Ba tuần trong “vùng khủng bố”: Chuyện trên cao nguyên Golan

Ba tuần trong “vùng khủng bố”: Chuyện trên cao nguyên Golan
Đoàn nhà báo nước ngoài chúng tôi được Bộ Ngoại giao Israel tổ chức cho đến thăm phần đất thuộc Cao nguyên Golan mà nước này chiếm được của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông 6 ngày năm 1967.

Xe hơi chở chúng tôi đến một địa điểm thuộc khu vực Nam Cao nguyên Golan, cách đường biên giới tạm thời hiện nay giữa Israel và Syria 1,5 km và cách Thủ đô Đa-mát của Syria 60 km.

Đường biên giới tạm thời ở đoạn này là con sông Rokad tuy không lớn nhưng xe tăng không thể vượt qua nếu không có cầu.

Theo một quan chức Israel, diện tích toàn phần của Cao nguyên Golan rất lớn nhưng phần đất Israel chiếm được năm 1967 rộng khoảng 1.200 km2.

Vùng đất bằng phẳng ở vị trí cao hơn so với mặt nước biển gần 1.000 m tuy màu mỡ nhưng phía dưới toàn là đá nên chỉ có cỏ dại mọc được.

Kể từ khi Israel chiếm đóng một phần Cao nguyên Golan, quan hệ giữa Israel và Syria trở nên rất căng thẳng.

Phía Syria luôn đòi Nhà nước Do Thái phải trả lại phần Cao nguyên Golan nói trên, coi đó là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó, phía Israel một mặt thừa nhận phần Cao nguyên này trước cuộc chiến tranh 6 ngày 1967 thuộc sự kiểm soát của Syria. Mặt khác Israel cố chứng minh sự hiện diện của người Do Thái trên Cao nguyên từ thời xa xưa.

Khách du lịch đến Cao nguyên Golan đều được hướng dẫn tới thăm một bảo tàng khảo cổ để được “học” một bài về văn hóa Gamla thời Vua Alexander Yannai người Do Thái ở Cao nguyên Golan.

Thái độ của Israel cho thấy Nhà nước Do Thái không hề có ý định trả lại phần đất này cho Syria.

Vùng Cao nguyên này vừa có tầm chiến lược về quân sự kiểm soát toàn bộ thung lũng Huala của Israel có con sông Jordan nổi tiếng.

Sông này tuy chỉ rộng vài chục mét, sâu khoảng 3 m nhưng lại là nguồn cung cấp nước quan trọng mang tính sống còn của Israel. Sông Jordan nước trong xanh chảy lờ đờ dẫn nước vào hồ Galilee có chu vi 57 km.

Giáo sư Yehoshua người đi cùng để hướng dẫn chúng tôi cho biết, hồ Galilee cung cấp khoảng 30% nhu cầu về nước ngọt của Israel.

Từ đây, Chính phủ Israel xây dựng hệ thống đường ống với đường kính hơn 3 m dài hàng trăm km dẫn nước sinh hoạt tới các thành phố Jerusalem, Tel Aviv và nước tưới cho vùng sa mạc rộng lớn phía Nam.

Với mục đích rõ ràng là để giữ đất lâu dài, Chính phủ Israel chủ trương đưa người Do Thái lên sống trên phần đất chiếm được ở Cao nguyên Golan.

Hiện nay có 1.800 người Do Thái đang sinh sống ở đây. Những người Do Thái di cư từ Nga, Ukraine, Đan Mạch v.v. được Chính phủ cung cấp nhà ở xây dựng tại những khu định cư mới trên Cao nguyên Golan.

Ngoài ra, Chính phủ Israel còn khuyến khích các thanh niên tình nguyện lên lập nghiệp ở vùng đất Cao nguyên này.

Theo anh Ran, 30 tuổi, một thanh niên Do Thái tình nguyện ở vùng Midreshet cho biết, đa số những người tình nguyện lên lập nghiệp nơi đây là những người lính vừa giải ngũ.

Chính phủ Israel tài trợ hoàn toàn việc xây dựng hạ tầng cơ sở ở Cao nguyên Golan gồm nhà ở, đường giao thông, điện, nước, bệnh viện, trường học,v.v.

Chúng tôi đến thăm nhà riêng của bà Astrid – một người Do Thái từ Đan Mạch về định cư trên Cao nguyên Golan. Tiếp chúng tôi ngay trên bãi cỏ dưới bóng cây ôliu trước nhà, bà Astrid cho biết. Một tòa nhà tái định cư trên thực tế là một biệt thự rộng 120 m2, trị giá 120.000 USD.

Hiện nay trên phần đất Cao nguyên Golan nói trên có 33 làng Do Thái. Dân cư ở đây chủ yếu làm trồng trọt, chăn nuôi, và kinh tế du lịch. Vùng đất này cung cấp 15% sản lượng sữa bò của Israel. Ngoài ra, các sản phẩm nho, táo, lê, chuối,v.v. trồng trên Cao nguyên Golan đều có giá trị xuất khẩu lớn.

Theo một tờ rơi quảng cáo du lịch, mỗi năm vùng đất này đón 2,1 triệu lượt khách du lịch. Do khoảng cách từ Jerusalem và Tel Aviv tới Cao nguyên Golan không xa, người thành phố Israel và khách nước ngoài thường đến đây cắm trại vào các ngày cuối tuần.

Ngoài ra, khách du lịch quốc tế đến Israel bao giờ cũng có chương trình đến thăm Cao nguyên Golan. Hồ nước Galilee trên Cao nguyên rất cuốn hút những tay đua thuyền buồm và xe máy nước.

Để tạo ra bản sắc riêng, người Do Thái trên Cao nguyên Golan có lôgô riêng dán lên ôtô, nhà cửa của mình. Lôgô này cũng được phát miễn phí cho các khách du lịch để dán vào bất cứ đồ dùng nào mà du khách mang theo.

MỚI - NÓNG