Giải mã vì sao thú vật khóc, tự tử

Voi con Trang Trang ở Khu Bảo tồn Thú Hoang Thần Ðiêu Sơn, Trung Quốc, khóc ròng năm tiếng sau khi bị voi mẹ vô cớ giẫm đạp và bỏ rơi.
Voi con Trang Trang ở Khu Bảo tồn Thú Hoang Thần Ðiêu Sơn, Trung Quốc, khóc ròng năm tiếng sau khi bị voi mẹ vô cớ giẫm đạp và bỏ rơi.
TP - Thú vật thất vọng khi gặp chuyện rủi ro, đau khổ, khi mất mát đồng loại. Chúng khóc khi không được yêu thương, thậm chí, tự tử khi con vừa sinh ra không may qua đời. Y hệt người.

Năm 2013, tại Khu Bảo tồn Thú hoang Thần Ðiêu Sơn (Shediaoshan) thuộc Vinh Thành, Huyện Vĩ Hải, Tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc, voi con có tên Trang Trang gào thét liên tục suốt năm giờ. Không gì có thể an ủi nó khi voi mẹ lạnh lùng giẫm lên nó rồi cố sức đuổi nó ra khỏi đàn - theo các nhân viên khu bảo tồn động vật hoang dã nơi Trang Trang vừa chào đời đã trải nghiệm những giây phút bi kịch.

Những người chăm sóc voi con non nớt không có gì nghi ngờ khi nhận thấy con vật đã mất cảm giác an toàn. Nó đã thất vọng giống con người đau khổ khi gặp vận hạn lớn.

Mùa hè năm 2013, voi cái Toto 50 tuổi cư dân vườn thú Wroclaw (Ba Lan) cũng nếm trải bi kịch tương tự. Sau cái chết của Rami, voi cái khác đã chung sống với nó gần cả cuộc đời. Toto đã bị trầm cảm nặng. Nó nhịn ăn hoàn toàn, thờ ơ với mọi thứ. Toto đã rơi vào trạng thái bị đe dọa sức khỏe và thậm chí sự sống - TS Robert Maslak thuộc Khoa Sinh học Tiến hóa & Môi trường, Ðại học Wroclaw, Ba Lan, kể.

Mãi sau nhờ nỗ lực vất vả của con người, Toto mới thoát khỏi tai họa.

Hai câu chuyện trên cho thấy, như tất cả động vật có vú, voi có khả năng cảm nhận và có tình cảm tương tự những gì con người trải nghiệm.

Voi Trang Trang ở Khu Bảo tồn Thú Hoang Thần Ðiêu Sơn, Trung Quốc, khóc ròng năm tiếng sau khi bị voi mẹ vô cớ giẫm đạp và bỏ rơi.

TS Barbara J. King, chuyên gia nhân chủng học thuộc Ðại học William and Mary, đã thấu hiểu sâu sắc về đời sống tình cảm của thú vật. Mùa xuân năm nay tại Mỹ xuất bản cuốn sách “How animals grieve” (Thú vật trải nghiệm tang tóc thế nào) của bà. Việc bà không đặt tên “Liệu thú vật có trải nghiệm tang tóc” cho cuốn sách khiến không ít nhà khoa học ngạc nhiên.

TS King không nghi ngờ việc đủ loại động vật đều có thể bày tỏ cảm xúc. Từ cá nhà táng, khỉ đầu gáo, voi, vịt, đến những cá thể chăn thả tại các khu bảo tồn hay động vật nuôi trong nhà, tùy thuộc vào bối cảnh và cá tính, chúng đều có thể bày tỏ nỗi thất vọng khi mất mát cá thể cùng đàn hoặc đồng loại.

“Thú vật trải nghiệm sự ra đi của đồng loại có thể khác con người nhưng điều đó không có nghĩa chúng không có những tình cảm như chúng ta. Chắc chắn thú vật đau buồn theo cách của chúng và không khó để nhận ra điều này. Khi ấy chúng chán ăn, gầy nhanh, bắt đầu lăn ra ốm, trở nên chán nản. Một số thể hiện dấu hiệu buồn bã hoặc trầm cảm” - TS King nhấn mạnh.

Giải mã vì sao thú vật khóc, tự tử ảnh 1

Loài khỉ con Rhesus nổi tiếng về tiếng khóc và thường làm những con khỉ khác điên tiết.

Linh trưởng như người

Tranh cãi về chủ đề liệu thú vật có tình cảm hay không kéo dài đã trên 200 năm, kể từ ngày Charles Robert Darwin (1809 - 1882) xuất bản cuốn sách “Biểu hiện tình ở  người và thú vật” nổi tiếng.

Tác giả thuyết phục mối quan hệ tiến hóa giữa người và thú vật sâu sắc đến mức, nếu chúng ta đau buồn trước sự kiện đau buồn nào đó, thú vật cũng trải nghiệm tương tự . Darwin gắn cảm xúc của người cho loài linh trưởng.

“Biểu hiện buồn rầu của đàn khỉ và tinh tinh trước tình huống lũ con mới sinh không may bị bệnh rõ ràng và gây động lòng không khác nhiều bối cảnh tương tự ở người” - Darwin cũng mô tả những con voi Ấn Ðộ đã được thuần hóa và gắn bó với người “bộc lộ đau buồn bằng những giọt nước mắt”.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, các nhà khoa học đã từ bỏ quan điểm của Darwin. Ðầu Thế kỷ XX họ cho rằng nhân cách hóa cảm xúc của động vật là sự lạm dụng.

Những người phản đối Darwin dẫn chứng nghiên cứu của Ivan Pavlov (1849-1936), nhà khoa học tác giả học thuyết phản xạ có điều kiện, và đã giải thích hành vi ứng xử của thú vật theo cơ chế bắt chước. Dựa vào lý thuyết này, họ khẳng định phản ứng của thú vật là hành vi máy móc - xảy ra không có vai trò của ý thức và hoàn toàn vô cảm. Tất cả xuất hiện theo cùng nguyên tắc như âm thanh cất lên sau khi cái chuông bị tác động.

Ngày nay quan điểm cực đoan này mất dần ý nghĩa.

Các nhà động vật học quan sát hành vi động vật cung cấp ngày càng nhiều câu chuyện kỳ lạ về đời sống tình cảm của chúng.

Nữ giáo sư Jane Goodall nhà khoa học từ năm 1966 tiến hành nghiên cứu về tinh tinh hoang dã ở Tanzania là một trong những người tiên phong. Bà đã mô tả trường hợp cá thể tinh tinh nhí nhanh chóng suy sụp và tắt thở vì thất vọng vài tuần sau cú đột tử của tinh tinh mẹ.

Khác loài cũng gắn bó

Sợi dây tình cảm hết sức sâu sắc cũng có thể gắn kết những con vật hoàn toàn không cùng dòng máu.

Nhà phong tục học Marc Bekoff, giáo sư đã nghỉ hưu thuộc Ðại học Colorado, từng mô tả trong Tạp chí Animal Emotion (Tình cảm Ðộng vật) tình bạn đã gắn kết chó Bella với hải ly Beavis. Suốt nhiều năm chúng luôn bên nhau như hình với bóng. Chúng cùng ăn, cùng đùa nghịch, và thậm chí cùng chia nhau chỗ ngủ.

Năm 2012 Beavis không may đột tử. Chó Bella đã bị sốc thực sự. Nó không thể chấp nhận thực tế mất bạn.

Trên YouTube có thể chứng kiến đoạn phim cảm động cho thấy chó Bella nằm bên cạnh hải ly đã chết thế nào. Nó dùng mũi chà nhẹ, thè lưỡi liếm, mơn trớn và ôm ấp bạn. Rõ ràng Bella hy vọng, bạn chỉ ngủ và giây lát sẽ cử động.

Nó rời xa thi thể của bạn hải ly chỉ trong giây lát để chủ nhân có thể vỗ về. Có thể Bella tìm kiếm sự trợ giúp và an ủi của người? Tuy nhiên nó không hề quan tâm đến những quả bóng đang nhảy múa ngay bên cạnh. Bây giờ nó không thể vui vẻ.

Giải mã vì sao thú vật khóc, tự tử ảnh 2

72% số người nuôi chó được hỏi trả lời rằng, chó của họ có biểu hiện lo âu buồn bã khi bị tách khỏi chủ.

Tự tử vì stress

GS Marc Bekoff cho rằng thú vật thất vọng có thể sẵn sàng tự tử. Ông đã mô tả trường hợp con la không may sinh con bị khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng.

La sơ sinh bất tỉnh ngay giây phút lọt lòng. Mọi cố gắng của la mẹ đều vô hiệu. Nó tha thẩn tiến đến hồ nước gần đó và lao đầu nhảy xuống.

GS Bekoff cũng thuật lại câu chuyện về đàn voi tự nhảy xuống vực sâu để kết thúc ký ức đau buồn và những con mèo cắn lưỡi tự vẫn vì hoảng loạn trước cơn động đất.

Theo nhà khoa học Mỹ, những con vật trên đã quyết định một cách có ý thức. Những người khác lại cho rằng tất cả chỉ là trường hợp ngẫu nhiên. Thiếu những phân tích cụ thể rất khó phán xử ai có lý ai không.

Vì thế các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm cho thấy động vật có thể bị stress nghiêm trọng thế nào để khả dĩ loại bỏ mọi hoài nghi.

Họ quan sát những con chó bị chủ nhà vứt bỏ vào những năm 2009 - 2010 và đồng loại bị mất chủ nhân sau trận động đất năm 2011 ở Fukushima. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chó mất chủ sau động đất khổ sở vì hội chứng stress hậu chấn thương tâm lý. Ðể có chứng cứ thuyết phục chứng minh điều đó, họ đã kiểm tra nồng độ hormone stress những cá thể bốn chân thuộc hai nhóm.

Kết quả cho thấy những con chó đã trải qua thảm họa động đất có nồng độ hợp chất hormone stress cao gấp từ 5 - 10 lần so với đồng loại chó hoang bị chủ nhà vứt ra đường thời gian dài trước động đất.

Thậm chí chương trình phục hồi kéo dài mười tuần cũng không thể san bằng tình trạng chênh lệch hormone stress. Những con chó ở Fukushima vẫn hoàn toàn trơ lì với nỗ lực trợ giúp và chăm sóc của người. Nghiên cứu  chứng tỏ, giống con người, chó cũng phản ứng với stress.

Nhạy hơn người

Ðến nay các nhà khoa học mới tiến hành một vài thí nghiệm về khả năng thú vật cảm nhận không ít tình cảm phức tạp.

Một trong số thí nghiệm đã được chuyên gia tâm lý học kiêm động vật học người Ðức, TS Vitus B. Droscher, mô tả trong cuốn sách “Những gương mặt người của thú vật”.

Nhóm nghiên cứu đã kết nối thiết bị xét nghiệm điện não đồ vào hộp sọ chó cái có tên Sitta. Thoạt đầu chó bình thản ngủ mơ màng trên tấm thảm, tim đập bình thường với mạch đập 66 lần/phút.

Chỉ số này lập tức thay đổi khi người chăm sóc lên tiếng “mèo đến!”. Nhịp tim Sitta đột ngột tăng vọt. Tim bắt đầu đập hai lần nhanh hơn với tần suất 102 lần/phút.

Có chi tiết đáng ngạc nhiên là, mặc dù vậy, con chó vẫn nằm gần như bất động. Thậm chí đôi tai nó không hề động đậy, cặp mắt vẫn mơ màng.

“Dưới mặt nạ lạnh lùng thờ ơ bên ngoài, trong đầu chó đã bùng nổ trạng thái lo lắng thực sự” - TS Vitus B. Droscher bình luận.

Trong khi đó, “Khi bắt mạch người nhắc đến tên đối thủ đáng ghét nhất, nhịp đập của tim cũng chỉ tăng tối đa 2-3 nhịp/phút” - nhà khoa học Ðức nói tiếp. Phải chăng thú vật phản ứng với những tình cảm khác nhau nhạy bén hơn nhiều so với người?

“Nếu nói về cường độ phản ứng với những tình cảm được trải nghiệm, thú vật mạnh hơn hẳn người” - TS Droscher đánh giá.

Sự tức giận của chúng dễ bùng nổ hơn, sợ hãi khủng khiếp hơn, vui sướng hết mức, tang tóc - đau khổ cực đoan. Lòng chung thủy và thiện cảm dành cho bạn mạnh mẽ phi thường. Tuy nhiên, tình cảm của chúng kém bền vững hơn so với người. Có thể nhờ thế thú vật dễ sống hơn chăng?

Theo Theo Nauka
MỚI - NÓNG