Bắc Giang yêu cầu lập sổ quản lý lao động, Bắc Ninh thành lập 40 tổ kiểm tra

0:00 / 0:00
0:00
Bắc Giang yêu cầu lập sổ quản lý lao động, Bắc Ninh thành lập 40 tổ kiểm tra
TPO - Sở Lao động thương binh và Xã hội Bắc Giang đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp lập sổ quản lý lao động tại nơi làm việc và nơi lưu trú.

Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch COVID-19, Sở Lao động thương binh và Xã hội Bắc Giang ngày 27/5, đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp lập sổ quản lý lao động tại nơi làm việc và nơi lưu trú.

Cụ thể, Sở Lao động thương binh và xã hội yêu cầu doanh nghiệp lập sổ quản lý lao động bằng bản giấy (hoặc bản điện tử) với các thông tin: Nơi tạm trú, số điện thoại liên hệ của bản thân và của người thân, ngày xét nghiệm có kết quả âm tính, nơi làm việc (ghi rõ bộ phận, phân xưởng), phương tiện di chuyển đến nơi làm việc (phương tiện cá nhân hoặc xe đưa đón hàng ngày... Nếu đi bằng xe đưa đón hàng ngày ghi rõ biển số xe).

Bắc Giang yêu cầu lập sổ quản lý lao động, Bắc Ninh thành lập 40 tổ kiểm tra ảnh 1

Bắc Giang yêu cầu doanh nghiệp lập sổ quản lý lao động đảm bảo an toàn sản xuất trong dịch COVID-19

Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm thể hiện, cập nhật đầy đủ các thông tin cơ bản của người lao động vào sổ quản lý người lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.

Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu, trước ngày 4/6, các doanh nghiệp báo cáo các thông tin cơ bản về người lao động hiện đang làm việc tại doanh nghiệp tới Ban Quản lý các KCN và Phòng Lao động thương binh và xã hội các huyện, thành phố.

Thứ 4 hàng tuần, doanh nghiệp báo cáo tình tình hình tăng, giảm lao động và thông tin cơ bản của người lao động tăng, giảm trong tuần. Những thông tin này sẽ được gửi đến Sở để theo dõi, quản lý. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác về người lao động của doanh nghiệp.

Người lao động cũng được thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi cư trú.

Đây là một trong những hoạt động của tỉnh Bắc Giang nhằm khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã quyết định cho 8 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung) thí điểm hoạt động trở lại.

Theo đó, để được quay lại làm việc, người lao động phải có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với SARS-COV-2 liên tiếp (trong đó lần gần nhất trước khi được xác nhận cho đi làm việc tại doanh nghiệp 1 ngày).

Các sở ban ngành đang thực hiện các biện pháp cụ thể. Ngoài Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Giao thông vận tải Bắc Giang cũng đã ban hành hướng dẫn về việc vận chuyển công nhân khi các khu công nghiệp hoạt động trở lại trong điều kiện vẫn còn dịch.

Bắc Ninh lập 40 tổ kiểm tra, sẽ đóng cửa các công ty không đảm bảo phòng chống dịch

Ngày 28/5, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 1567/UBND-XDCB về việc kiện toàn các Tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các KCN và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh thành lập 40 tổ công tác để kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch tại tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Bắc Giang yêu cầu lập sổ quản lý lao động, Bắc Ninh thành lập 40 tổ kiểm tra ảnh 2
Đoàn công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID - 19 ở thành phố Bắc Ninh

Thành phần mỗi tổ công tác được bố trí 3 - 4 người (tùy theo tính chất kiểm tra) là lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó, mỗi Sở, ngành, đơn vị và địa phương cử tối thiểu 4 người tham gia tổ công tác (mỗi cơ quan cử tối thiểu 2 người là lãnh đạo cơ quan và 2 người là trưởng, phó các phòng, đơn vị trực thuộc).

Ngoài ra, toàn bộ lãnh đạo Ban quản lý, lãnh đạo công đoàn các KCN; các trưởng, phó các phòng và đơn vị trực thuộc, một số chuyên viên cũng được cử tham gia tổ công tác.

Các tổ công tác sẽ căn cứ bản tự đánh giá của các doanh nghiệp để kiểm tra thực tế triển khai tại các cơ sở sản xuất. Đối với những doanh nghiệp không đáp ứng theo các tiêu chí đánh giá thì tổ kiểm tra tham mưu, đề xuất tạm dừng/đóng cửa cơ sở sản xuất cho đến khi đáp ứng yêu cầu đặt ra về phòng chống dịch Covid-19.

Các tổ kiểm tra được phân công kiểm tra, hướng dẫn cụ thể từng doanh nghiệp trong các KCN, sau đó đến doanh nghiệp ngoài KCN. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ 31/5, phấn đấu xong trước 5/6.

Sau đó, các tổ tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất trong các KCN và các cơ sở sản xuất khác có số lượng công nhân trên 30 người, phấn đấu xong trước ngày 10/6.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".