Chiến lược hợp tác của bà Merkel đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong 16 năm bà nắm quyền, đồng thời định hình quan điểm của châu Âu đối với một siêu cường ngày càng mạnh, bất chấp những quan ngại về cạnh tranh không công bằng và gián điệp công nghiệp.
“Có thể ban đầu chúng tôi quá ngây thơ trong cách tiếp cận một số đối tác. Trong những ngày này, chúng tôi đang xem xét kỹ hơn, và đúng như vậy”, bà Merkel nói trong cuộc trả lời phỏng vấn.
Sắp rời nhiệm sở sau khi quyết định không tái tranh cử, bà Merkel nói rằng Đức và rộng hơn là Liên minh châu Âu (EU) vẫn nên tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và có thể học hỏi lẫn nhau.
“Quan điểm của tôi là tách rời hoàn toàn không phải điều đúng đắn, nó sẽ gây hại cho cả chúng ta”, bà nói.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ năm 2016 và kinh tế Đức đạt tốc độ phát triển nhanh trong nhiệm kỳ của bà Merkel. Tuy nhiên, một số người chỉ trích cho rằng Đức giờ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc, quá mềm mỏng với Bắc Kinh trong những vấn đề gai góc như nhân quyền.
Chính phủ của bà Merkel khẳng định bà luôn nêu vấn đề nhân quyền trong các chuyến thăm chính thức Bắc Kinh và vẫn tìm cách đa dạng hoá quan hệ thương mại với châu Á.
Bà Merkel nói rằng Đức liên tục thảo luận với Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền “liên quan đến các sinh viên Trung Quốc ở Đức và các doanh nghiệp Đức hoạt động ở Trung Quốc”.
Bà cũng nói rằng các nền dân chủ phương Tây cố gắng xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cho các công nghệ mới phải bám sát sự đổi mới để nắm bắt được tác động của chúng.
“Hiện tại châu Âu không dẫn đầu trong những lĩnh vực như máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc và Mỹ làm tốt hơn trong nhiều lĩnh vực”, bà nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel nói rằng nhà nước vẫn phải bảo vệ hạ tầng thiết yếu, như luật công nghệ thông tin mới của Đức đặt ra rào cản cho các nhà sản xuất mạng viễn thông thế hệ mới, như Huawei của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng cần nhấn mạnh là không nên loại trừ các công ty riêng lẻ ngay từ đầu”, bà nói.
Bà Merkel hiện đóng vai trò người quản lý trong lúc một chính phủ liên minh mới của Đức đang được thành lập, trong đó một số thành viên ủng hộ chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.
“Chúng ta cần một hệ thống mở trong đó mọi người được đánh giá theo cùng tiêu chuẩn”, bà nói.