Thủ tướng Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm. ̣(Ảnh: Reuters) |
Ông Srettha trở thành thủ tướng thứ tư của Thái Lan trong 16 năm bị bãi nhiệm theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, sau khi tòa án này ra phán quyết cho rằng ông vi phạm Hiến pháp Thái Lan với việc bổ nhiệm một bộ trưởng không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức.
Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi nhiệm sau chưa đầy một năm nắm quyền, đồng nghĩa với việc Quốc hội Thái Lan phải triệu tập để bầu ra một thủ tướng mới.
Tuần trước, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng tuyên bố giải thể đảng Tiến bước (MFP) vì nỗ lực thay đổi luật khi quân, dù đảng này đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử gần đây nhất.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đe dọa "thỏa thuận đình chiến" mong manh giữa phe của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đầy quyền lực và đối thủ của ông trong giới tinh hoa bảo thủ. Sự hòa hoãn đó đã giúp tỷ phú Shinawatra trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong và đưa đồng minh Srettha trở thành thủ tướng.
Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lâm thời. Theo một số chuyên gia chính trị, có khả năng đảng Pheu Thai vẫn có đủ ảnh hưởng để lãnh đạo chính phủ mới.
Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan có thể nằm trong số những ứng viên mà Pheu Thai đã đề cử cho vị trí thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2023, trong đó có con gái 37 tuổi của ông Thaksin là bà Paetongtarn Shinawatra.
Nếu được bổ nhiệm, bà Paetongtarn Shinawatra sẽ là thủ tướng thứ ba của gia đình Shinawatra, sau ông Thaksin và dì Yingluck Shinawatra.
Các ứng cử viên tiềm năng khác gồm: Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và ông Prawit Wongsuwan - cựu chỉ huy quân đội Thái Lan, người có tầm ảnh hưởng và đã tham gia hai cuộc đảo chính gần đây nhất.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp đối với Thủ tướng Srettha được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế Thái Lan đang đối mặt nhiều khó khăn. Chính phủ Thái Lan ước tính nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.
Thái Lan cũng là thị trường có hiệu suất kém nhất châu Á, với chỉ số chứng khoán chính giảm khoảng 17% từ đầu năm đến nay.