Những chuyện chưa biết về các kỷ vật <BR>của tướng lĩnh Việt Nam :

Bài 2 : Chiếc đài và vị tướng trở về từ “cõi chết”

Bài 2 : Chiếc đài và vị tướng trở về từ “cõi chết”
Năm 1968, khi chiến trường miền Nam bước vào thời kỳ ác liệt nhất, Đại tá Trần Văn Trân được triệu về Bộ chỉ huy miền  ở Lộc Ninh để nhậm chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Nhân dịp  này, ông được tướng Hoàng Văn Thái tặng chiếc radio. Chiếc đài nhỏ đã theo ông đi khắp các chiến trường... Ngày được tin ông hy sinh, vợ ông đặt chiếc rađio lên bàn thờ mà hương khói. Chỉ sau này bà mới biết, chính trong thời gian đó, ông vẫn đang sống và hoạt động trong nhà tù của địch...

Sau khi nhận chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, Đại tá Trân được lệnh cơ động xuống đồng bằng chiếm lại vùng Bẩy Núi- An Giang. Để chuẩn bị cho trận đánh, một bộ phận từ biên giới Cămpuchia vượt sông đi trước. Còn ông cùng mấy anh em trinh sát và một trung đội đi nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị cho đánh lớn. Hôm đó, địch lùng sục rất dữ. Trên trời, máy bay rình ngó, dưới sông tàu bo bo kiểm tra gắt gao. Phía trước, dọc sông Vĩnh Tế cách 1 km có trạm gác của bọn bảo an, mật độ gác dày đặc. Chờ mãi, đến sẩm tối, nghe tiếng tàu bo bo thưa dần, Sư trưởng Trân quyết định vượt kênh Vĩnh Tế. Với chiếc quần xà lỏn, ông cùng một số anh em men ra phía bờ kênh. Không ngờ, một đại đội biệt kích Mỹ đã ém sẵn ở đó. Ông chỉ huy anh em đánh trả nhưng quân ta ít, lại phải đối mặt với lực lượng địch quá đông, nên hầu hết anh em hy sinh và bị thương. Ông cũng bị thương nặng. Sư trưởng Trân quờ tay sang bên cạnh, đồng chí y tá đi theo bị trúng đạn đã tắt thở. Ông với lấy túi thuốc của y tá quàng lên người. Bọn địch đến gần, rà soát thấy ông còn thở, chúng đưa ông về Cần Thơ. Chúng thu được trên người ông một khẩu CKC, một túi y tá có cao hổ cốt, cao khỉ với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Thương, Thượng sỹ đông y.
 Khi một số anh em đi cùng còn sống quay trở lại tìm không thấy thủ trưởng đâu, nghĩ rằng Trần Văn Trân đã hy sinh, liền báo về cho đơn vị.  Chính ủy sư đoàn Nguyễn Viên,  cử trinh sát  tiếp tục  đi tìm. Nhân dân vùng đó cho biết đã chôn cất một số anh em. Theo mô tả, có một người giống như ông Trân. Đơn vị đề nghị cho khai quật mộ kiểm tra, nhưng nhân dân cho biết nếu làm như vậy, bọn địch sẽ tàn sát, phá phách vùng này, gây khó dễ cho nhân dân. Đơn vị quyết định báo lên trên. Một thời gian sau, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng nhận được giấy mật báo từ cơ sở cách mạng ở Cần Thơ. Giấy viết mấy chữ nguệch ngoạc: “Hiện trong nhà tù Cần Thơ có một tù binh tên là Thương, có em là Viên, Uynh. Nghĩ mãi, cuối cùng ông Phạm Hùng cũng luận ra đó chính là Sư trưởng Trần Văn Trân, vì Viên là Chính uỷ Sư đoàn 1, Uynh là Sư đoàn phó Sư đoàn 1. “Không thể để bọn địch biết Trân là cán bộ cao cấp”, ông Hùng ra lệnh phải nghi binh bọn địch, cho đơn vị làm lễ truy điệu cho Sư trưởng Trân bình thường, đồng thời thông báo về gia đình biết và cấp chế độ liệt sỹ.

Và mưu trí

Bài 2 : Chiếc đài và vị tướng trở về từ “cõi chết” ảnh 1
Chiếc đài của tướng Hoàng Văn Thái tặng tướng Trân

Ba năm bị bắt làm tù binh, hơn 1.000 ngày trong nhà tù của địch. Chúng hết tra tấn lại dụ dỗ nhưng không thể khuất phục. Tại nhà tù Cần Thơ, ông được đồng đội tin cậy giao trọng trách Bí thư chi bộ nhà tù. Ông được anh em tù nhân che giấu nên địch không hay biết.

Sinh thời, ông Trân kể rằng, có lần tên Vui là nhân viên nhà tù, quê ở Bến Tre bắt ông chữa bệnh di tinh. Ông trả lời: lấy cái gì mà chữa, tôi làm gì có thuốc. Lần khác tên trung tá Mã Khắc Quy thẩm vấn ông: “Mày là Bí thư Đảng uỷ nhà tù Cần Thơ, phải không Thương?”. Ông trả lời: “Các thầy bắt tôi, giấy tờ trong người là thượng sỹ đông y còn gì”. Mã Khắc Quy thử: “Có mấy thằng Việt cộng nói với tao tiêm nước dừa, huyết gà là tốt hơn xe rom, mày nghĩ sao?”. Ông trả lời: “Tôi không thạo thuốc tây lắm nhưng đứng trước cái sống, cái chết và thiếu thốn, dùng nó là cần thiết, song có lẽ về khoa học không bằng thuốc tây, cao hổ cốt, cao khỉ. Hắn lại hỏi: “Mày nói xem, dụng cụ nấu cao gồm có gì?”. Ông đáp: “ Hai cái chảo gang, một nồi đồng, một cưa sắt và một cái môi vớt bọt”. Đó là những câu trả lời của anh em tù nhân bày cho ông. Nghĩ lại mà phát hoảng, nếu ông chỉ trả lời sai những câu hỏi “cài bẫy” của chúng, dễ gì chúng tha cho ông. Không chỉ bị giam ở Cần Thơ, sau một lần đấu tranh, toàn trại Cần Thơ tuyệt thực trước lúc bầu cử tổng thống Thiệu, 800 tù nhân bị chúng đày ra Phú Quốc, Sư trưởng Trân là thương binh nên bị đưa về nhà tù Hố Nai- Suối Máu. 

Năm 1973, sau khi ra tù, Đại tá Trân được bố trí ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, được Ban tổ chức Trung ương cấp giấy chứng nhận toàn bộ tuổi Đảng trong tù. Nằm viện Quân y 108, ông được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, động viên. Được 3 tháng, ông xin ra viện để gặp các tướng Song Hào, Lê Quang Đạo đề nghị cho ra đơn vị chiến đấu. Tướng Song Hào vỗ vai ông nói: “Vội gì, cậu cứ nghỉ ngơi, khôi phục sức khoẻ đã!”. Ông trả lời: “ Thưa các anh, sức khoẻ của tôi hồi này hơn hồi đi B năm 1964. Vả lại, tôi được nghỉ ròng 3 năm trong tù rồi”. Tháng 11 năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 341, ông nhận quyết định Sư đoàn trưởng. Trước khi về đơn vị, ông về thăm gia đình, lúc đi mang theo chiếc radio mà tướng Hoàng Văn Thái tặng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ông đã chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tham gia quân quản thành phố. Năm 1976, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh Quân đoàn 4. Năm 1979, ông giữ chức Phó viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt. Năm 1985, ông là Tham mưu phó mặt trận 719, chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Cũng năm này, ông được Nhà nước phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1995, ông nghỉ hưu và qua đời năm 1997.

Với sự mưu trí của vị Sư trưởng, bọn địch không phát hiện được ông là cán bộ cao cấp của quân đội. Cho đến ngày18 tháng 3 năm 1973, ông được địch trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Cởi bỏ quần áo tù, ông bơi một mạch sang bờ Bắc sông Thạch Hãn, không qua trạm liên hợp. Xe và cán bộ của Quân khu 4 đã chờ sẵn. Anh em đưa ông về Bộ tư lệnh B5. Lúc xe chạy vụt đi, bọn địch mới phát hiện được ông là cán bộ cao cấp, chúng biết đã trao trả nhầm nhưng đã muộn. Thế là sau 3 năm, 1 tháng 16 ngày, ông lại được mặc bộ quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Bộ tư lệnh B5, ông gặp lại những người anh em thân thiết như Lê Tự Đồng, Cao Văn Khánh, Nguyễn Hữu An,  được chiêu đãi một bữa tiệc thịnh soạn, nhưng nào ông có ăn nổi. Bát cơm chan đầy nước mắt bởi ông xúc động trước tình cảm sâu sắc của đồng đội, người thân.

Kỷ vật một thời

Bà Võ Bích Hà, vợ tướng Trân nhớ lại: “Mùa hè năm 1970, tôi nhận được giấy mời của Tổng cục Chính trị. Trong giấy mời chỉ ghi tóm tắt: “Đồng chí đại tá Trần Văn Trân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1, đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong lúc đang làm nhiệm vụ”, mời gia đình ra Hà Nội dự lễ truy điệu. Đọc xong tờ giấy, tôi bàng hoàng, sững người. Tim đau nhói, ông đi chiến trường biền biệt, lúc mất chẳng gặp vợ con. Tôi vừa thương ông ấy, vừa thương đàn con, vừa lo cho mình. Làm sao nuôi được các con khôn lớn, đứa bé nhất mới có 6 tuổi. “Nghĩ vậy, tôi nuốt nỗi đau, để tang thờ chồng. Ngày truy điệu ông ấy, bà Hồ Thị Bi ở Cục Chính sách- Tổng cục Chính trị trao chiếc radio lại cho gia đình. Tôi đặt chiếc radio, vật kỷ niệm còn lại của ông lên bàn thờ từ đó”, bà Hà tâm sự. Năm 1973, sau khi ra tù, chiếc radio lại theo ông suốt những ngày ra trận. “Suốt từ năm 1973, đến lúc mất  năm 1997, chiếc radio ông dùng mở nghe tin tức qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, tin tức quốc tế, trong nước, nắm tình hình phổ biến cho anh em đơn vị, bè bạn, người thân”, bà Hà nhớ lại.

Hôm chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm bà cũng là để xin chiếc đài của ông về làm vật lưu niệm tại bảo tàng, chiếc radio do Nhật sản xuất lại được bà đặt trên bàn thờ, gần với ảnh ông. “Chỉ khác là lần này ông ra đi mãi mãi!”. Kể đến đây, bà Hà lấy khăn lau nước mắt. Bà đưa cho chúng tôi xem lại cuốn sổ tang. Những bức ảnh, những lời của đồng đội, người thân khắp mọi miền đất nước, ở nước bạn đến chia buồn, khóc thương, ca ngợi ông - một vị tướng trưởng thành từ liên lạc viên, với những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”. Trên bàn thờ, bức ảnh ông,  vầng trán rộng, đôi mắt sáng, đầy vẻ hiên ngang. Đồng đội viếng ông hai câu: “Sống anh dũng, thác trường tồn”...

Lặng đi một hồi, bà quay ra bàn thờ thắp nén nhang, cúi xin ông, rồi lấy chiếc radio xuống. Bà ôm chặt nó vào lòng như muốn giữ lại hơi ấm từ kỷ vật thiêng liêng ấy. Bà rút chiếc khăn lau mấy giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo...Trao kỷ vật cho nhân viên bảo tàng, bà nói: “Nếu vì việc nghĩa, các cháu đưa về bảo tàng giáo dục các thế hệ sau, chắc ông cũng mãn nguyện”. Từ đó, chiếc radio mang ký hiệu 9350-K 1066, được trân trọng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong phần “Kỷ vật kháng chiến”.

MỚI - NÓNG