ân- chính là The Ballad of Hồ Chí Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) của Ewan MacColl, những mong Phú Ân “bắt” được hồn ca khúc để viết lời Việt. 

Lúc bấy giờ, phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân thế giới đang lên cao, các cuộc xuống đường diễn ra khắp nơi. Đoàn văn công Việt Nam diễn đến đâu cũng gây được cảm tình lớn. Ở Cuba, Quang Hưng đứng trên bãi biển hát Giải phóng Sài Gòn, loa mở công suất hết cỡ với hy vọng âm vang ấy lan truyền theo con sóng sang tận nước Mỹ. 

Bài ca Hồ Chí Minh: Những chuyện thú vị ảnh 1

Từ phải qua: Phú Ân- tác giả phần lời và Quang Hưng- ca sĩ thể hiện thành công “Bài ca Hồ Chí Minh” bất hủ. Ảnh: Tư liệu Phú Ân

Những giai điệu lời ca Bài ca Hồ Chí Minh quen thuộc tới mức ai cũng hát được, nhưng mấy ai biết tới cái tên Phú Ân! Ông cho biết, đã quen với cảm giác bị “lờ đi” này và chỉ mong ca sĩ nào sử dụng phần lời Việt do ông viết thì hãy hát cho đúng!

Sau đêm diễn nọ, Chủ tịch Fidel Castro tiếp đoàn đã tặng Quang Hưng chiếc đàn guitar màu trắng của Tây Ban Nha. Nhạc sĩ MacColl có mặt, phát biểu rất thích nghe Quang Hưng hát và chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã lặn lội khắp năm châu tìm kiếm độc lập, giải phóng dân tộc. Ông tập hợp được những người lính nông dân thành một đội quân đánh thắng thực dân Pháp, bây giờ lại quyết tâm đuổi đế quốc Mỹ. Chính vì thế tôi đã sáng tác bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh. Bài hát này tôi đã hát khắp châu Âu. Trong các đoàn biểu tình tôi luôn đi đầu chơi guitar và hát để mọi người cùng hát theo”.

MacColl đề nghị Quang Hưng: “Tôi sẽ dạy anh bài này để anh về hát cho nhân dân, anh hãy dạy tôi bài Giải phóng Sài Gòn để tôi đi hát trên đường phố”.

Còn Quang Hưng chọn Phú Ân để gửi gắm bởi bấy lâu ở nhà hát, Phú Ân đã có tiếng trong việc viết lời Việt cho ca khúc quốc tế. Quang Hưng nói với Phú Ân: “Tiếng Anh cả tao và mày đều không biết, tao sẽ cố tìm người nhờ dịch nghĩa của bài hát”.

Mãi, Quang Hưng mới tìm được một thầy giáo ở Đại học Sư phạm để có được bản dịch nghĩa. Phú Ân xem, nhận thấy bài của MacColl có tới 9 lời, bao quát rất rộng từ tinh thần của Cụ Hồ đến cuộc kháng chiến trường chinh gian khổ hy sinh. Phú Ân phân vân: Nội dung ca từ quá rộng, nếu đưa tất cả vào lời Việt sẽ lan man, khó nhớ. Quang Hưng: Làm thế nào thì làm, chỉ tóm gọn lại thành một lời ca mà vẫn nói được về Bác và phải rất Việt Nam. 

Đến tác phẩm bất hủ và sự bất an của tác giả

Từ một hành khúc chuyển thành ca khúc, vẫn nhịp đi nhưng lại mang tính trữ tình phù hợp với giọng hát Quang Hưng, đồng thời khi Việt hóa phải được hát trên sân khấu thay vì ngoài đường. Phú Ân rút gọn 9 lời thành 4 lời, phỏng theo nội dung và lồng tình cảm của mình vào. 

Bài ca Hồ Chí Minh: Những chuyện thú vị ảnh 2

Phú Ân - tác giả phần lời "Bài ca Hồ Chí Minh". Ảnh: Tư liệu của Phú Ân

Đó là một câu chuyện được gắn kết chặt chẽ: Từ “Miền biển Đông xa tắp nơi chân trời, người dân ở đó lầm than đói nghèo. Từ đau thương người đi khắp năm châu lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu tới dân mình” đến “Vượt trùng sóng người đi khắp phương trời, luyện tôi ý chí lòng nuôi căm thù”. Hoặc “Từng giờ cháy lửa cách mạng lan tràn, từ rừng Việt Bắc vào đến Tháp Mười” rồi “Hồ Chí Minh mùa xuân chứa chan niềm tin người từ chân lý sinh ra vì thế giới hòa bình, người hiến dâng đời mình, vì thế giới hòa bình”. 

“Quang Hưng kể, MacColl giải thích rằng Bác được người dân yêu kính, nguyện đi theo. Tôi (Phú Ân) cộng vào những phần hồn Việt, ví dụ cách người dân gọi Bác là Cha Già, thế rồi gắn kết tất cả vào, để đúc rút: “Người từ chân lý sinh ra” “Lòng thành kính toàn dân gọi Cha Già”... Tôi đã gửi gắm được tâm sự của mình để nói về Bác một cách sâu xa” - Phú Ân chia sẻ. 

Lần đầu Bài ca Hồ Chí Minh vang lên trong nước là ở Nhà hát Lớn Hà Nội đúng sinh nhật Bác năm 1967. Giọng hát ngọt ngào sinh động của Quang Hưng cất lên trên nền nhạc đệm guitar đầy lãng tử kèm tiếng huýt sáo ngẫu hứng khiến Bài ca Hồ Chí Minh từ một bản nhạc mang tính hành khúc trở thành một bản tình ca trên nền nhịp đi đầy thú vị. 

Phần biểu diễn vừa dứt, toàn thể khán giả đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt! Một năm sau, Quang Hưng được gặp Bác đúng sinh nhật Người. “Theo Quang Hưng, Bác nói thích bài hát với phần lời này vì nó dung dị, không tôn vinh quá đáng” - Phú Ân nhớ lại. 

Tới nay gần nửa thế kỷ trôi qua, Bài ca Hồ Chí Minh với phần lời của Phú Ân đã trở nên quen thuộc, nhưng đôi khi nhạc sĩ vẫn chưa an tâm. Vì cho dù nhiều ca sĩ thay nhau thể hiện bài hát nhưng không hiếm khi sai lời. Như Hồ Quỳnh Hương hát ở quảng trường Ba Đình năm 2010, VTV1 truyền trực tiếp hay ca sĩ Quang Hào hát đều không đúng lời. “Họ chỉ hát 3 lời, vẫn là ca từ do tôi viết nhưng lộn lung tung hết cả lên” - Phú Ân bức xúc.

Cho đến nay, theo Phú Ân, chỉ có hai ca sĩ hát đúng lời là NSƯT Quang Hưng và NSƯT Thái Bảo. Có một ấn phẩm tập hợp các ca khúc viết về Bác của NXB Hội Nhà văn, đang ở khâu chuẩn bị in đã phải ngưng bởi ca từ không chính xác và không có tên tác giả phần lời mà chỉ có hai từ “sưu tầm” và “tên người sưu tầm thật vô hồn”. Khi Phú Ân vô tình biết chuyện này, NXB có cơ hội sửa sai.

Ewan MacColl tên thật là James Henry Miller (1915 - 1989), nhạc sĩ/ca sĩ nổi tiếng dòng nhạc Dân gian Hồi sinh Anh- từng đoạt giải Grammy. Khoảng 1940 - 1980, MacColl hoạt động với tư cách nhà thơ, diễn viên, nhà viết kịch, nhạc sĩ, ca sĩ và sản xuất âm nhạc. Xuất bản rất nhiều album riêng và chung. Đáng nói nhất là những dự án kết hợp với ca sĩ nhạc dân gian Mỹ kém ông 21 tuổi sau trở thành người vợ thứ ba.

Những năm 1950-1960, MacColl quan tâm tới phong trào cộng sản, sáng tác nhiều bài để hát trong các cuộc biểu tình. Trong đó, đầu những năm 50 ông viết “The Ballad of Stalin” và “The Ballad of Ho Chi Minh” cho Đảng cộng sản Anh. 

Hiện “The Ballad of Ho Chi Minh” tiếng Anh đầy đủ 9 lời được biết đến nhiều nhất là bản thu âm của ban nhạc Stormy Six. Phiên bản Việt Nam thì bản thu âm chính xác nhất đang phổ biến có phần tiếng Anh chỉ sử dụng 2 lời (lời 1 và 3) cùng với 4 lời Việt do Phú Ân viết, Quang Hưng thể hiện.

Phiên bản tiếng Nhật ra đời năm 1968 với 8 lời do Hidaka Yoshi viết. Bản thu âm đang phổ biến là do nghệ sĩ Tomoya Takaishi thể hiện tại Osaka Festival Hall ngày 6/9/1969. 

MỚI - NÓNG
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng hải vùng nước cảng biển Thừa Thiên-Huế
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng hải vùng nước cảng biển Thừa Thiên-Huế
TPO - Tình huống giả định tại khu neo đậu cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) xảy ra vụ đâm va giữa tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản làm tàu cá thủng hầm máy, nguy cơ cháy nổ và bị chìm buộc các lực lượng chức năng phối hợp khẩn trương cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên, chữa cháy tàu.