Bài 2: Hệ luỵ đằng sau việc sử dụng lãng phí năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
Sử dụng năng lượng lãng phí sẽ kéo theo khó phục hồi kinh tế đồng thời tạo áp lực đè nặng lên Nhà nước và doanh nghiệp… là những nghiên cứu được nhiều tổ chức, chuyên gia đưa ra thời gian gần đây khi nói về việc sử dụng năng lượng còn lãng phí của các doanh nghiệp hiện nay.

Khi doanh nghiệp, chính quyền cùng vào cuộc đua tiết kiệm năng lượng

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Hiệp hội Thép Việt Nam đã chỉ ra năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp, chưa kể phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép đều phải nhập khẩu.

Bài 2: Hệ luỵ đằng sau việc sử dụng lãng phí năng lượng ảnh 1

Kết quả tiết kiệm điện toàn quốc giai đoạn 2010-2021 của Việt Nam

Tuy nhiên, một góc khuất ít được nhắc đến của ngành thép trong việc vì sao nhiều thương hiệu thép của Việt Nam không cạnh tranh được với nước ngoài xuất phát từ chính là việc tồn tại nhiều nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ về môi trường nhưng sản phẩm không đa dạng. Số liệu cũng cho thấy, cả nước có 32 nhà máy thép thì chỉ có 4 nhà máy có công nghệ hiện đại, già nửa số đó công nghệ rất lạc hậu và có lẽ, tăng giá điện thì mới đóng cửa được các nhà máy này.

Dẫn câu chuyện thành công bước đầu trong việc tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm nhờ áp dụng tiết kiệm điện, ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) cho biết, tiền điện chiếm một phần không nhỏ trong sản xuất công nghiệp. Việc chi nhiều tỷ đồng/năm cho tiền điện sản xuất là việc hết sức bình thường với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư để tiết kiệm được nhiều tỷ đồng nhờ tiết kiệm điện không phải doanh nghiệp nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Hùng, để giảm chi phí sản xuất, các nhà máy phải áp dụng mọi biện pháp để tiết kiệm. Mỗi doanh nghiệp cần phải đưa ra kế hoạch sản xuất cụ thể, sử dụng máy móc hợp lý, áp dụng hiệu suất lao động nhằm nâng cao năng suất lao động, hạn chế sử dụng điện năng lãng phí. Như ở nhà máy xi măng Tân Thắng, định mức 1 tấn clinker tiêu tốn chỉ 57-58 Kwh/tấn. Việc tiêu thụ điện được giảm từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Việc công ty sẽ xây dựng nhà máy điện tận dụng khí thải của lò nung xi măng, sẽ giúp nhà máy giảm được 1/3 điện năng tiêu thụ, đồng nghĩa tiền điện tiết kiệm điện mỗi năm của nhà máy sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Bài 2: Hệ luỵ đằng sau việc sử dụng lãng phí năng lượng ảnh 2

So sánh tăng trưởng sử dụng điện và tăng trưởng GDP giai đoạn 2010-2021

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, với hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, có thể nói rằng dư địa là rất lớn. Tương tự, với số khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc, nếu các hộ tiết kiệm 1% điện tiêu thụ mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, với dư địa tiết kiệm điện lớn như vậy và để đạt được mục tiêu, đặc biệt là nâng cao hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng, Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia.

Bài 2: Hệ luỵ đằng sau việc sử dụng lãng phí năng lượng ảnh 3

Ngoài ra, có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bên cạnh việc vinh danh, khen tặng các đơn vị làm tốt khác.

Sử dụng năng lượng lãng phí tạo áp lực đè nặng lên Nhà nước và doanh nghiệp

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm điện cho thấy, dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn cho công tác triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm điện, cụ thể như: Giá điện thấp dẫn đến chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành sản xuất còn thấp nên nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều...

Theo đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), để đạt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia mỗi năm, trước hết cần giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5% trong giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 - 2025. Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp...

Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực. Riêng lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ .

“Để đạt mục tiêu trên nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan công sở, doanh nghiệp phải có chính sách, kế hoạch sử dụng tiết kiệm điện, người dân phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện.Đi kèm với đó là các cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tuyên truyền vận động , xây dựng và tổ chức xây dựng, thực hiện các quy định, quy tắc về sử dụng điện, mua sắm thiết bị, máy móc tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các giải pháp về kỹ thuật khác”, đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề xuất.

MỚI - NÓNG