"Anh em nhà Wright cho cất cánh chiếc máy bay đầu tiên của họ khi tất cả các chuyên gia trên thế giới cho rằng đó là điều không thể. Vì vậy, tôi không tin từ 'không thể'. Tôi đã nghiên cứu dự án này 30 năm, và công nghệ giờ đã sẵn sàng", Sky News dẫn lời ông Sergio Canavero, nhà giải phẫu học thần kinh người Italy, nói. Ông Canavero lần đầu công bố ý tưởng này năm 2013.
RT hôm qua cho hay, chuyên gia người Italy tuyên bố ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu tiên trên thế giới trong hai năm tới. Ông cho rằng trong vòng một năm, người được ghép đầu có thể nói cùng một giọng và đi lại bình thường.
Theo Canavero, trước khi phẫu thuật, hai cơ thể sẽ được làm lạnh nhằm bảo quản tốt hơn trong môi trường không có oxy. Chuyên gia sẽ cắt mở phần cổ và kết nối mạch máu chính giữa cơ thể người hiến và đầu người nhận. Giai đoạn quan trọng nhất là cắt rời và nối lại tủy sống. Sau khi phần cổ được khâu lại, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê nhân tạo khoảng 4 tuần. Đây là khoảng thời gian để cơ thể họ thích nghi với bộ phận mới mà không cần di chuyển.
Canavero từng ước tính chi phí cho ca phẫu thuật tiên phong khoảng 12 triệu USD. Người nhận "hoàn hảo" là người trẻ, có bộ não khỏe mạnh, mắc bệnh loạn dưỡng cơ hoặc rối loạn chuyển hóa.
Trước tuyên bố này, nhiều ý kiến phản đối cho rằng phương pháp này không thể phục hồi khả năng kiểm soát của cơ thể. Bệnh nhân thường không vượt qua được chứng bại liệt sau khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn.
Richard Borgens, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bại liệt của Đại học Purdue, Mỹ, nhận định ca phẫu thuật của Canavero không có tính đảm bảo. "Không có bằng chứng nào cho thấy sự kết nối giữa dây cột sống và não bộ sẽ khiến chức năng vận động hoặc cảm giác hoạt động hiệu quả sau khi đầu được ghép nối", ông nói.
Cách đây hơn một thế kỷ, ca cấy ghép đầu đầu tiên được thực hiện trên cơ thể loài chó. Năm 1970, chuyên gia Robert J. White người Mỹ từng ghép đầu từ hai con khỉ, nhưng nó chỉ sống được 9 ngày.