Ẩn ý sau chuyến thăm Trân Châu cảng của Thủ tướng Nhật

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt hoa tại Đài tưởng niệm quốc gia ở Honolulu, Hawaii hôm 26/12. Ảnh: NBC News.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt hoa tại Đài tưởng niệm quốc gia ở Honolulu, Hawaii hôm 26/12. Ảnh: NBC News.
TP - Để lại sau lưng nỗi oán giận từ 75 năm trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng đến thăm di tích lịch sử ở nơi từng hứng chịu vụ tấn công bất ngờ của quân đội Nhật Bản, để củng cố điều được gọi là “sức mạnh của sự hòa giải”.

Dù một số lãnh đạo Nhật Bản từng thăm Trân Châu cảng, nhưng ông Abe là người đầu tiên đến thăm đài tưởng niệm nằm trên vùng nước nông nơi con tàu USS Arizona bị đắm và nay vẫn nằm đó.

Đối với ông Obama, đây có thể là lần cuối cùng ông gặp một nhà lãnh đạo nước ngoài khi vẫn còn là tổng thống Mỹ. Gần 8 năm trước, người tiền nhiệm của ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Obama tiếp đón tại Nhà Trắng. Đối với ông Abe, chuyến thăm lần này cũng mang ý nghĩa đáp lễ, vì 6 tháng trước, ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố Hiroshima, nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử. “Chuyến thăm này và chuyến thăm của Tổng thống đến Hiroshima đầu năm nay là điều không thể cách đây 8 năm”, ông Daniel Kritenbrink, cố vấn cấp cao của ông Obama tại Nhà Trắng, nói. “Chúng ta ở đây hôm nay là kết quả của nhiều năm nỗ lực ở tất cả các cấp của chính phủ và xã hội, để chúng ta cùng nhau xử lý những khía cạnh nhạy cảm nhất trong lịch sử chung của hai nước”, ông Kritenbrink nói.

Hơn 2.300 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương ngày 7/12/1941, khi bị hơn 300 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom của Nhật Bản tấn công bất ngờ. Cuộc tấn công được Nhật Bản bí mật chuẩn bị trong nhiều tháng nhưng kết thúc chỉ sau 2 giờ. Mỹ mất 21 tàu chiến và 328 máy bay. Hàng trăm thủy thủ chết đuối khi tàu USS Oklahoma va vào cầu tàu và khiến họ bị mắc kẹt. Những năm sau đó, Mỹ đưa gần 120.000 người Mỹ gốc Nhật vào các trại giam trước khi thả 2 quả bom nguyên tử năm 1945, khiến khoảng 140.000 người ở Hiroshima và 70.000 người ở Nagasaki thiệt mạng. Trước vụ tấn công, phong trào “Mỹ trước tiên” ở Mỹ (nay trở thành khẩu hiệu được ông Donald Trump hồi sinh) cũng được nhiều cử tri ủng hộ để tránh xa tình trạng rối ren ở châu Âu. Nhưng sau sự kiện Trân Châu cảng, Quốc hội Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản. Ba ngày sau, đồng minh của Nhật ở Đức quốc xã cũng tuyên chiến với Mỹ.

“Nhớ Trân Châu cảng” là cụm từ từng được sử dụng để khơi lại sự thù hận của người Mỹ với Nhật Bản. “Người dân Nhật Bản và Mỹ đã bị đặt vào tình huống thù ghét nhau”, ông Abe nói. “Tôi hy vọng hình ảnh Tổng thống Obama và tôi cùng thăm Trân Châu cảng sẽ khiến cụm tù “Nhớ Trân Châu cảng” trở thành biểu tượng của sự hòa giải”, Thủ tướng Nhật Bản gửi gắm.

Nhưng ông Abe không xin lỗi ở Trân Châu cảng, như chính phủ Nhật thông báo từ trước. Ông Obama cũng không xin lỗi ở Hiroshima khi thăm thành phố này hồi tháng 5. Cụ Alfred Rodrigues, 96 tuổi, cựu lính Hải quân Mỹ sống sót sau vụ mà Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt gọi là “ngày sống mãi trong ô nhục”, nói rằng không cần lời xin lỗi. “Chiến tranh là chiến tranh”, cụ Rodrigues nói và nhìn lại những bức ảnh cũ mà cụ chụp hồi còn trong quân ngũ. “Họ làm điều họ phải làm, và chúng tôi làm điều chúng tôi phải làm”, cụ nói.

Sau cuộc gặp chính thức trong buổi sáng, ông Obama và ông Abe đến đặt vòng hoa trên đài tưởng niệm tàu USS Arizona, nơi chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Cả hai cùng thăm căn cứ chung Pearl Harbor-Hickam và cùng phát biểu ở đó.

Hàm ý cho tương lai

Từ khi chiến tranh kết thúc, Mỹ và Nhật Bản xây dựng quan hệ đồng minh mà cả hai bên cho là đã phát triển mạnh mẽ trong hai nhiệm kỳ của ông Obama. Nhưng còn có nhiều câu hỏi về việc quan hệ này sẽ như thế nào sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, giới quan sát nhận định.

Trong lúc vận động tranh cử, ông Trump nói rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân để Mỹ không còn phải chịu gánh nặng chi phí bảo vệ họ, khiến các nước châu Á không khỏi lo lắng. Sau khi ông Trump thắng cử, Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp tổng thống đắc cử Mỹ tại Tháp Trump.

Trong khi Nhật Bản đang gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, chuyến thăm Trân Châu cảng của Thủ tướng Abe được coi là sẽ trở thành cơ hội để ông chính thức hóa vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản. Sự lãnh đạo của ông Abe được đánh giá là sẽ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các năm tới. Theo giới quan sát, chuyến thăm lần này cũng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Tokyo sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu. Khi bước vào Nhà Trắng trong tháng tới, ông Trump sẽ thấy một đồng minh châu Á sẵn sàng chủ động trong việc đưa chính sách xoay trục sang châu Á của Washington vĩ đại trở lại.

Trung Quốc chỉ trích chuyến thăm Trân Châu cảng của ông Abe là cố gắng không chân thành nhằm thoát khỏi sự hung hăng thời chiến. “Cố giải quyết lịch sử của Thế chiến 2 bằng chuyến thăm Trân Châu cảng và an ủi người chết chỉ là suy nghĩ viển vông từ phía Nhật”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ. 

MỚI - NÓNG