ASEAN nhất trí về vấn đề biển Đông

Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị liên quan (diễn ra tháng 10/2010 tại Hà Nội) chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: TTXVN.
Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị liên quan (diễn ra tháng 10/2010 tại Hà Nội) chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: TTXVN.
TP - ASEAN và cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thấy sự cần thiết phải phối hợp với nhau để thúc đẩy hợp tác ở khu vực biển Đông, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa xung đột, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tranh chấp.

Nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7) và 48 năm thành lập ASEAN (8/8), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM (cuộc họp các quan chức cao cấp) ASEAN Việt Nam, chia sẻ với báo chí về những vấn đề liên quan, đặc biệt khi Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm nay.

Tiến tới COC

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói rằng, thời gian qua, ASEAN đã có những hoạt động rất có ý nghĩa để giúp tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có giải quyết các vấn đề tranh chấp. Ông cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đầu tháng 8 tới, các nước sẽ cùng nhau thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Đông Nam Á nói chung, biển Đông nói riêng. Cụ thể, hội nghị sẽ thảo luận biện pháp tăng cường lòng tin, tình hữu nghị, đồng thời có các cuộc trao đổi giữa ASEAN và các đối tác về nhiều vấn đề, trong đó có việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

“Muốn như vậy, các bên liên quan phải có sự kiềm chế, không nên có hành động, chính sách gây căng thẳng, ảnh hưởng niềm tin, hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trong thực hiện DOC và tiến tới COC, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Về vấn đề tại sao quá trình tham vấn với Trung Quốc diễn ra chậm chạp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả trong việc bàn về thực hiện DOC và tiến tới xây dựng COC. Tuy nhiên, quá trình này còn chậm và tiến bộ đạt được chậm hơn nhiều so với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thực tế tại biển Đông. ASEAN và Trung Quốc còn chưa tiến tới thương lượng, mà mới chỉ thảo luận, tham vấn về COC.

ASEAN đều muốn đi vào thương lượng, nhưng ý kiến này chưa được Trung Quốc nhất trí, nên chưa có được thời hạn để kết thúc, khiến đàm phán COC còn có nhiều khó khăn.

ASEAN nhất trí về vấn đề biển Đông ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời báo chí. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Nguồn vốn lớn

Ngoài việc phối hợp, tham gia giải quyết các thách thức, trong đó có vấn đề biển Đông, ASEAN sẽ tạo ra dòng chảy đầu tư lớn. Dòng vốn đầu tư lớn từ ASEAN cũng sẽ chảy vào Việt Nam khi Cộng đồng hình thành, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Khối ASEAN hiện đứng thứ 3 về đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore luôn đứng trong top 3, Malaysia thuộc top 9. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Thái Lan vừa qua, phía Thái Lan cho biết đang có 3 dự án muốn triển khai tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh và Quảng Trị, có thể sẽ ở cả Bình Định. Khi được triển khai, những dự án này sẽ đưa Thái Lan lên hàng thứ 8 trong số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bộ KH&ĐT đang có danh mục các dự án Thái Lan muốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nếu thực hiện được nhiều dự án trong số đó, Thái Lan sẽ vươn lên top 5 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Những dự án này sẽ giúp Việt Nam tranh thủ nguồn vốn của ASEAN vào quá trình phát triển, bao gồm cả vốn trên thị trường chứng khoán.

Về nguy cơ ASEAN xảy ra khủng hoảng dây chuyền giống như khu vực đồng tiền chung châu Âu khi Hy Lạp khủng hoảng nợ, ông Lê Hoài Trung cho rằng, ASEAN khác với Liên minh châu Âu (EU) ở nhiều điểm, nhất là ASEAN không có đồng tiền chung. Quá trình xây dựng các thỏa thuận, hiệp định của ASEAN là tiệm tiến và linh hoạt, trên cơ sở hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Việt Nam và các thành viên ASEAN khác đều tham gia các thỏa thuận của khối ngay từ đầu, nên đều tính tới điều kiện cụ thể của từng nước.

Trong EU, những nước phát triển hơn và quỹ chung của EU cung cấp khoản tiền lớn cho các nước chậm phát triển hơn. Trong ASEAN, hầu như không có nước nào ở trình độ phát triển như các thành viên EU. Phần lớn các nước ASEAN đều đang phát triển, Singapore dù đã phát triển, nhưng quy mô kinh tế không lớn như Đức, Pháp, Ý… Đó là điều không thuận lợi của ASEAN, nhưng cũng khiến ASEAN phải vươn lên hơn, phải thu hẹp khoảng cách phát triển bằng chính sách là chính.

“Các nước trong khối phải tự thân vươn lên. Khi xảy ra khủng hoảng cũng sẽ có tác động, nhưng tôi cho rằng đó là do kinh tế ngày càng kết nối, chứ không phải do ra đời hiệp hội, do ra đời cộng đồng”, ông Lê Hoài Trung nhận định.

Đóng góp của Việt Nam

Về những đóng góp mang đậm dấu ấn Việt Nam cho ASEAN trong 20 năm qua, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, một trong những đóng góp lớn là Việt Nam đã tích cực góp phần đưa ASEAN từ chỗ có 6 thành viên lên 10, bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á, trừ Timor Leste là nước mới thành lập. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995. Ba năm sau, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Hà Nội. Lúc đó, Campuchia đã nộp đơn gia nhập ASEAN, nhưng một số thành viên ASEAN và một số nước ngoài khu vực không ủng hộ. Việt Nam đã thúc đẩy rất tích cực để Campuchia trở thành thành viên ASEAN năm 1999. Việt Nam cũng có sáng kiến thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+) được thông qua trong thời kỳ Việt Nam làm chủ tịch…

MỚI - NÓNG