Các học sinh xem quảng cáo tại một số lò luyện thi Ảnh: Hồng Vĩnh |
Thông tin ban đầu: Thí sinh này quyên sinh vì không chịu nổi sức ép trước mùa thi, từ gia đình, bè bạn. Năm 2005 cũng tại dòng sông này, nữ sinh Lê Thu Thủy ( 1984, Hà Tĩnh) nhảy xuống tự tử. Cô đã thi rớt đại học 2 năm liền.
Ngày 2/8/2005, khi biết tin đạt 20 điểm, chưa đủ để vào trường ĐH mình mong muốn, thí sinh T.D.H (sinh 1987, lớp Toán 2, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) đã thắt cổ tự vẫn.
Cùng thời gian này, Hồ Văn Thương ở Phù Cát (Bình Định), từ chỗ thi rớt đại học, do suy nghĩ nông nổi, đã tự vẫn tại nhà của ông nội. Những tin tức như thế này không khỏi làm các bậc cha mẹ và xã hội giật mình. Phải chăng con cái chúng ta đang chịu những gánh nặng học hành thi cử khủng khiếp?
Thi đại học, sức ép của mọi nhà
Sáng 30/6/2006, cha con người nông dân Lê Văn Duyệt (Nghĩa Hưng, Nam Định) đến KTX trường ĐHKTQD để trọ trong thời gian thi. Ngày hôm sau KTX trường này mới mở cửa đón thí sinh (TS) nên 2 cha con ông lại xách va li đi ở nhờ một người bà con ở Hà Nội để hôm sau trở lại KTX bởi lẽ đưa con lên thi ông chỉ mang theo 1,5 triệu đồng, phải tùng tiệm mới đủ.
Ông kể, ở quê ông, một vùng quê không giàu, dường như 100% các gia đình đã cho con đi học là đều quyết tâm cho con vào ĐH dù số thi đỗ chỉ có 3-4%. Ông giải thích ở quê, ruộng ít, người nhiều; con gái quê nếu không đi thoát li thì học xong PTTH mới 18-19 tuổi đã lấy chồng, nghề nghiệp không có, tội lắm!
Nên dù gia cảnh khó khăn (vợ bị bệnh não, mình ông làm nông nghiệp; những ngày nông nhàn ông đi làm thuê cho người khác để có thêm tiền) ông Duyệt cũng cố nuôi con học ĐH nếu đỗ được.
Con gái ông, Lê Thị Duyên Tươi, vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội đã hạ quyết tâm thi kỳ được ĐH mới thôi, dù cho có phải thi đi thi lại; lý do thật đơn giản -em không muốn cuối cùng lại rơi vào hoàn cảnh như nhiều bạn đồng lứa hiện nay: Bằng tuổi em đã có con bồng con bế và vợ chồng đánh cãi nhau suốt ngày!
Người thành thị lại có lý do riêng của họ. PGS TS. Võ Minh Chí - GĐTT Tâm lý học - Sinh lý học lứa tuổi, ĐHSPHN thừa nhận ngay cả mình tuy không có “tư tưởng đại học” nhưng cứ nghĩ nếu để con cái học phân luồng xuống trung cấp thì cuối cùng cũng đi sửa ti vi tủ lạnh thôi, mà ngay cả việc đó cũng đâu phải dễ kiếm.
Nhiều các ông bố bà mẹ ở thị thành được hỏi đều cho rằng nếu con không thi đỗ ĐH thì cha mẹ sẽ mất mặt và biết cho con đi đâu. Vì vậy, thi đại học trở thành sức ép của mọi nhà. Thậm chí có không ít bậc cha mẹ nói thẳng với con cái: Nếu trượt ĐH sẽ là nỗi nhục của cả nhà!
Gánh nặng giáo dục
Chỉ có ở nước ta, ngay từ lớp 1 trẻ đã phải luyện thi, sau đó, bậc tiểu học đã phải đeo chiếc cặp nặng cả 4,5 kg đi học, rồi học thêm nào nhạc, nào họa, nào võ... Một số giáo viên muốn kiếm sống bằng dạy thêm; nhiều bậc cha mẹ muốn “đầu tư” vào con cái vì không muốn để con cái thiệt thòi như mình...
“Vì những lý lẽ đó, cha mẹ trở thành ô-sin cho con cái từ lúc nào không hay, và trong chuyện này, chính cha mẹ là người có lỗi trong việc ép trẻ con học tập quá nhiều. Tuy nhiên, trẻ càng lớn thì gánh nặng của trẻ lại là lỗi của ngành GD-ĐT”, bà Võ Minh Chí phân tích.
Thi thử 90% trượt, thi thật 90% đỗ; ném bài vào hội đồng thi cho học sinh gây lộn xộn thi cử như ở Hà Tây vừa qua cũng là do căn bệnh thành tích mà ra.
Mỗi lớp phải đạt bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, bao nhiêu khá; trẻ em không học cũng được lên lớp; giáo viên không cần phải nỗ lực dạy, khiến cho chương trình học tập, không phải nặng lắm như người ta vẫn tưởng trở nên một gánh nặng cho học sinh...
Điều này chính là nguyên nhân giáo đức (đạo đức nghề nghiệp) của người giáo viên ngày nay có vấn đề như bà đã có lần đề cập.
Thi cử là giọt nước cuối cùng làm tràn ly
Với thi cử như hiện nay muốn hay không cũng tạo ra một sự căng thẳng dẫn đến stress mạnh và là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến những học sinh vốn bị bệnh đặc biệt sẽ dẫn đến hành động tự vẫn là kết luận của vị TS Tâm lý này.
TS Võ Minh Chí cho biết, nguyên nhân chính của những cái chết thương tâm là bệnh nhưng gia đình không biết. Chị kể, trong nhiều năm qua, có nhiều gia đình mang con cái đến nhờ nhà tâm lý giúp đỡ.
Phần lớn, với con mắt nghề nghiệp, các trường hợp chị xem xét và kết quả khám bệnh cuối cùng cũng cho thấy nhiều học sinh bị tâm thần phân liệt. Khi đã mắc căn bệnh này, nếu chịu thêm sự căng thẳng nữa từ gánh nặng học hành, sức ép thi cử, các học sinh dễ tìm đến cái chết.
Biểu hiện của căn bệnh này là mệt mỏi, không muốn học, học sút dần, trí nhớ vẫn tốt nhưng sức tư duy giảm, ngại làm việc và đặc biệt, ngại tắm và cơ thể có một mùi rất riêng mà chỉ các nhà chuyên môn mới nhận biết được.
Bắt đầu từ cha mẹ hay từ một cuộc cách mạng giáo dục?
Với việc học hành như hiện nay, TS Võ Minh Chí thú nhận, ngay cả chị cũng không thể giúp đỡ con cái học tập. Theo chị, các bậc cha mẹ nên chú ý đến sự phát triển của trẻ để nắm bắt những diễn biến phức tạp của con cái. Chăm sóc chúng khi cần thiết, đặt lên vai chúng những yêu cầu vừa phải phù hợp với khả năng của trẻ, không gây sức ép cho trẻ quá nhiều.
Theo chị, đã đến lúc phải thay đổi về cơ chế giáo dục đến tận gốc; cắt bỏ cái “ung nhọt thành tích” vốn ăn sâu thành gốc thành rễ; phải làm cho việc học hành nhẹ đi, không phải nhẹ chương trình (chương trình không nặng) mà là làm một cuộc cách mạng về giáo đức, phải tạo nhiều cơ hội làm việc cho thanh niên khi ra đời và khả năng học tiếp lên cao...