“Áo mới” bên sông Hồng

TP - Những bãi rác bốc mùi hôi thối, hàng nghìn căn nhà tạm sập xệ ngoài bãi sông Hồng thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… của Hà Nội có lẽ không lâu nữa sẽ được thay da đổi thịt. Đề xuất điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố vừa được thông qua.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết: Từ ngày có Luật đê điều đến giờ, Hà Nội chưa di dời được hộ dân nào ở trong những khu vực phải di dời. Thành phố gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất do mật độ dân cư ở ngoài bãi sông rất lớn. Nếu triển khai di dời sẽ gây xáo trộn xã hội không nhỏ. 

Hiện nay Hà Nội trình lên phương án chỉ hơn 2.200 hộ phải di dời. Đây rõ ràng là một con số chênh lệch khổng lồ so với quyết định trước đây là di dời khoảng 19 000 hộ dân. Hà Nội đưa ra phương án bảo vệ là làm một con đường ở bãi sông đi kèm nhiều biện pháp khác. Trên cơ sở các đê bao, đê bối cũ được tôn lên, nối liền tuyến tạo thành một đường bao nối lại với nhau để vừa phát triển giao thông, vừa đảm bảo cuộc sống cho khu dân cư ngoài bãi sông. 

Thực tế, nhiều năm qua Hà Nội khá loay hoay với quy hoạch ngoài đê sông Hồng. Bởi đây là khu vực nằm trong hành lang thoát lũ hết sức quan trọng và phải được sự chấp thuận của nhiều bộ ngành. Đã có nhiều dự án quy hoạch được triển khai như Quy hoạch Thành phố sông Hồng và rất nhiều chương trình nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan trong và ngoài nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch thoát lũ chi tiết đoạn qua Hà Nội là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và cũng đã đạt được những điều kiện chín muồi. Sự phát triển của công nghệ thiết kế, xây dựng công trình, vật liệu cho phép triển khai việc phòng chống lũ linh hoạt và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, cũng theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch được thông qua, thành phố cần phải có những mô hình thí điểm về thiết kế công trình, xây dựng ngoài đê để người dân học tập, rút kinh nghiệm.

“Quy hoạch hai bên sông Hồng đang cần sự quan tâm, quyết liệt hơn nữa. Đây là sẽ bước đột phá trong phát triển đô thị của Hà Nội”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG