Áp lực học hành, nhiều học sinh hóa tâm thần

Một nữ sinh có dấu hiệu tâm thần đến khám và điều trị tại khoa Tâm lý Tâm thần trẻ em , Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Một nữ sinh có dấu hiệu tâm thần đến khám và điều trị tại khoa Tâm lý Tâm thần trẻ em , Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Liên tục trong thời gian qua, nhiều học sinh có dấu hiệu bệnh về tâm thần tìm đến khám và điều trị tại các phòng khám, bệnh viện tâm thần. Điều đáng nói, phần lớn những trường hợp có dấu hiệu bệnh tâm thần như: rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn lo âu… đều do quá lo lắng đến việc học và học quá mức.

Tại khoa tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM, tháng nào cũng có hàng trăm học sinh đến khám vì có những dấu hiệu của bệnh tâm thần.

Chỉ tính riêng trong tháng 4 vừa qua, khoa này đã phát hiện 18 em học sinh bị chứng rối loạn tâm thần, 45 em bị trầm cảm, 81 em bị chứng rối loạn lo âu..

Bị cô giáo đưa lên lớp làm tấm gương xấu

Ngồi cạnh bên đứa con gái gầy gò, khuôn mắt hốc hác trong khu vực chờ khám bệnh của khoa tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM, anh Q.( ngụ quận 1, TPHCM) rầu rỉ cho biết, thời gian gần đây, con gái anh, cháu H (14 tuổi, học sinh lớp 9) gần như đêm nào cũng không ngủ.

Anh Q. kể: Phòng học riêng của H. lúc nào cũng đèn sáng, cửa đóng kín. Có lần thấy đèn sáng gần như thâu đêm, đến tận 3 giờ sáng, mẹ H. đẩy cử phòng xông vào, bất ngờ thấy H. đang chỉnh tề quần áo, khăn quàng, cặp mang trên vai và nói với mẹ, con chuẩn bị đi học đây, bạn con đang đứng dưới cửa sổ gọi con.

Mẹ H. thấy vậy hoảng quá, liền nói: mới có 3 giờ mà đi học gì hả con?. H. trả lời: “Giờ này sáng rồi, đi học trễ là bị la đó mẹ”.

Anh Q.cho biết, trước đây, nhiều lần H. đi học về thường tâm sự bị thầy cô giáo mắng, đưa lên trước lớp làm tấm gương xấu và em cảm thấy xấu hổ với bạn bè.

Bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện tâm thần TPHCM, cho biết nếu nhìn qua lịch học của H.chắc nhiều người sẽ choáng.

Em rời nhà từ 6 giờ sáng, học 2 buổi, đến 5 giờ chiều rời trường. Ăn quày quả ổ bánh mì, rồi em khăn gói đến trung tâm ngoại ngữ để học tiếp đến 8 giờ30 tối mới về đến nhà, em ăn vội vàng cho qua bữa tối lại tiếp tục làm bài tập ở trường bên chiếc bàn học đến tận 12 giờ, thậm chí có hôm đến tận 1 hoặc 2 giờ sáng.

Theo bác sĩ Giang, điều này xuất phát từ việc trước đây H. thường xuyên bị cô giáo mắng, đưa lên lớp làm tấm gương xấu, khiến em bị tổn thương và quyết tâm học bằng mọi giá mà quên đi một điều rằng, học thiếu khoa học như thế không chỉ không mang lại hiệu quả trong học tập mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

“Trẻ cần phải có tuổi thơ, cần có thời gian để chơi, chứ không chỉ có học. Chính áp lực học đó H. bị ám ảnh, từ đó khiến em trở thành hoang tưởng, khủng bố. Em đã xuất hiện ảo thanh, rối loạn tri giác, tự nghe tiếng bạn gọi, nên 3 giờ sáng đã chuẩn bị cặp sách đến trường. Đây là dấu hiệu hội chứng rối loạn lo âu”, bác sĩ Giang nói.

Với trường hợp trên, bác sĩ Giang cho biết, các bác sĩ sẽ tư vấn cho phụ huynh, phải để H.có thời gian nghỉ ngơi, để em có tuổi thơ được chơi, được đùa, phải sắp xếp một lịch học cho em vừa phải. Bên cạnh đó, phải bổ sung thêm thuốc, sau thời gian điều trị khoảng 1 năm thì hy vọng H.có thể bình thường, quân bình trở lại.

Áp lực học hành, nhiều học sinh hóa tâm thần ảnh 1 Ảnh minh họa

Gia đình tạo áp lực học hành

Theo bác sĩ Lâm Hữu Tài, khoa tâm lý,Trung tâm y tế dự phòng quận 1, TPHCM, độ tuổi các em học sinh thường có dấu hiệu tâm thần là từ học sinh cấp 2 trở lên.

Ông Tài cho biết, mới đây một cậu quý tử Ng.N.V( học sinh lớp 10, nhà ở quận 5, TPHCM), con của một gia đình khá giả, học lực xếp loại giỏi ở lớp tìm đến ông chữa trị căn bệnh trầm cảm.

Đang học khá giỏi, bỗng dưng V. cảm thấy buồn chán, mất hết hứng thú, mệt mỏi, chẳng muốn đi học. Những sở thích ngày trước như hay đi ăn kem, ăn chè... với bạn, giờ đây mỗi khi bạn bè rủ đi thì V. chẳng muốn đi, chẳng muốn tiếp xúc với ai, cảm thấy rất cô đơn.

Qua tìm hiểu, được biết V. luôn được cha, mẹ quá kỳ vọng vào việc học tập, muốn em luôn luôn được học giỏi, đứng đầu.

“Chính những áp lực đó, vào những ngày em không tiếp thu bài tốt, không làm bài tốt, V.quá lo lắng, sợ không đạt được điều đó, cảm thấy bất an khi cha mẹ kiểm tra, đẩy các em vào stress và gây nên bệnh trầm cảm”, bác sĩ Tài giải thích.

Theo bác sĩ Giang, có một thực tế hiện nay, nhiều em học sinh bị gia đình tạo áp lực học tập nhưng lại không được cha, mẹ gần gũi, chia sẻ, khiền các em càng căng thẳng, dẫn đến trầm cảm.

Thường các bậc phụ huynh của những em này quá nghiêm khắc, khiến các em tỏ ra sợ sệt, không gần gũi mà lẽ ra có những chuyện các em có thể thổ lộ với cha, mẹ nhưng lại sợ không dám thổ lộ, cứ giữ trong lòng, không giải tỏa được. Thời gian kéo dài như thế sẽ khiến các em bị mắc những chứng bệnh liên quan đến tâm lý, tâm thần.

Bác sĩ Giang cho rằng, đừng bao giờ đặt cho các em là một người xuất chúng, một người học thật giỏi. Mong muốn là như thế, nhưng đừng làm như thế với các em sẽ rất tội cho các em.

“Nếu học lực của con mình chỉ đến đó thì các bậc phụ huynh đừng đưa ra chỉ tiêu cao quá, để gây áp lực cho con. Cha mẹ chỉ khuyến khích con mình học bằng cách khen thưởng, nhưng không nên gây áp lực lên con ”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Theo Hồ Quang

Theo Một thế giới
MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.