Chồng bác sĩ quân y vào Nam chống dịch: Anh sẽ thay em chăm sóc các con

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người thân và đồng đội có mặt để tiễn những y bác sĩ áo lính lên đường giúp đồng bào miền Nam chống dịch COVID-19 trong cảm xúc bịn rịn. Phút chia tay, người ra tiền tuyến và người ở hậu phương cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch.

Anh sẽ thay em chăm sóc các con

Tại sân vận động của Bệnh viện Quân y 105 thuộc Tổng cục Hậu cần ở Sơn Tây, Hà Nội - nơi diễn ra lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến (BVDC) truyền nhiễm số 5D hôm nay, không khí hối hả đi chiến đấu với “giặc COVID” hiện rõ trên khuôn mặt chỉ huy cho tới mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Chồng bác sĩ quân y vào Nam chống dịch: Anh sẽ thay em chăm sóc các con ảnh 1

Hai vợ chồng Đại úy Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tại lễ xuất quân của BVDC truyền nhiễm số 5D, sáng 1/8. Ảnh: Nguyễn Minh

Trước khi lên đường ra sân bay Nội Bài, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Ban Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quân y 105) được chồng và đồng nghiệp trong đơn vị trao gửi nhiều lời chúc tốt lành.

Chồng Đại úy Nguyệt là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vương Anh Thắng, đang công tác tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Quân y 105. Vừa lau những giọt nước mưa đọng trên vai áo quân phục cho vợ, anh Thắng dặn dò: “Em cứ yên tâm lên đường công tác, anh sẽ làm tốt trách nhiệm của người cha và thay em chăm sóc các con khi em vắng nhà. Gia đình mình sẽ luôn là hậu phương vững chắc để em vững tinh thần thực hiện tốt nhiệm vụ”.

Đại úy Nguyệt chia sẻ, trước đó chị đăng ký tham gia làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến ở Bắc Ninh nhưng chưa thành hiện thực. Cho rằng mình may mắn khi được chỉ huy bệnh viện lựa chọn vào BVDC truyền nhiễm số 5D, chị Nguyệt tâm sự: “Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, cháu lớn được 8 tuổi và cháu thứ hai 6 tuổi. Cảm xúc của tôi khi biết mình “trúng tuyển” rất khó diễn tả vì tôi mong được vào miền Nam thân yêu giúp đỡ đồng bào, đồng đội mình nhưng vẫn có sự lưu luyến, nhớ gia đình, nhớ đồng đội ở Hà Nội”.

Người thân và đồng đội tiễn y bác sĩ BVDC truyền nhiễm số 5D lên đường vào Nam chống dịch. Video: Nguyễn Minh

Biết mẹ lên đường đi chống dịch vào sáng nay, hai con trai chị Nguyệt thức dậy rất sớm, nhưng vì lo lắng cho các cháu trong tình hình dịch hiện nay nên ông bà phải dỗ dành các cháu ở nhà để bố đi tiễn mẹ.

“Các cháu vẫn còn nhỏ nên cũng chưa biết được là mẹ sẽ đi công tác lâu ngày. Do tình hình dịch và cường độ công việc của chồng tại bệnh viện nên tôi dặn dò các con tự giác học bài và lên lớp online của cô giáo. Ở nhà bọn trẻ sẽ được ông bà, chồng tôi cùng cơ quan, đơn vị quan tâm, lo lắng. Với tinh thần của người lính quân y, tôi sẽ cố gắng thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình”, Đại úy Nguyệt nói.

Miền Nam đang cần các anh

Tranh thủ kiểm tra lại quân trang trong ba lô trước khi rời Hà Nội, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp, Điều dưỡng viên Trần Văn Thanh (Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Bộ Quốc phòng) cho biết anh được phân công nhiệm vụ làm điều dưỡng khi vào Nam, phục vụ theo lệnh của bác sĩ và sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình.

“Tinh thần của anh em chúng tôi rất thoải mái, tự tin và rất mong muốn được lên đường làm nghĩa vụ với đồng bào mình. Về mặt hậu phương, tôi rất yên tâm vì mọi người trong nhà đều ủng hộ hết mình. Vợ tôi chỉ nói: Anh ơi, cố lên thôi vì miền Nam đang cần các anh!”, Đại úy Thanh chia sẻ.

Chồng bác sĩ quân y vào Nam chống dịch: Anh sẽ thay em chăm sóc các con ảnh 2

Đại úy Trần Văn Thanh

Cùng công tác với Đại úy Thanh ở Viện Y học cổ truyền Quân đội, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, Y sĩ Nguyễn Hà Phương cho biết các anh đã được đơn vị trang bị rất tốt và động viên tinh thần nên tất cả đều phấn khởi khi lên đường. Thiếu tá Phương gửi lời chúc mọi người ở nhà mạnh khỏe, yên tâm vì anh và đồng đội sẽ không ngại khó, ngại khổ và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Trước khi đi chúng tôi được cách ly ở viện hơn 10 ngày, bố mẹ và vợ con tôi cũng gọi điện thường xuyên động viên. Vợ chồng tôi có hai con nhỏ nhưng tôi quyết định gác chuyện gia đình để vào Nam chống dịch. Vợ tôi rất ủng hộ công việc của tôi và động viên chồng lên đường giúp người dân đất nước mình”, Thiếu tá Phương nói.

Chồng bác sĩ quân y vào Nam chống dịch: Anh sẽ thay em chăm sóc các con ảnh 3

Thiếu tá Nguyễn Hà Phương

Luôn có hậu phương vững chắc

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Cường cho biết, đây không phải lần đầu tiên anh xa nhà làm nhiệm vụ. Với chuyên ngành điều dưỡng ở Bệnh viện Quân y 105, trước đó anh từng có hai năm (2012-2013) ra Trường Sa làm y sĩ tại đảo Sinh Tồn Đông.

Trước tình hình dịch căng thẳng ở miền Nam, nhất là tại TPHCM và Bình Dương, anh và nhiều đồng đội đã xung phong lên đường. Vào Nam lần này, Thượng úy Cường đảm nhiệm vai trò y tá trưởng của BVDC truyền nhiễm.

“Dù chưa biết ngày về nhưng chúng tôi đều quyết tâm và chỉ mong làm sao vào trong đó góp sức dập được dịch, hoàn thành nhiệm vụ trên giao để sớm về với hậu phương. May mắn là gia đình hai bên nội ngoại đều ủng hộ và động viên. Đây chính là động lực, là cơ hội để tôi và đồng đội cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng”, Thượng úy Cường nói.

Vợ chồng Thượng úy Đỗ Văn Cường chia sẻ cảm xúc trước khi Thượng úy Cường lên đường thực hiện nhiệm vụ. Video: Nguyễn Minh

Cùng hai con bịn rịn bên chồng, vợ Thượng úy Cường là chị Nguyễn Thị Phượng (giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ, lấy chồng là bộ đội nên cũng xác định được tư tưởng. Lần trước tiễn chồng đi đảo, lần này lại tiễn chồng vào vùng dịch đang rất biến rất phức tạp, vì thế chị cũng không tránh khỏi lo lắng, bất an.

“Chồng tôi rất đơn giản, khi vợ chuẩn bị hành lý thì anh ấy bảo bộ đội chỉ cần như thế này thôi. Vào trong đó thường xuyên mặc đồ bảo hộ nên anh ấy không mang nhiều đồ, ngoài mấy bộ quần áo lót”, chị Phượng tâm sự.

Đôi mắt hoe đỏ khi tiễn chồng lên xe ra sân bay, chị Phượng nhắn nhủ Thượng úy Cường: “Em sẽ luôn là hậu phương vững chắc để anh với các anh chị trong đoàn đi công tác yên tâm về em cũng như yên tâm về gia đình nội ngoại và các con. Mong các anh chị luôn khỏe mạnh, chống dịch thành công và sớm trở về với gia đình mình”.

Chồng bác sĩ quân y vào Nam chống dịch: Anh sẽ thay em chăm sóc các con ảnh 4

Thượng úy Đỗ Văn Cường động viên vợ và dặn dò hai con trai (sinh năm 2008 và 2011) giúp mẹ việc nhà trong lúc anh vắng nhà. Ảnh: Nguyễn Minh

Đại tá - Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Chinh (Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 105, Giám đốc BVDC truyền nhiễm số 5D) cho biết, BVDC số 5D có quy mô 500 giường bệnh và có thể nâng lên 1.000 giường trong trường hợp cần thiết, với quân số 130 người (26 sỹ quan, 62 quân nhân chuyên nghiệp, 42 hạ sỹ quan, binh sỹ) của Bệnh viện Quân y 105, Viện Y học cổ truyền Quân đội và Quân khu 7. Bệnh viện được biên chế thành 10 khoa và dự kiến bắt đầu hoạt động từ ngày 3/8.

MỚI - NÓNG