'Anh' già làng có đôi tay vàng

'Anh' già làng có đôi tay vàng
TP - Hơn 45 tuổi, Briu Ngà (thôn A Liêng, xã Tinh) trở thành già làng trẻ nhất của huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam. Không chỉ có thế, anh già làng này còn là nghệ nhân dân gian, người xây ngôi nhà mồ đẹp nhất huyện, được Bảo tàng Dân tộc học đặt hàng.

Anh già làng còn đang ấp ủ kế hoạch làm nhà gươl to lớn nhất cả tỉnh cho bà con thôn bản.

'Anh' già làng có đôi tay vàng ảnh 1
Già làng Briu Ngà bên ngôi nhà mồ. Ảnh: Nguyễn Huy

Trời cho bàn tay vàng...

Thân hình chắc nịch, xăm ba chữ Tài - Trí - Dũng ẩn hiện sau lớp lông ngực, cùng bộ râu Cô - dắc trên khuôn mặt, giọng nói hào sảng, trông anh già làng Briu Ngà chẳng khác nào con mãnh thú giữa chốn rừng núi Đông Giang.

Tàn cuộc rượu, già làng dẫn chúng tôi đến với ngôi nhà mồ đẹp nhất cách nhà chưa đầy cây số được anh xây dựng từ khi mới hơn 20 tuổi. Không chỉ là linh hồn của bà con thôn bản, già làng Briu Ngà còn được coi là từ điển sống về lịch sử, văn hóa của cộng đồng Cơ-tu.

“Đối với đàn ông Cơ-tu, một trong những việc quan trọng nhất là làm nhà mồ cho bố vợ. Nhà mồ càng đẹp, vai trò vị trí của họ càng lớn, càng có uy tín. Với tôi nó chính là ping a chua (ngôi nhà mồ đẹp nhất)” - giọng Briu Ngà đầy vẻ tự hào.

Dù đã nhiều lần tìm hiểu, và đã đi khắp các huyện miền núi của Quảng Nam, chưa bao giờ chúng tôi lại được chứng kiến ngôi nhà mồ đẹp như thế. Nhà mồ có đến 6 cột, 4 kèo, 4 đầu trâu hai bên, một hình rồng trên nóc được chạm khắc hoàn hảo, đặc biệt bên trong nhà mồ, tấm nhà múa (đông-pa-giắc) dù khá nhỏ nhưng chạm khắc tinh vi với nhiều chi tiết độc đáo: heo rừng, cá, cua, rắn, ngựa, hai bên là hai đầu trâu húc nhau.

Có cái thì đục nổi như phù điêu, có cái thì đục xuyên qua như chạm lộng. Hình rau dớn (một loại rau rừng, họ dương xỉ), người cưỡi ngựa, cưỡi rồng, người ngồi khóc. Ở giữa thì có chim Tring, bốn đầu đòn là hình người đánh trống đánh chiêng. Bốn cái trụ là hình bốn người ngồi dâng rượu, thuốc lào, cơm, trầu cau, chim Tring... cho hồn trong mộ.

Già làng Briu Ngà cho biết: “Theo phong tục của người Cơ-tu, làm nhà mồ không phải thích làm như thế nào cũng được. Muốn chạm khắc bao nhiêu đầu trâu, phải giết bấy nhiêu con trâu để cúng thần linh và mời dân làng đến chứng kiến mới được làm. Rồi tấm nhà múa nơi thể hiện sở thích của người đã khuất, khi sống họ thích ăn gì mình phải chạm khắc tất cả vào đó...”.

'Anh' già làng có đôi tay vàng ảnh 2Trước đây, người Cơ-tu làm nhà mồ nhiều lắm. Tôi từng nghe bố vợ mình kể đến những nhân vật làm nhà mồ đẹp, nhưng đến nay, nhà mồ đang ít dần vì để làm nó cần cả tài năng và kinh phí. Làm nhà mồ càng to thì phải giết trâu bò càng nhiều nên dân bản không có điều kiện.'Anh' già làng có đôi tay vàng ảnh 3 - Già làng Briu Ngà bộc bạch.

Việc làm nhà mồ vốn rất khó khăn và tốn kém. Năm 1989, ông Đinh Văn Đeng - bố vợ của Briu Ngà đến tuổi gần đất xa trời nên hay kể cho con rể nghe về những ngôi nhà mồ ông từng được thấy hồi nhỏ. Rồi ông dùng than vẽ nguệch ngoạc hình dáng trên đất. Chỉ có thế, chàng trai mới hơn 20 tuổi hồi đó đã bắt tay vào công việc làm nhà mồ tặng bố vợ dù không phải thợ mộc chuyên nghiệp.

Khó nhất vẫn là việc đục đẽo, chạm khắc. Để làm các kèo, cột đến hình đầu trâu, bò, Briu Ngà phải dùng thân gỗ lớn cỡ cả người ôm rồi miệt mài tự mày mò, tính toán. Hì hục hơn ba tháng trời mới tập kết được nguyên vật liệu hơn 5 mét khối gỗ. Bỏ thêm gần năm trời đục đẽo, dựng lắp... cuối cùng ngôi nhà mồ mới thành hình hài trước mắt.

“Không ngờ tôi lại làm chuẩn đến thế. Mình chỉ biết qua về kích thước chuẩn của nhà mồ qua lời kể: dài 2m, rộng 1,8m, cao 2m nhưng rồi mọi cái trở nên hoàn hảo. Bố vợ vỗ đùi đen đét khen đẹp, có nhắm mắt cũng yên tâm cái bụng.

Rồi bố vợ giao quyền cho tôi được quyết định mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ dựng vợ gả chồng đến làm nhà cho các cô em gái của vợ. Đó là một vinh dự lớn dành riêng cho những ai làm nhà mồ được bố vợ ưng ý” - Giọng già làng hào sảng.

'Anh' già làng có đôi tay vàng ảnh 4
Nhà mồ đẹp nhất huyện do chính già làng Briu Ngà làm

Để trở thành nghệ nhân...

Chuyện Briu Ngà làm ngôi nhà mồ đẹp nhất huyện đã nhanh chóng nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới. Không ít người lân la đến học hỏi, già làng Briu Ngà sẵn sàng bày vẽ. Tuy nhiên, từ đó đến nay kiếm khắp huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang... chưa thấy ngôi nhà mồ nào đẹp ngang với nhà mồ của bố vợ Briu Ngà.

“Trước đây, người Cơ-tu làm nhà mồ nhiều lắm. Tôi từng nghe bố vợ mình kể đến những nhân vật làm nhà mồ đẹp, nhưng đến nay, nhà mồ đang ít dần vì để làm nó cần cả tài năng và kinh phí. Làm nhà mồ càng to thì phải giết trâu bò càng nhiều nên dân bản không có điều kiện” - Già làng Briu Ngà bộc bạch.

Năm 2008, Viện Bảo tàng Dân tộc học vào tận nơi thăm thú rồi “đặt hàng” cho Briu Ngà làm ngôi nhà mồ đem ra trưng bày tại bảo tàng. Già làng kể lại bằng niềm tự hào “Tôi phải làm gần năm trời, tất cả kiểu dáng, gỗ đều phải bảo đảm nguyên mẫu. Làm nhà mồ người Cơ-tu để đem giới thiệu với người dân cả nước đó là một vinh dự lớn. Nên tôi tranh thủ làm ngày đêm, chạm khắc tinh vi và hoàn hảo nhất. Dịp triển lãm tại Viện Bảo tàng Dân tộc học cũng là thời điểm, tôi vinh dự được phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian”.

Chưa hết, già làng Briu Ngà đang ấp ủ dự định làm ngôi nhà gươl to nhất huyện, tỉnh. Bản mẫu do già làng tự thiết kế, ngôi nhà gươl cao đến 12m, rộng 7m, gồm 24 trụ... “Tôi đã học hỏi, nghiên cứu trước khi làm rất nhiều. Ngôi nhà gươl tuân theo phong tục của người Cơ-tu nhưng sẽ to hơn, được chạm khắc tinh vi hơn. Nhà gươl muốn chạm gì cũng được không bị cấm kị như một số hình chạm khắc tại nhà mồ” - Già làng Briu Ngà cho biết.

Hiện khối lượng gỗ, các vật dựng cần thiết đã được tập kết đầy đủ, tuy nhiên theo Briu Ngà: Việc làm nhà gươl tạm thời bị hoãn vì trong làng mới có người chết. Theo quan niệm của người Cơ-tu phải một năm sau khi có người trong làng mất mới có thể làm nhà gươl được.

Và giữ bình yên cho thôn bản

Thở khói thuốc phì phèo trên bộ râu Cô-dắc, giọng Briu Ngà hào sảng, thể hiện uy lực của một già làng thứ thiệt: “Mình còn trẻ nhưng người dân thôn bản tin yêu và bầu chọn nên mình phải làm sao để xây dựng cuộc sống, phát triển thôn bản mình”. Các công việc từ ma chay, cưới hỏi, xử lý các vụ việc gây mất trật tự trên địa bàn đều một tay Briu Ngà đứng ra giải quyết.

“Già làng rất có uy tín với người dân chúng tôi. Có việc gì ai cũng tìm đến với già làng, Briu Ngà giải quyết rất hợp lý và được mọi người nghe theo. Thôn bản mình nhiều người già hơn Briu Ngà nhiều nhưng nếu không có uy tín thì dân sẽ không bầu”.

Theo Trưởng thôn A Liêng - A Lăng Chưa: “Hơn một năm kể từ khi Briu Ngà được bầu làm già làng đến nay, tình hình xã hội, an ninh trật tự, đời sống của bà con thôn bản tiến bộ hơn rất nhiều. Già làng còn trẻ nên cách nhìn nhận cũng mới, sinh động hơn. Đặc biệt, già làng giải quyết hàng chục vụ gây lộn, hòa giải ly hôn, xích mích gia đình nên cuộc sống thôn bản ổn định hơn nhiều”.

MỚI - NÓNG