Trưa 27/9, Đà Nẵng bắt đầu mưa nặng hạt. Đội hình phản ứng nhanh của Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng lực lượng cán bộ, dân quân UBND phường tỏa đi các ngõ hẻm để vận động người dân đến nơi tránh trú bão an toàn trước 14h. Ảnh: Giang Thanh |
Lách qua 3 con hẻm nhỏ chỉ vừa một xe máy đi, đội phản ứng nhanh tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Mua (80 tuổi). Con hẻm nhà cụ Mua đa phần là các nhà không kiên cố, không đủ điều kiện trú ẩn khi bão mạnh đổ bộ. Vì vậy, gần như mỗi mùa mưa bão, cụ và hàng xóm đều phải đến điểm tập trung để tránh bão. |
Khóa cửa căn nhà cấp 4 cũ kĩ, con trai cụ Mua ôm theo quần áo, chăn màn. Cẩn thận mặc áo mưa cho cụ, 2 tình nguyện viên đèo cụ đến điểm trường mầm non - nơi tập trung trú ẩn qua bão của khu vực này. |
Tại điểm trú bão, lực lượng tình nguyện viên cũng sẵn sàng túc trực đến đón và hỗ trợ người già, người khuyết tật... di chuyển vào. Bị liệt 2 chân, anh Nguyễn Cường (tổ 48 phường An Khê) phải nhờ đến 7 tình nguyện viên hỗ trợ để di chuyển. Tới điểm tránh bão, mọi người cũng góp sức để bế anh Cường cùng chiếc xe lăn vào phòng. |
“Cả 6 khu vực trên địa bàn đều có những vùng nguy hiểm cần di tản người dân. Đoàn phường đã huy động 100% lực lượng để túc trực và hỗ trợ công tác di dân. Đa phần các hộ cần hỗ trợ đều là người già yếu, neo đơn, trẻ em hoặc người khuyết tật”, anh Phan Trần Hải Giang - Bí thư Đoàn phường An Khê, cho hay. Dựa vào danh sách các hộ ở vùng có nguy cơ cao, lực lượng chức năng có thể theo dõi công tác di dân, đồng thời, vận động, cưỡng chế các hộ chưa chịu di dời trước thời điểm bão Noru đổ bộ. |
Trước đó, trong chiều tối ngày 25/9 và sáng ngày 26/9, các đội tình nguyện phản ứng nhanh của 56 Đoàn phường, Xã phường trên địa bàn được thiết lập, xung kích hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. |
Lực lượng tình nguyện viên chú trọng hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không kiên cố; các hộ neo đơn chỉ có trẻ con và người già; hộ gia đình có người khuyết tật... Dùng bao cát hoặc những thùng nước đầy lên mái tôn là cách mà người dân Đà Nẵng thường xuyên áp dụng mỗi khi có bão. |
Các đoàn viên thanh niên cũng tích cực phân chia, chuẩn bị nhu yếu phẩm như mì tôm, nước, sữa, trứng, đồ hộp... để hỗ trợ cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, số nhu yếu phẩm này cũng dùng để cung cấp cho người dân trú bão tại các điểm tập trung. |
Công tác hậu cần, dọn dẹp các điểm trường học, hội trường... kiên cố để làm nơi tránh trú bão cho khoảng 100 nghìn người dân Đà Nẵng được các tình nguyện viên cùng lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thành từ sớm để người dân có đầy đủ tiện nghi trong thời gian trú bão. |
Là khu vực có nhiều nhà liền kề cấp 4 không kiên cố, nhiều năm qua, Đoàn phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) duy trì đội tình nguyện hỗ trợ công tác di dân tránh bão. "Trong ngày 26/9, Đoàn phường đã hoàn tất công tác hỗ trợ các hộ khó khăn chèn chống nhà cửa. Đến khoảng 18h tối 27/9, lực lượng phản ứng nhanh cũng cùng địa phương hỗ trợ người dân về các điểm trú bão an toàn, đảm bảo không xảy ra thiệt hại đáng tiếc do bão Noru", anh Nhớ cho hay. |
Trước đó, sáng 26/9, Thành Đoàn Đà Nẵng đã chỉ đạo 56 xã, phường thành lập Đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng, chống bão Noru. “Sau bão, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn sẽ dồn toàn lực để hỗ trợ các địa phương, lực lượng chức năng và người dân khắc phục hậu quả của bão”, anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, nói. |