Chi tiết của thỏa thuận này chưa được tiết lộ, nhưng một quan chức Ý nói rằng thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong hàng loạt lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, tới du lịch và văn hoá.
Ý tưởng trên được khởi xướng lần đầu vào năm 2018 dưới thời Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, nhưng quan hệ giữa Rome và Paris xấu đi sau khi Ý có chính phủ mới với các chính sách dân tuý. Đến thời ông Draghi, quan hệ song phương được khôi phục đầy đủ và lãnh đạo hai bên ngày càng muốn bắt tay nhau để định hình chính sách mới của châu Âu. “Ông Macron muốn gắn kết mạnh mẽ hơn với Ý và Rome cũng muốn gắn mình vào quan hệ đối tác truyền thống với Pháp và Đức”, một quan chức Ý giấu tên nói với Reuters.
Căng thẳng giữa Rome và Paris lên đến đỉnh điểm vào đầu năm 2019, khi Pháp triệu đại sứ về nước vì mâu thuẫn liên quan đến vấn đề di cư. Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai ông Draghi và Macron diễn ra tại Paris vào tuần trước. Hai bên tập trung bàn về quá trình chuyển đổi chính trị ở Libya, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng chiến lược với cả hai nhà lãnh đạo.
Nỗ lực thế chỗ
Khi bà Merkel, nhà lãnh đạo lâu năm và có tầm ảnh hưởng rộng khắp Liên minh châu Âu (EU), nghỉ hưu, nhiều chuyên gia chính trị để ý đến Pháp. Giới chuyên gia cho rằng Pháp, nhất là Tổng thống Macron, đang chờ cơ hội để thay thế Đức trở thành lãnh đạo thực tế của châu Âu và vươn lên thành siêu cường khu vực.
“Về ông Macron, chúng tôi đã thấy những nỗ lực nắm quyền lãnh đạo ở châu Âu”, Carsten Brzeski, nhà phân tích vĩ mô tại hãng dịch vụ tài chính ING, nói với CNBC.
Ông Brzeski nêu ra chuyện ông Macron can thiệp khi châu Âu đang thảo luận về các quy định tài khoá. “Trong khi Pháp kêu gọi EU nới lỏng quy định về thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ trên GDP đối với các nước thành viên, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, thì Đức có truyền thống phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm nới lỏng quy định khống chế thâm hụt ngân sách và nợ công”, ông Brzeski nói.
Nhà phân tích này lưu ý rằng ông Macron sẽ phải vượt qua cuộc bầu cử tổng thống đầy khó khăn vào tháng 4 năm sau. “Tôi nghĩ phép thử thực sự sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Nếu ông Macron tái đắc cử, khi đó chúng ta sẽ thấy nỗ lực lớn hơn để giành quyền lãnh đạo châu Âu. Điều này nghĩa là thủ tướng mới của Đức có khoảng 1 năm để thế chân bà Merkel”, ông Brzeski nhận định.
Dù ông Macron có thể không thua kém thủ tướng tiếp theo của Đức trong chính sách của EU, nhưng một lĩnh vực mà Pháp không ngang hàng với Đức là sức mạnh kinh tế. Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, gần 1/4 GDP (24,7%) của EU là do Đức tạo ra, theo sau là Pháp (17,4%), Ý (12,7%), Tây Ban Nha (8,9%) và Hà Lan (5,8%), theo số liệu của EU.
“Đức là Đức. Dù Pháp coi đây là cơ hội thì tôi không nghĩ vai trò của Đức sẽ suy giảm. Có thể sẽ không hiệu quả bằng nhưng tôi không nghĩ sẽ suy giảm”, Naz Masraff, giám đốc châu Âu tại hãng nghiên cứu Eurasia Group nói với CNBC. “Bà Merkel sẽ để lại một dấu chân lớn sau 16 năm, nhưng Đức vẫn là nước quan trọng ở châu Âu và dù ai trở thành bộ trưởng tài chính, ai trở thành thủ tướng Đức tiếp theo, tình thế sẽ vẫn như vậy”, bà Masraff nhận định.
“Dưới thời ông Macron, Pháp đang chuyển động mạnh mẽ nhưng còn xa mới cân bằng được sức mạnh kinh tế và tài chính của Đức”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, đánh giá.
Bà Merkel được nhận xét là người chắc chắn, tạo nên sự ổn định và nhất quán cho Đức và châu Âu sau nhiều cuộc khủng hoảng trước đây, từ lĩnh vực tài chính đến di cư. Theo cuộc khảo sát tại 12 nước châu Âu mà Hội đồng châu Âu về đối ngoại (ECFR) thực hiện vào mùa hè năm nay, hầu hết người châu Âu được khảo sát thể hiện hoài nghi về khả năng ông Macron sẽ bắt kịp bà Merkel về khả năng lãnh đạo.
ECFR đã hỏi những người được khảo sát rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ai trong một cuộc cạnh tranh giả định giữa bà Merkel và ông Macron để trở thành chủ tịch EU, đa số (41%) cho biết họ sẽ bầu cho bà Merkel, và chỉ có 14% bầu cho ông Macron. 45% còn lại nói rằng họ không biết hoặc không đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy sự bi quan về tương lai của Đức thời kỳ hậu Merkel, khi có đến 52% người trả lời ở Đức cho rằng thời kỳ hoàng kim của đất nước họ đã qua.
EU chuẩn bị thành lập quân đội chung
EU đang bàn kế hoạch thành lập quân đội chung với 5.000 binh sĩ vào năm 2025 để huy động nếu khủng hoảng xảy ra mà không phải phụ thuộc vào Mỹ, Reuters dẫn nội dung dự thảo kế hoạch. Kế hoạch 28 trang đề ngày 9/11 nêu mục tiêu thành lập lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, để có thể đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Từ đầu tuần này, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU bắt đầu thảo luận tại Brussels để có thể đưa ra kế hoạch cuối cùng vào tháng 3 năm sau.