'Andersen' của Israel và cuốn truyện đầu tiên được dịch sang tiếng Việt

'Andersen' của Israel và cuốn truyện đầu tiên được dịch sang tiếng Việt
TP - Với khiếu kể chuyện và thích nghe kể chuyện từ bé, Uri Orlev đã đi vào sự nghiệp văn chương một cách tình cờ và không ngờ lại đoạt giải thưởng danh giá Hans Christian Andersen (Đan Mạch).
'Andersen' của Israel và cuốn truyện đầu tiên được dịch sang tiếng Việt ảnh 1
Nhà văn (bên trái) và người vẽ minh họa Albert Huỳnh tại cuộc trò chuyện trực tuyến ở đầu cầu Jerusalem, Israel

Cuốn sách Bà già và đôi kim đan kì diệu của ông đã được dịch ra 11 thứ tiếng và lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt.

Chiều 20/8, lễ khai trương cuốn sách Bà già và đôi kim đan kì diệu do Nhà xuất bản Kim Đồng đã được thực hiện... qua mạng. Sự kiện này có lẽ sẽ đi vào lịch sử của nhà xuất bản bởi hình thức khá mới mẻ và hiện đại này.

Tại Jerusalem, Israel, nhà văn Uri Orlev đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở với các phóng viên Việt Nam (tại Đại sứ quán Israel tại Hà Nội) về con đường văn chương của mình cũng như ý tưởng hình thành câu chuyện Bà già và đôi kim đan kì diệu (tên tiếng Anh là Granny Knits).

Cuốn sách được đánh giá là vui nhộn, gợi trí tưởng tượng tươi mới của trẻ em. Đó là câu chuyện kể về một bà già nhân hậu đi ra ngoài thành phố nhưng không mang theo một món đồ gì, ngoại trừ cuộn len và đôi kim đan trong túi.

Bà đan một đôi giày, một chiếc giường, một ấm đun nước, một ngôi nhà và sau cùng là đan một cháu trai và một cháu gái. Đến tuổi lũ trẻ đến trường, bà gặp phải vấn đề là thành phố không chấp nhận những đứa trẻ bằng len.

Bà đề nghị Thị trưởng giải quyết vấn đề này và thế là ngôi nhà len cùng những đứa cháu len của bà trở nên nổi tiếng khắp đất nước. Rất nhiều khách du lịch đổ đến chiêm ngưỡng tài nghệ của bà. Nhưng còn hai đứa cháu của bà có được đến trường không đây?

Về cách kết thúc như vậy, nhà văn Uri tâm sự: “Tôi đã từng tới một trường tiểu học và kể chuyện này cho các em lớp 1,2 nghe với hai cái kết khác nhau. Chúng đã chọn kết cục là tháo tung cuộn len ra và đan lại.

Chúng bảo thế vui hơn. Điều vui mừng là trẻ em ngày nay được tiếp xúc nhiều với phim ảnh, truyền hình, nhưng chúng vẫn yêu thích những câu  chuyện cổ tích như thế”.

Mặc dù  có nhiều nhận xét khác nhau về cuốn sách, nhưng với nhà văn Uri, nó lại rất có ý nghĩa với bản thân ông. Đó là nói lên được nạn phân biệt chủng tộc đối với người Do Thái mà chính anh em ông là nạn nhân. Sợi len chính là biểu tượng của sự liên kết lại, đoàn kết lại.

Nhà văn Uri Orlev, sinh năm 1931 tại Vacsava, Ba Lan. Ông sống trong trại tập trung của người Do Thái trong những năm đầu của thế chiến thứ hai.

Cha ông bị bắt và chỉ được gặp lại ông vào năm 1954 tại Israel, còn mẹ ông bị phát xít Đức giết hại.

Sau khi trốn thoát khỏi trại và được một gia đình người Ba Lan cưu mang, ông và em trai được chuyển đến trại tập trung Bergen- Belsen.

Hai năm sau, hai anh em ông được giải thoát và di cư tới Israel.

Orlev đã xuất bản 29 cuốn sách cho trẻ em và một số tiểu thuyết giả tưởng dành cho người lớn. Sách của ông được dịch ra 38 thứ tiếng.

Orlev đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, trong đó đáng chú ý có:

Giải thưởng Hans Christian Andersen dành cho tác giả xuất sắc nhất (Đan Mạch, 1996)

Ông cũng cho biết một sự thú vị là một nhóm trẻ da đen ở một trường học ở Etopia đã không còn bị phân biệt đối xử nữa khi lũ trẻ ở đây được nghe câu chuyện của ông.

Và ông khẳng định, đây có thể là truyện dành cho lứa tuổi 5-8, nhưng cũng có thể phù hợp cho cụ già... 81. Vì với trẻ em, có thể coi đó là câu chuyện cổ tích, còn người lớn thì suy ngẫm về sự phân biệt chủng tộc.

“Tôi đã viết nhiều cuốn sách và chúng được dịch ra 38 thứ tiếng. Tuy không phải cuốn sách nào cũng mang theo những ám ảnh tuổi thơ, nhưng rõ ràng tuổi thơ là thời kỳ mang những dấu ấn khó phai”, nhà văn Uri thừa nhận.

Trước câu hỏi về con đường đến với văn chương của ông, nhà văn cho biết: “Tôi sinh ra đã thích kể chuyện và có khiếu kể chuyện. Tôi rất thích nghe bà tôi kể chuyện. Thế là đi vào con đường viết lách và trở thành nhà văn. Khi còn nhỏ đọc rất nhiều truyện thiếu nhi và có ảnh hưởng của các nhà viết truyện thiếu nhi, trong đó có Andersen”.

Gợi nhắc đến đại văn hào Andersen, ông kể lại câu chuyện vui về giải thưởng Hans Christian Andersen (Đan Mạch) mà ông được trao năm 1996: “Khi được đề cử giải thưởng này, tôi đang có mặt tại Copenhagen, Đan Mạch. Lúc đó, tôi đang đứng ở bức tượng của Andersen và biết ông là người hiểu tiếng Hebrew. Thế là tôi ghé tai thì thầm vào bức tượng rằng: Ông giúp tôi làm sao có thể đoạt giải thưởng. Và đúng thật, tôi đã đoạt giải thưởng Chris  Andersen năm 1996. Tôi thấy như là chính ông đã trao giải thưởng của ông cho tôi”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, nhà văn Uri Orlev đã bày tỏ niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ được tới thăm Việt Nam. Ông nói: “Tôi và vợ tôi rất mong muốn có dịp nào đó tới Việt Nam”.

Albert Huỳnh sinh ra ở Việt Nam, lớn lên tại Pháp. Cách đây 3 năm, anh được chị gái, Sabine Huỳnh ngỏ ý mời vẽ minh họa cho cuốn sách mà chị đang dịch.

Anh thấy cuốn sách hay và đây là món quà dành cho Uri, người bạn thân của anh. Ngoài ra, Albert cũng đã minh họa cuốn sách này trong bản dịch sang tiếng Pháp.

Bà già trong truyện được minh họa rất giống bà già Việt Nam với búi tóc củ hành. Albert bảo chính người bà của mình là hình mẫu cho nhân vật.

Hiện nay Albert là họa sỹ và giảng viên trường kiến trúc ở Israel.

MỚI - NÓNG
Phát huy sức trẻ Hà Nam trong khởi nghiệp, lập nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Phát huy sức trẻ Hà Nam trong khởi nghiệp, lập nghiệp và xây dựng nông thôn mới
TPO - Sáng 3/7, trong khuôn khổ phiên làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đã diễn ra 3 diễn đàn thảo luận về các chủ đề: Tôi yêu Tổ quốc tôi; Thanh niên Hà Nam khởi nghiệp, lập nghiệp và chuyển đổi số; Công tác xây dựng tổ chức Hội LHTN Việt Nam vững mạnh và đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Người dân Hà Nội đưa trẻ đi làm Căn cước công dân mới
Người dân Hà Nội đưa trẻ đi làm Căn cước công dân mới
TPO - Trong 2 ngày đầu tháng 7/2024, nhiều người dân tại Hà Nội đã có mặt từ sớm tại trụ sở Công an quận để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân cho con, việc đổi sang căn cước mới nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho trẻ em, giảm thủ tục hành chính, không phải mang theo nhiều giấy tờ.