Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017 (WEF ASEAN 2017) có sự tham dự của hơn 600 đại biểu, trong đó có lãnh đạo cấp cao của nhiều nước như Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thoonglun Sisoulith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte; nhiều bộ trưởng của các thành viên ASEAN và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc…; lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn của khu vực và thế giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Tại phiên khai mạc toàn thể với chủ đề “ASEAN 50 tuổi trẻ”, lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành mô hình hội nhập khu vực thành công trên thế giới, đóng vai trò quan trọng vào củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Các đại biểu cũng cho rằng ASEAN còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhờ có lực lượng lao động trẻ dồi dào thứ 3 thế giới, có thị trường ngày càng mở rộng với quy mô GDP đứng thứ 6 thế giới và dự báo vươn lên thứ 5 vào năm 2020.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá ASEAN gặp không ít thách thức, khó khăn trước những biến chuyển nhanh và sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ trên thế giới; trong đó các chuyển dịch địa-chính trị trong khu vực, xu hướng bảo hộ gia tăng và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động ngày càng sâu sắc đến tiến trình hội nhập ASEAN cũng như sự phát triển của các nước thành viên. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng gặp những khó khăn trong phát triển như gia tăng khoảng cách phát triển, bất bình đẳng xã hội, suy thoái môi trường…
Nhiều ý kiến tại hội nghị khuyến nghị các nước ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết nội khối, đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025, chú trọng củng cố các nền tảng cho phát triển bao trùm và bền vững như thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu, tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế trong ASEAN.
Tiềm năng đổi mới sáng tạo
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, cũng như các nước ASEAN khác, Việt Nam có thị trường tiềm năng lớn về đổi mới sáng tạo với dân số trẻ dồi dào, trong đó 60% dân số dưới 35 tuổi và khoảng 52% dân số sử dụng Internet; đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua ký nhiều hiệp định thương mại tự do(FTA) có tiêu chuẩn cao và cùng các nước ASEAN tiến tới thị trường ASEAN thống nhất… Việt Nam cũng có nhiều chỉ số tiến bộ về công nghệ thông tin, phấn đấu đến 2020, sẽ trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động về công nghệ thông tin. Đây là lợi thế rất quan trọng và thực tế đã có nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đang mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang cùng ASEAN tiến tới thị trường thống nhất, đến 2025, hầu hết rào cản đối với thương mại, đầu tư, di chuyển lao động có kỹ năng sẽ được dỡ bỏ. Việt Nam đã ký 12 FTA, trong đó có các FTA tiêu chuẩn cao.Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam luôn được cải thiện.Năm 2016, Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam tăng 9 bậc. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam hoan nghênh quý vị tham gia các hoạt động APEC với trọng tâm thúc đẩy liên kết kinh tế, nâng cao cạnh tranh, sáng tạo trong kỷ nguyên số”.
Về các thách thức đặt ra đối với ASEAN thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để duy trì sự phát triển năng động và sức cạnh tranh, ASEAN không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động trẻ kỹ năng thấp. Phải tạo động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn đến từ đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đổi mới phương thức điều hành, quản trị nền kinh tế, các nước ASEAN cần trang bị, đào tạo cho người dân, nhất là lao động trẻ các kỹ năng cần thiết để bắt kịp, làm chủ các tiến bộ công nghệ, đáp ứng các yêu cầu việc làm mới.
Thủ tướng đề xuất Diễn đàn WEF-ASEAN xem xét thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị chính sách về giáo dục, đào tạo nghề và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; hình thành thị trường ý tưởng khởi nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hoặc mua các ý tưởng khởi nghiệp (start-up) của các tài năng trẻ ASEAN.
Ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu các cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị.Chiều 11/5, Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước ASEAN nghe Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN của WEF trình bày báo cáo nghiên cứu về những vấn đề phát triển và hội nhập của ASEAN.