ASEAN cần có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với Trung Quốc

Tàu Trung Quốc vây ép, sử dụng vòi rồng phun nước về phía các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+
Tàu Trung Quốc vây ép, sử dụng vòi rồng phun nước về phía các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của IISS - khu vực châu Á cho rằng, ASEAN cần phải có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC.

Trước những việc làm đầy toan tính của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền của mình ở Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải có cách tiếp cận chung, mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đây là phát biểu của tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - khu vực châu Á.

Tiến sĩ Choong nói, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương -981(Haiyang Shiyou 981) trị giá 1 tỷ USD tới hạ đặt tại Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “một động thái được tính toán trước” và “đã được Bắc Kinh lên kế hoạch cẩn thận”.

Theo học giả người Singapore, những hành động của Trung Quốc liên quan Bãi cạn Hoàng Nham, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, và Bãi đá James nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển Việt Nam, “là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc” để dần chiếm toàn bộ khu vực Đường chín đoạn.

Ông Choong cũng cho rằng, trước những hành động này của Trung Quốc tại Biển Đông, nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng, “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc và các nước tại châu Á-Thái Bình Dương.”

Về đối sách của Việt Nam, ông Choong nói: “Rất đáng hoan nghênh khi Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan”, và “Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với những thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình.”

Đối với phản ứng cần thiết của ASEAN trước những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sĩ Choong nói, ASEAN cần phải có cách tiếp cận chung và mạnh hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), trong khi thuyết phục Trung Quốc rằng COC có tính chất ràng buộc không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

Tiến sĩ William Choong khẳng định: “Việc thông qua COC vào thời điểm này là rất quan trọng vì nó quy định cách ứng xử trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ” và như vậy “sẽ rất hữu ích đối với an ninh khu vực”.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG