Ông đánh giá như thế nào về cơ cấu chi ngân sách hiện nay?
Chúng ta chi thường xuyên lớn, tăng nhanh trong vài năm qua và hiện chiếm tới gần 70% tổng chi. Khả năng trả nợ của chúng ta bắt đầu có khó khăn. Khoản trả nợ chiếm khá lớn trong tổng thu ngân sách.
Trong chiến lược nợ không, khoản trả nợ không được vượt quá 25% tổng thu ngân sách nhưng ngay năm 2014 giới hạn này đã bị vượt rồi. Năm 2014 dự kiến dành 26% thu ngân sách để trả nợ và năm 2015 con số này dự kiến còn tăng lên hơn 30%.
Trong bối cảnh này, chính sách giãn, giảm thuế tương đối nhanh đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong dài hạn chính sách giảm thuế chưa nuôi dưỡng được nguồn thu tăng, ngắn hạn rất khó khăn. Gánh nặng thuế giảm có tác dụng trong dài hạn nhưng nếu giảm quá mức thì mất đi công cụ đòn bẩy, công cụ quản lý doanh nghiệp.
Nhưng chúng ta vẫn có thể tiết kiệm 10% để lấy nguồn tăng lương như các năm trước đã thực hiện?
Tiết kiệm cũng đến giới hạn nào đó thôi. Nếu tiết kiệm 10% chi thường xuyên thì cũng chỉ được 6.000 tỷ đồng, trong khi muốn tăng lương cơ bản thêm 100 nghìn đồng thì cần 40.000 tỷ đồng.
Không có tiền tăng lương nhưng tình trạng lãng phí, chi vượt dự toán vẫn xảy ra ở nhiều nơi cho thấy kỷ luật ngân sách không nghiêm, thưa ông?
Đúng vậy! Chúng ta vẫn chưa siết chặt được kỷ luật tài chính. Chúng tôi đang kiến nghị, không được một khoản chi nào ra khỏi kho bạc nếu không có dự toán. Ngay trong Quốc hội, từ đầu năm các khoản chi đều phải có dự toán. Ủy ban Thường vụ quyết định kế hoạch và các ủy ban phải thực hiện nghiêm kế hoạch theo dự toán đã duyệt.
Trong điều kiện căng thẳng ngân sách như hiện nay thì đề xuất lấy ngân sách để xử lý nợ xấu có hợp lý không, thưa ông?
Theo tôi phải cân nhắc kỹ. Ở một số nước khi ngân hàng khó khăn Chính phủ cũng hỗ trợ mua lại nợ xấu, nhưng đối với Việt Nam cần xem xét thận trọng.
Cảm ơn ông!
Không kiến nghị dùng ngân sách xử lý nợ xấu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về Báo cáo tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trình QH.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ KH&ĐT không đưa kiến nghị về việc xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước như dự thảo báo cáo.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước QH về nội dung này.