Cơn mưa rừng dai dẳng suốt ngày đến giữa đêm thì tạnh. Cái lạnh cắt da của miền cao nguyên thấm sâu vào da thịt của hàng trăm con người tại hiện trường hầm thủy điện bị sập nhưng không khí làm việc vẫn cấp tập, máy móc hoạt động suốt đêm.
Xe chỉ huy của tỉnh Lâm Đồng liên tục ra vào hầm để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Chuẩn bị đưa bình oxy vào hầm cho các nạn nhân.
Dù việc truyền thức ăn, nước uống vào cho các nạn nhân gặp nhiều khó khăn nhưng những người cứu hộ vẫn miệt mài, cần mẫn, tỉ mỉ. "Anh em an toàn hết, chúng tôi quên hết mệt nhọc", nam công nhân tham gia ứng cứu cho biết.
Mỗi người phụ trách một khâu như điện, khoan, kè hầm... song ai cũng bày tỏ sự quyết tâm dù đã qua ngày mới.
Bơm nước trong hầm ra ngoài để tạo điều kiện khoan ống vào thoát nước từ khu vực 12 công nhân.
Mọi công đoạn được chỉ đạo khẩn trương, song ban chỉ huy cứu hộ cũng yêu cầu mọi người cần thận trọng, đặt vấn đề an toàn lên trên hết.
Chuẩn bị chắn kè để cho lực lượng công binh sáng sớm nay tiếp cận hiện trường, đào hầm giải thoát các nạn nhân.
Trời lại mưa, lạnh buốt. Các công nhân liên tục thay nhau khơi mương thoát nước từ trong hầm.
Công nhân công ty Sông Đà 505 chuẩn bị ván để chắn hầm trong hôm nay.
Sáng sớm nay, nhận được lệnh của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lực lượng kiểm lâm đã huy động 20 cán bộ chặt hàng trăm cây thông để làm cột chống hầm, phục vụ công tác đào hầm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt có mặt trong đêm chỉ đạo công tác đưa nước uống, thức ăn vào cho các nạn nhân sau khi xác định 12 công nhân vẫn còn sống.