Đáng chú ý, với khoảng 90% số HCV giành được tại các môn thể thao thuộc hệ thống thi đấu Olympic, Thể thao Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, cũng có một số môn Olympic như bắn súng, bắn cung, Taekwondo thi đấu chưa thành công như mong muốn.
Rực rỡ điền kinh
Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đặt chỉ tiêu 10 – 12 HCV, ngang bằng số HCV của đội điền kinh Thái Lan, vốn giữ vị thế số một ở Đông Nam Á từ 16 năm qua.
Kết thúc Đại hội năm nay, điền kinh Việt Nam giành tới 17 HCV, gần gấp đôi số lượng HCV của điền kinh Thái Lan (9 chiếc). Đặc biệt, các nữ VĐV điền kinh Việt Nam đã chiếm tất cả các HCV ở các cự ly chạy danh giá nhất là 100m, 200m và 4x100m nữ, trong đó ở cự li 4x100m, đội nữ Việt Nam lần đầu tiên đoạt HCV, phá kỷ lục SEA Games mà đội nữ Thái Lan thiết lập tại SEA Games 2013 tại Myanmar.
Vận động viên xuất sắc nhất – Nguyễn Thị Ánh Viên
Kình ngư người Cần Thơ đã giành tổng cộng 8 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ tại SEA Games 29, phá 4 kỷ lục SEA Games. Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV giành nhiều HCV nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam, có lẽ cũng là VĐV giành được nhiều HCV nhất tại SEA Games 29.
Phát hiện tuyệt vời nhất – Lê Tú Chinh
Trước SEA Gmames 29, rất ít người biết đến cô gái 20 tuổi này. Nhưng lần đầu tham dự SEA Games, Lê Tú Chinh là một trong những cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất. Lê Tú Chinh đã lập hat-trick HCV ở ba nội dung danh giá nhất của điền kinh, đó là chạy 100 m (11”56), chạy 200 m (23”32) và chạy tiếp sức 4x100 m nữ (43”88, kỷ lục SEA Games cũ là 44”).
Giành HCV theo cách đáng kinh ngạc nhất – Trịnh Văn Vinh
Từ trước đến nay, ít thấy VĐV cử tạ nào tăng mức tạ lần cử sau lên 5kg so với lần cử trước. Nhưng ở chung kết cử tạ hạng cân 62kg, sau khi nâng được 162kg ở phần thi cử đẩy, Trịnh Văn Vinh nâng mức tạ thêm 10kg lên 172 và đã nâng thành công, mang lại cho cử tạ Việt Nam chiếc HCV thứ hai tại SEA Games 29, phá luôn kỷ lục của SEA Games với 1kg nhiều hơn kỷ lục cũ.
Chiều ngày 28/8, Trịnh Văn Vinh đua tài cùng Eko Yuli Iravan, VĐV cử tạ của Indonesia đã hai lần giành huy chương Olympic. Ở phần thi cử giật, Trịnh Văn Vinh nâng được 135kg, trong khi Eko Yuli Iravan nâng được 140kg. Sang phần thi cử đẩy, cả Trịnh Văn Vinh lẫn Eko Yuli Iravan đều nâng được 162kg trong lần nâng đầu tiên. Eko Yuli Iravan tiếp tục nâng được 166kg. Với tổng cử là 306kg, VĐV Indonesia đã lập kỷ lục mới của SEA Games, trong khi tổng cử của Trịnh Văn Vinh thời điểm đó chỉ là 297kg.
Để vượt qua Eko Yuli Iravan, Trịnh Văn Vinh phải đạt mức tổng cử là 307kg, tức là phải cử đẩy được 172kg, hơn 10kg so với mức tạ của lần cử trước. Trịnh Văn Vinh đã làm được điều không tưởng này.
Sự trở lại ấn tượng nhất – Nguyễn Thị Huyền
Suýt bị loại khỏi đội tuyển điền kinh Việt Nam dự SEA Games 29 vì sa sút phong độ, nhưng tại SEA Games 29 Nguyễn Thị Huyền cũng lập hat-trick HCV như Lê Tú Chinh, hơn cả thành tích đã giúp Huyền trở thành VĐV điền kinh nổi bật nhất của Việt Nam tại SEA Games 28, với 2 HCV.
Nguyễn Thị Huyền đã bảo vệ thành công HCV chạy 400 m rào nữ với thời gian 56”06, đây là thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Huyền ở nội dung này, vượt qua kỷ lục SEA Games 56’’15 do chính cô lập nên tại SEA Games 28, Singapore 2015. Tiếp đó, Nguyễn Thị Huyền bảo vệ thành công HCV chạy 400m nữ (52”48”) và cùng các đồng đội Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc giành HCV chạy tiếp sức 4x400m nữ (3’33”40).
Thất bại đau đớn nhất – Hoàng Xuân Vinh
Không phải trận thua 0-3 của đội tuyển U22 Việt Nam trước đội U22 Thái Lan tại bán kết bóng đá nam, việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ giành được 1 HCB nội dung 10m súng ngắn hơi mới là thất bại đau đớn nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.
Tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh đã bước lên đỉnh vinh quang khi giành được HCV ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, tấm HCV đầu tiên của Thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội.
Cũng tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh giành HCB ở nội dung 50m súng ngắn. Nhưng tại SEA Games 29, Hoàng Xuân Vinh chỉ được HCB ở nội dung 10m súng ngắn hơi, đứng cuối cùng trong số 8 VĐV vào chung kết bắn súng ngắn cự ly 50m.