ASEAN có thể làm gì để giải quyết vấn đề Triều Tiên?

Các quan chức cao cấp dự Diễn đàn Khu vực ASEAN bày tỏ quan ngại về vấn đề Triều Tiên và biển Đông. Ảnh: BNG.
Các quan chức cao cấp dự Diễn đàn Khu vực ASEAN bày tỏ quan ngại về vấn đề Triều Tiên và biển Đông. Ảnh: BNG.
TP - Các quan chức cấp cao ASEAN hôm qua kêu gọi CHDCND Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, ASEAN có thể đóng vai trò trong giải quyết tình thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên.

Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực và sự nổi lên của các thách thức an ninh phức tạp, nhiều chiều, các quan chức cao cấp dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Philippines ngày 24/5 khẳng định quyết tâm nâng cao vai trò của ARF với tư cách là diễn đàn an ninh quan trọng thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực.

Trao đổi tình  hình bán đảo Triều Tiên, nhiều nước kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giảm căng thẳng, nối lại đối thoại và giải quyết bất đồng một cách hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, tôn trọng, thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại diện Triều Tiên phát biểu, trình bày lập trường, cho rằng họ buộc phải có hành động nhằm tự vệ trước những đe doạ an ninh từ bên ngoài.

Vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nổi lên khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào đầu tháng này kêu gọi các nước ASEAN cắt đứt hoặc giảm thiểu quan hệ với Bình Nhưỡng. Trước đó, báo chí dẫn nội dung lá thư Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho gửi Tổng thư ký ASEAN kêu gọi ủng hộ trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên “kề miệng hố chiến tranh” do các hành động của Washington. Ông Ri thúc giục người đứng đầu ASEAN thông tin cho các ngoại trưởng của tổ chức này “về tình hình nguy hiểm” trên bán đảo và “đưa ra đề xuất thích hợp”. Trong bức thư này, ông Ri cũng chỉ trích các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Bức thư của Triều Tiên đề ngày 23/3, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh của ASEAN tại Manila, nơi các nhà lãnh đạo của khối dự kiến thảo luận về tình hình bán đảo.

Trước các biện pháp bao vây cấm vận, Triều Tiên được cho là vẫn có quan hệ gần gũi với một số nước trong ASEAN. Tuy nhiên, quan hệ của Triều Tiên với Malaysia vốn tốt đẹp nhưng gặp trục trặc sau khi người được cho là anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên bị sát hại.

Vai trò hạn chế

Vì nằm gần bán đảo Triều Tiên, các nước ASEAN sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu xảy ra xung đột ở khu vực Đông Bắc Á. Trong buổi trao đổi với các phóng viên Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Tiền Phong, PGS Lonny Carlile, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình nghiên cứu châu Á - ĐH Hawaii (Mỹ), cho rằng, ASEAN có thể góp phần làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng cách đóng vai trò hỗ trợ đối thoại giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế, vì ASEAN không có lợi ích gì nếu xảy ra xung đột trên bán đảo này. Ông cho rằng, ARF có thể là nơi ASEAN đóng vai trò hỗ trợ đó.

Ông Yang Uk, nhà nghiên cứu về an ninh và quốc phòng ở Hàn Quốc, cũng cho rằng, ARF có thể là nơi phù hợp để nói về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông Choi Kang, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc, nói rằng, chính quyền mới ở Hàn Quốc nên thường xuyên giữ quan hệ chặt chẽ với ASEAN, thay vì chỉ thúc đẩy khi tình hình bán đảo trở nên căng thẳng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dù quan hệ giữa các nước ASEAN và Triều Tiên không nhiều, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần tận dụng mọi biện pháp để gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Một số học giả tỏ ra hoài nghi về những gì ASEAN có thể làm để tháo gỡ vấn đề Triều Tiên. “Đây là vấn đề của Đông Bắc Á… Tôi không biết ASEAN có thể làm gì để thúc đẩy các cuộc đối thoại diễn ra nhưng có thể giúp thực thi các biện pháp trừng phạt”, ông Denny Roy, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đông Tây tại Hawaii, nói với các phóng viên Đông Nam Á.

Trung Quốc, quốc gia đang chiếm 90% thương mại với Triều Tiên, được đánh giá là nước giữ vai trò quan trọng nhất trong khả năng giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh được cho là đang ở thế khó nếu vừa muốn giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vừa muốn giữ Triều Tiên làm vùng đệm. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc lúc này chỉ có thể lên án Triều Tiên bằng lời lẽ, thay vì hành động mạnh mẽ trên thực tế. 

Quan ngại tình hình biển Đông

Nhiều quan chức dự Hội nghị quan chức cao cấp ARF cũng tiếp tục bày tỏ  quan ngại về tình hình biển Đông, nhất là hoạt động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá, ảnh hưởng hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. Trong bối cảnh này, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các nước hoan nghênh nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông; hướng tới sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

MỚI - NÓNG