Ngày làm việc thứ 4 , Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI

Bác sĩ kê đơn là đối tượng điều chỉnh của Luật Dược ?

Bác sĩ kê đơn là đối tượng điều chỉnh của Luật Dược ?
Một nội dung chủ yếu của dự án Luật Dược được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là quản lý Nhà nước về giá thuốc. Đa số các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng Nhà nước thống nhất quản lý giá thuốc.

Các đại biểu Nguyễn Thị Thanh Bình( Bình Định) , Trương Thị Vân( Nghệ An), Đỗ Nguyên Phương( Bình Phước) đề nghị cần ghi rõ cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Theo các đại biểu Nguyễn Thị Thanh Bình, Trương Thị Vân, Bộ Tài Chính là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý giá thuốc.

Đại biểu Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong chức năng quản lý nhà nước về giá, Bộ Tài chính có vai trò giúp Thủ tướng phối hợp với các bộ, ngành theo dõi và tổng hợp đề xuất các vấn đề chung nhất liên quan đến giá các loại sản phẩm hàng hoá, trong đó có giá thuốc.

Từng bộ chuyên ngành trực tiếp quản lý giá sản phẩm của ngành mình làm chức năng quản lý Nhà nước. Ngành dược do Bộ Y tế quản lý do vậy có chức năng quản lý nhà nước về giá thuốc. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành liên quan làm tốt công tác quản lý nhà nước về giá.

Nhiều đại biểu thống nhất chỉ cần quy định việc kê khai giá thuốc trước khi lưu hành và kê khai lại khi giá thay đổi, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam.

Người kê khai giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra sự gian dối trong việc kê khai giá . Đồng tình với quan điểm này.

Một số đại biểu đề nghị quy định đăng ký giá thuốc khi đăng ký thuốc. Cơ quan quản lý Nhà nước về dược phải có trách nhiệm thẩm định, duyệt giá trước khi cấp đăng ký thuốc.

Đại biểu Lê Thị Kim Liên ( Thái Bình), Nguyễn Sinh Hùng ( Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Bạch Mai ( Tây Ninh) cho rằng: một trong những nguyên nhân của việc yếu kém trong công tác quản lý dược thời gian qua là do thiếu một hệ thống thanh tra chuyên ngành về dược từ Trung ương đến địa phương và thiếu các chế tài rõ ràng. Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành dược, góp phần tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.

Khuyến khích thuốc nội

Về cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh, mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề khó, nhất thiết phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Đại biểu Đỗ Thị Bạch Mai ( Tây Ninh) đồng tình với các ý kiến cho rằng để đảm bảo người bệnh được hưởng giá thuốc hợp lý, đồng thời khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đề nghị quy định việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế Nhà nước, mua thuốc bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn bảo hiểm y tế phải thông qua đấu thầu và ưu tiên sử dụng thuốc trong nước, bảo đảm quyền lợi cho người dân. 

Dự thảo nên quy định một tỷ lệ nhất định của việc cung ứng thuốc nội để khi áp dụng luật sẽ cụ thể và chặt chẽ, tránh được những hiện tượng tiêu cực hoặc tuỳ tiện trong việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế nhà nước.

Bác sĩ kê đơn là đối tượng điều chỉnh của Luật

Các đại biểu Nguyễn Thị Lợi( Bắc Giang), Nguyễn Xuân Hướng( Hà Tĩnh), Nguyễn Đình Xuân( Tây Ninh) đề nghị đưa "Người kê đơn thuốc" là đối tượng điều chỉnh của Luật. Theo các đại biểu, dự thảo Luật thiếu phần quy định trách nhiệm của người kê đơn thuốc.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hướng cho rằng người sản xuất thuốc, người bán thuốc và người kê đơn thuốc là " kiềng ba chân" đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Lợi đề nghị bổ sung vào luật hành vi lợi dụng việc kê đơn thuốc để thu lợi bất chính vì trong thực tế hiện nay có một số thầy thuốc vừa kê đơn, vừa bán thuốc và thường kê nhiều thuốc đắt tiền để kiếm lời cao.

Nhiều trường hợp bác sỹ thông đồng với người bán thuốc kê nhiều thuốc đắt tiền trong khi người bệnh chưa cần thiết phải sử dụng các loại thuốc đó. Việc này đã ảnh hưởng xấu đên sức khoẻ người bệnh và gây nhiều tốn kém cho gia đình người bệnh..

MỚI - NÓNG