Bác sỹ, học viên Học viện Quân y: 'Giúp được gì các mẹ, các chị, chúng em cố gắng hết sức'

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Nguyễn Minh
Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Bác sĩ Sơn, Trạm y tế phường 8, quận 8, TPHCM vui mừng khi đón nhận 6 bác sĩ và học viên từ Học viện Quân y “chi viện” cho trạm y tế phường. Anh nói: “Nhiều ngày chống chọi với dịch bệnh, chúng tôi đã đuối sức, sự chi viện của quân y rất đúng lúc”.

Tấm lòng người chiến sĩ chi viện

Phường 8, quận 8, TPHCM nằm sát chân cầu chữ Y, nơi nhiều hộ lao động nghèo, các khu nhà trọ cho thuê và không ít người già, trẻ em. Chị Văn Thị Mỹ Liên, điều dưỡng, làm việc 19 năm tại trạm y tế phường. Chị nói: “Suốt thời gian chống dịch vừa qua, chúng tôi như trong cuộc chiến không cân sức. Dịch bệnh tăng, F0 nhiều, nhưng trạm trưởng lại được điều vào khu cách ly chống dịch, nhân viên chuyên trách về chống dịch của trạm cũng được điều chuyển vào làm việc ở khu cách ly. Trạm chỉ còn lại 4 người thì có 3 nữ và đều làm kiêm nhiệm chống COVID-19”. Chị chia sẻ: “Cứ mỗi tối 2 người trực đêm, luân phiên cả tháng rồi”.

Bác sỹ, học viên Học viện Quân y: 'Giúp được gì các mẹ, các chị, chúng em cố gắng hết sức' ảnh 1

Sinh viên Đại học Y Thái Bình Nguyễn Đình Minh đã làm việc 1 tháng tại phường 8

Phường 8 có 12.000 dân, tổng số F0 đã được phát hiện là 650 người. Những ca này đều tập trung vào khu dân cư đông đúc, chợ búa, mặt đường. Nguy cơ lây lan rất cao.

Chị Văn Thị Mỹ Liên nói: “Chúng tôi thực sự cám ơn sự chi viện từ miền Bắc. Đầu tiên là 4 sinh viên Trường đại học Y Thái Bình, sau đó là quân y. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua mọi vui buồn. Tuy không quen đường sá, nhưng các em làm việc cật lực, nhất là trong việc xét nghiệm, truy vết F0”.

Nguyễn Đình Minh, sinh viên năm 4, Đại học Y Thái Bình nói với phóng viên: “Đoàn em 100 người, được phân công về phường 8 bốn người. Chúng em về đây một tháng rồi. Bọn em đi lấy mẫu, thấy dân rất tuân thủ quy định cách ly. Lúc đầu chúng em bỡ ngỡ, giờ quen rồi, sống và làm việc ổn định rồi”.

Bác sĩ Sơn, là nam giới duy nhất của trạm kể: “Ban ngày chúng tôi hoạt động khá ổn, nhờ có các tình nguyện viên, các bạn sinh viên Đại học Y Thái Bình, nhưng về đêm, các bạn sinh viên y khoa rút về chỗ ở thì trạm vẫn thiếu nhân lực. Tôi là bác sĩ, nhưng đêm hôm một mình vừa ôm bình ô xy vừa mang túi thuốc đến tận các ngõ ngách để cấp cứu cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân đã ổn, tôi gọi các bệnh viện để chuyển bệnh nhân vào”.

Bác sĩ Sơn kể nghịch lý: “Lẽ ra chúng tôi phải gọi cho các trung tâm cấp cứu, nhưng họ lại gọi ngược cho chúng tôi, báo là tại địa chỉ nào đó của phường 8, đang có bệnh nhân cần cấp cứu! Dịch bệnh căng thẳng là vậy. Các bệnh viện quá tải!”.

Bác sỹ, học viên Học viện Quân y: 'Giúp được gì các mẹ, các chị, chúng em cố gắng hết sức' ảnh 2

Trạm y tế cơ động của quân y đang lấy mẫu xét nghiệm tại phường 8, quận 8, TPHCM ngày 24/8 Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Các bác sĩ quân y đã có mặt và người vui nhất là bác sĩ Sơn, khi anh đã có những đồng nghiệp để cùng chia sẻ công việc, trò chuyện về chuyên môn cũng như cùng nhau cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ Sơn nói: “2 trạm y tế quân y lưu động, mỗi trạm có 3 thành viên là các bác sĩ và học viên của Học viện Quân y kết hợp lực lượng y tế địa phương, các tình nguyện viên… đã giúp cải thiện tình hình khám chữa bệnh tại phường 8. Hai trạm y tế cơ động đã tới từng ngõ ngách để giúp sàng lọc bệnh nhân, hỗ trợ chữa trị ngay tại các gia đình. Nhờ đó, trạm y tế chính của phường đã được giảm tải”.

Khi phóng viên đến phường 8, quận 8 thì hai trạm y tế quân y lưu động đang triển khai xét nghiệm liên tục mỗi ngày ở các địa điểm khác nhau trong phường. Tại các điểm xét nghiệm, bác sĩ quân y kết hợp các sinh viên Trường Đại học y Thái Bình và tình nguyện viên xét nghiệm hàng ngàn mẫu/ ngày.

Bác sĩ Trần Tuấn Đạt, Học viện Quân y có lời nhắn gửi: “Việc F0 tại phường 8 vẫn còn nhiều chủ yếu là do người dân vẫn chưa ý thức được nguy cơ lây nhiễm. Nhiều gia đình tới bữa ăn còn dọn cơm ra ngoài hiên ăn cho vui, trong nhiều hẻm vẫn còn những cái bàn để uống trà.... Cô bác cần tuân thủ giãn cách 5K tốt hơn để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”.

Bác sĩ Trần Tuấn Đạt, đang theo học chuyên khoa 1 của Học viện Quân y. Anh nói: “Học viện chúng tôi chi viện vào TPHCM 300 người, riêng phân công về phường 8, quận 8 đợt đầu tiên là 3 người, nhưng thấy tình hình phức tạp nên tiếp tục điều về một tổ 3 người nữa”.

Cũng theo bác sĩ Trần Tuấn Đạt, anh hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi: “Ban ngày chúng tôi đi lấy mẫu xét nghiệm. Buổi tối thì tư vấn cho bệnh nhân tiêm về bị sốt, F0 chữa trị tại nhà và các bệnh nhân bị các bệnh khác nữa”.

Anh tâm sự rằng, dù biết TPHCM đang trong cao điểm của làn sóng COVID-19 lần thứ tư, nhưng khi có mặt trực tiếp tại đây, anh mới hiểu cuộc sống và tính mạng của người dân đang bị ảnh hưởng tới mức nào.

Bác sĩ Đạt nói: “Hôm qua, quân y chúng tôi xét nghiệm 600 dân thì phát hiện dương tính tới 27 trường hợp. Nếu không khẩn trương sàng lọc, tách ra các vùng đỏ thì nguy cơ dịch bệnh sẽ vẫn lây lan trong thời gian tới”.

“Giúp được gì chúng em cố hết sức”

Những người lính quân y cho biết: “Dân thương chúng em, nuôi chúng em, cơm trưa, cơm tối đều do dân nấu. Giúp được gì cho các mẹ, các chị, chúng em cố gắng hết sức mình”.

Bác Minh Hùng, nhà ở tổ 41, phường 8, nhận xét về bộ đội như sau: “Mấy em bác sỹ quân y rất nhiệt tình, nhã nhặn. Các em vào thăm hỏi từng người dân. Dân phường 8 đều quý các em”.

Hiện tại, 16 phường của quận 8, TPHCM đều đã có các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y làm chủ lực, phối hợp với sinh viên y khoa tăng cường từ Hà Nội và các tỉnh thành, cùng y tế phường, cán bộ thành Đoàn đến các ngõ ngách thăm khám chữa bệnh cho F0 và xét nghiệm sàng lọc xây dựng các vùng xanh.

Chị Văn Thị Mỹ Liên, điều dưỡng viên của Trạm Y tế phường 8 không giấu niềm vui, nụ cười đã trở lại với chị sau nhiều ngày vất vả: “Số ca tử vong vì COVID -19 tại phường, theo trạm nắm được là khoảng 12 ca. Nhưng sau 1 tháng giãn cách, các ca F0 đã giảm nhiều và chỉ tập trung trong một số hộ, chứ không lây lan ra cộng đồng…”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.