Bà Paetongtarn Shinawatra cùng cha đến lễ phê chuẩn ngày 18/8. (Ảnh: Reuters) |
Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử của Thái Lan chỉ vài ngày sau khi ông Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Là con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà Paetongtarn giành chiến thắng với gần 2/3 nghị sĩ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 16/8, trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Thái Lan và là thành viên thứ ba trong gia đình Shinawatra đảm nhận vị trí này, sau cha và cô ruột Yingluck Shinawatra.
Quyết định phê chuẩn của Nhà vua Maha Vajiralongkorn được đọc tại buổi lễ ở Bangkok, nơi bà Paetongtarn mặc quân phục, quỳ xuống để tỏ lòng tôn kính Nhà vua. Sau đó, bà có bài phát biểu ngắn để cảm ơn Nhà vua và các nghị sĩ đại diện cho người dân ủng hộ bà trở thành thủ tướng.
"Là người đứng đầu nhánh hành pháp, tôi sẽ làm nhiệm vụ với tấm lòng rộng mở. Tôi sẽ lắng nghe mọi ý kiến để cùng đất nước tiến lên trong sự ổn định", bà Paetongtarn Shinawatra nói.
Chưa từng đảm nhận vị trí trong chính phủ, bà Paetongtarn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khi nền kinh tế Thái Lan sa sút và sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai giảm sút. Đảng cầm quyền vẫn chưa thực hiện được chương trình phát tiền mặt qua ví điện tử trị giá 500 tỷ baht (15 tỷ USD).
Sau khi tiếp nhận sự ủng hộ của Nhà vua, bà Paetongtarn đã ôm cha mình và các thành viên khác trong gia đình.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, bà Paetongtarn cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách của người tiền nhiệm Srettha, bao gồm các biện pháp kích thích kinh tế và cải cách, giải quyết vấn nạn ma túy bất hợp pháp, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chấp thuận sự đa dạng về giới tính.
Bà cho biết chính phủ sẽ không từ bỏ chính sách ví tiền điện tử nhưng sẽ cố gắng "nghiên cứu và lắng nghe lựa chọn bổ sung" để đảm bảo chương trình bền vững về tài chính.
Thủ tướng Paetongtarn khẳng định sẽ không bổ nhiệm cha mình vào bất kỳ vị trí nào trong chính phủ nhưng sẽ xin lời khuyên của ông.
Bà Paetongtarn Shinawatra cho biết thông tin chi tiết về các chính sách của chính phủ sẽ được trình lên quốc hội vào tháng tới.
Sự ra đi của ông Srettha sau chưa đầy 1 năm cầm quyền là lời nhắc nhở về những rủi ro mà Thủ tướng Paetongtarn phải đối mặt, khi nền chính trị Thái Lan vẫn mắc kẹt trong chu kỳ hỗn loạn của các cuộc đảo chính và phán quyết của tòa án để giải tán các chính đảng và bãi nhiệm thủ tướng.
Di sản và tương lai chính trị của gia đình tỷ phú Shinawatra cũng bị đe doạ. Thế lực dân túy từng là sức mạnh không thể ngăn cản đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, và chấp nhận bắt tay với quân đội để thành lập chính phủ.
Biến động của những ngày gần đây cho thấy "thỏa thuận đình chiến" mong manh giữa ông Thaksin với các đối thủ của ông trong giới bảo hoàng đã đổ vỡ. Thoả thuận này giúp vị tỷ phú trở về sau 15 năm lưu vong năm 2023 và đưa ông Srettha trở thành thủ tướng trong cùng ngày.