Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Áp lực trả nợ sẽ tăng vào năm 2015- 2016

TP - Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trước 2010 nợ công của chúng ta ở mức thấp, không quá 50% GDP, hiện nay đang có xu hướng tăng lên.

Năm 2011 nợ công khoảng 35%, năm 2009 là 41% GDP. Từ 2010 đến nay, quản lý nợ công có nhiều chuyển biến tích cực, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển từ 2010 đến nay giảm dần và bội chi ở mức cao. Năm 2010, nợ công tăng lên 50%, ước năm 2014 khoảng 60% và 2015 khoảng 64% GDP.

Mặc dù vậy, nợ công vẫn trong giới hạn cho phép, không quá 65%, đảm bảo nguyên tắc trả nợ, sử dụng các khoản vay cho đầu tư đúng mục đích. Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, quản lý nợ công còn có một số hạn chế, ở một số dự án đầu tư chưa thực sự hiệu quả, đầu mối phân tán, năng lực giám sát còn hạn chế, áp lực trả nợ sẽ tăng vào năm 2015-2016. 


Để tăng cường quản lý nợ công, theo Bộ trưởng Tài chính, cần quản lý chặt chẽ các khoản chi, cắt giảm tối đa việc mua sắm trang bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, tập trung tối đa dành tiền cho đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí trả nợ, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của chính phủ. Phấn đấu giảm dần bội chi, dự kiến năm 2015 bội chi ở mức 5% giảm dần đến năm 2020 còn 4%. Cùng đó, nợ công cũng phải được kiểm soát, từ khoảng 64% năm 2015 sẽ giảm dần đến năm 2020 còn 60,2%. 

“Chúng ta đang nằm trong giới hạn nợ công, nhưng cũng có những khó khăn. Chính phủ quyết tâm giảm dần nợ công, nợ xấu, tiết kiệm chi tiêu, đẩy mạnh sản xuất hiệu quả. Đặc biệt là phải duy trì quản lý nợ công trong giới hạn QH cho phép”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết.

MỚI - NÓNG