Quyền lợi chung, múi giờ chung
TS Trần Việt Thái nói rằng, thống nhất trong đa dạng chính là bản sắc của ASEAN. Nói đến ASEAN là nói đến xu thế nhất thể hóa, nói đến Đông Nam Á là nói đến đa dạng hóa. ASEAN có nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị..., nhưng ASEAN đang nỗ lực hướng tới một số cái chung. Công dân ASEAN sau này sẽ được hưởng một số lợi ích chung. Ví dụ, người về hưu ở Việt Nam có thể sang Singapore sống, khi đó Chính phủ Singapore sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam trả lương cho người đó rồi hai chính phủ sẽ thanh toán với nhau, ông Thái cho biết. Các công dân ASEAN sẽ được tự do đi lại trong ASEAN, được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ với tiêu chuẩn tối thiểu mà 10 nước ASEAN công nhận.
Lễ thượng cờ tại Hà Nội chào mừng Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành. Ảnh: Thống Nhất.
TS Thái cho biết, ASEAN đang đàm phán để điều chỉnh múi giờ nhằm áp dụng múi giờ chung. Hiện nay, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan chung múi giờ GMT+7, các nước còn lại có múi giờ GMT+8, riêng Myanmar ở giữa. ASEAN đang tiến tới thống nhất một múi giờ, có thể theo múi giờ của Myanmar, để sau này các hệ thống tự động hóa được kết nối theo tiêu chuẩn chung của ASEAN. Nhưng điều này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn xã hội và chưa đàm phán được nên chưa thực hiện ngay, ông nói.
ASEAN cũng sẽ chuẩn hóa một số tiêu chí trong ngành văn hóa, du lịch... để tiến tới cái chung. Không phải tất cả sẽ dùng chung hết một thứ, mà chỉ chuẩn hóa một số khía cạnh để cố kết các nước ASEAN lại với nhau, chứ không xóa bỏ cái riêng của từng nước. “Tới đây ASEAN sẽ có hai mặt, “con anh” và “con chúng ta” cùng tồn tại đồng thời. Nhưng những điều này sẽ tiệm tiến từng bước, không thể làm ngay được”, ông Thái nói.
Lễ thượng cờ tại Hà Nội chào mừng Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành. Ảnh: Minh Châu.
Khắc phục điểm yếu
Có ý kiến cho rằng, ngoài thiếu bản sắc chung, ASEAN còn thiếu khả năng thực thi và sự lãnh đạo trung tâm. TS Thái nói rằng, về cái thiếu thứ nhất - khả năng thực thi, điều này chỉ đúng một phần. ASEAN ra đời từ liên kết chính trị - an ninh từ sau Chiến tranh lạnh. ASEAN có nguyện vọng phát triển kinh tế - xã hội, nhưng suốt những năm Chiến tranh lạnh không làm được vì chịu tác động của các nước lớn và nguồn lực có hạn. Mãi đến tháng 10/1991, khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết thì mới có Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1992. Từ đó, ASEAN mới tập trung phát triển kinh tế được. Đúng là ASEAN thiếu nguồn lực, phải dựa vào sự hỗ trợ của bên ngoài để phát triển. Nhưng đó là những năm 1990. Đến nay, một số thành viên ASEAN, như Singapore, Malaysia, Thái Lan, kể cả Philippines và Việt Nam, đã có khả năng thực thi, nhưng yếu ở khâu phối hợp và đôi khi khác biệt quá lớn về lợi ích, nên không phối hợp tốt được trong hành động.
Về cái thiếu thứ hai - lãnh đạo trung tâm, ASEAN đang trong giai đoạn quá độ, từ một hiệp hội lỏng lẻo sang một tổ chức chặt chẽ hơn mà nay trở thành Cộng đồng. Lãnh đạo ASEAN trong bối cảnh hiện nay cũng khác. Theo cơ chế của ASEAN, nước chủ tịch có vai trò lớn, nên khi một nước nhỏ hơn và yếu hơn đảm nhận vai trò này thì các nước khác chỉ hỗ trợ, không can thiệp, ông nói.
Theo TS Thái, các lãnh đạo ASEAN đang bàn một số phương án. Thứ nhất là một nhóm gồm nước chủ tịch đương nhiệm, nước chủ tịch đã qua và nước chủ tịch kế tiếp cùng phối hợp để hỗ trợ nước yếu khi nước yếu đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên, nhưng ít có khả năng dẫn dắt. Các nước đã bàn đến chuyện này nhưng chưa thống nhất. Phương án thứ hai là cơ cấu lại tổ chức Ban thư ký để nâng cao vai trò của cơ quan này. Ngoài ra, có một nhóm tập hợp các quan chức kỳ cựu của ASEAN để tư vấn cho nước chủ tịch nếu nước đó yếu. Theo ông Thái, ASEAN hiện nay không phải khủng hoảng lãnh đạo, nhưng đang thiếu một tiếng nói có trọng lượng, đủ để dẫn dắt, đủ để cố kết ASEAN. Các lãnh đạo biết chuyện đó và đã bàn nhiều phương án để xử lý, ông nói.
Theo quy định của Hiến chương ASEAN, sau 5 năm có thể xem xét lại. Hiến chương ASEAN ra đời năm 2007, đến 2012 có thể xem xét lại, nhưng một số nước có ý đợi Cộng đồng ASEAN sau khi ra đời sẽ như thế nào để xem lại cả Hiến chương lẫn Ban thư ký và quyền của nước chủ tịch.
Hôm qua tại Hà Nội, tại Lễ Thượng cờ chào mừng Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, sau 48 năm ASEAN ra đời và phát triển, ước mơ về một cộng đồng hài hòa của các dân tộc Đông Nam Á, nơi “sông núi không còn ngăn cách mà gắn kết chúng ta trong hợp tác và hữu nghị” đã trở thành hiện thực. “ASEAN đã và sẽ luôn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
* Sáng 31/12, UBND TPHCM tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Buổi lễ diễn ra trang trọng với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể thành phố cùng các Tổng lãnh sự, đại diện ngoại giao các nước ASEAN.
Trúc Quỳnh - Ngô Tùng