Tuần trước, các sinh viên và công dân châu Phi ở TP Quảng Châu bị ép phải xét nghiệm COVID-19 và tự cách ly 14 ngày, bất kể họ có đi nước nào gần đây hay không. Các sự việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
Nhiều người châu Phi ở Quảng Châu rơi vào cảnh vô gia cư, phải ngủ và lang thang trên đường phố sau khi bị chủ nhà đuổi ra đường và khách sạn từ chối nhận.
Tại châu Phi, các chính phủ, cơ quan báo chí và người dân đang tỏ thái độ giận dữ trước tình trạng gia tăng tư tưởng kỳ thị người nước ngoài ở Trung Quốc. Nhiều đoạn phim ghi lại cảnh tượng người châu Phi bị cảnh sát Trung Quốc trấn áp trên phố, người châu Phi phải ngủ trên vỉa hè hoặc bị nhốt trong nhà đã được đưa lên mạng xã hội.
Hôm 11/4, trang bìa của tờ báo lớn nhất Kenya đăng dòng tit: “Người Kenya ở Trung Quốc: Hãy cứu chúng tôi từ địa ngục”. Một nghị sĩ nước này kêu gọi các công dân Trung Quốc rời khỏi Kenya ngay lập tức. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng đăng nhiều bài về tình trạng công dân của họ bị đối xử không đúng ở Trung Quốc.
Những sự việc này có thể làm hỏng các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở châu Phi. Trong vài năm gần đây, các quốc gia châu Phi trở thành đối tác thương mại và ngoại giao chính của Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi đạt 208 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu chính thức của hải quan Trung Quốc.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 12/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phủ nhận chuyện nước này đang kỳ thị người nước ngoài.
“Chúng tôi vẫn đang đối diện với nhiều nguy cơ lớn về số ca nhiễm nhập về từ nước ngoài và sự tái bùng phát trong nước. Khi đại dịch lây lan khắp thế giới, các ca từ bên ngoài về đang gây sức ép ngày càng tăng”, ông Triệu nói.
“Tất cả người nước ngoài đều được đối xử như nhau. Chúng tôi phản đối sự đối xử phân biệt và không tha thứ cho sự kỳ thị”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Nhiều nước triệu đại sứ
Các nước châu Phi thường bị được đánh giá là đối tác có vị thế yếu hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo châu phi hãy cẩn thận với cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, trong đó các nước bị buộc phải trao những tài sản quan trọng hoặc hy sinh chủ quyền để bù đắp cho khoản nợ họ không thể trả nổi.
Nhưng trong những ngày gần đây, các chính phủ châu Phi rất nhanh chóng yêu cầu Bắc Kinh trả lời về cách đối xử với công dân của họ.
Ngày 11/4, nghị sĩ Nigeria Oloye Akin Alabi đăng một video lên Twitter ghi lại cảnh Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, Zhou Pingjian, bị một chính trị gia Nigeria chất vấn về tình trạng đối xử không đúng mực với người châu Phi ở Quảng Châu.
Trong cuộc trao đổi này, Đại sứ Zhou được cho xem nhiều đoạn phim về cảnh người châu Phi bị đối xử bất công ở Trung Quốc. Nghị sĩ Oloye đăng video cùng thông điệp kêu gọi chính phủ nước này “không được tha thứ cho tình trạng đối xử bất công với người Nigeria ở Trung Quốc”.
Các chính phủ Uganda và Ghana cũng được báo cáo là đã triệu tập các đại sứ Trung Quốc đến để nói về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Nam Phi, nước đang làm chủ tịch Liên minh châu Phi, nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo.
Cũng trong ngày 11/4, Moussa Faki Mahamat, chủ tịch Uỷ ban liên minh châu Phi, viết trên Twitter rằng ông đã mời Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh đến để nói về những cáo buộc phân biệt đối xử.
Ngày 12/4, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết nói rằng “những bài viết gây sốt trên báo chí phương Tây cáo buộc người châu Phi bị phân biệt đối xử ở thành phố (Quảng Châu) đã bị một số báo chí phương Tây lợi dụng để kích động các vấn đề giữa Trung Quốc và các nước châu Phi”.
Cho đến nay, hầu hết người châu Phi ở Quảng Châu bị đuổi ra đường đã tìm được chỗ trú ẩn. Nhiều nhóm tình nguyện viên đã tập hợp trên mạng xã hội để kết nối người châu Phi, chủ yếu là sinh viên và doanh nhân, với các chủ nhà trọ và khách sạn vẫn chấp nhận người nước ngoài. Nhiều người khác đã được chính quyền gom lại để đưa vào khách sạn được chỉ định làm nơi cách ly, CNN dẫn lời các tình nguyện viên ở Quảng Châu cho biết.
Hannah Ryder, một người Kenya gốc Anh từng làm việc cho cơ quan của Liên Hợp quốc ở Trung Quốc và nay đang là CEO của một công ty ở Bắc Kinh, cho rằng những vụ việc như thế này sẽ tác động rất lớn đến cách nhìn của châu Phi với Trung Quốc.
“Nếu không xử lý đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả lớn hơn việc người dân phải ngủ trên đường phố. Những vấn đề đó có thể gây tác động tiêu cực đến các quan hệ quốc tế, thương mại và ngoại giao”, bà Ryder nhận định.
“Vì Trung Quốc là nước đầu tiên đối đầu và phục hồi từ COVID-19, thế giới có thể học nhiều từ kinh nghiệm của họ”, bà nói.