Âm thầm hiến tiểu cầu trong đêm
Ngày giữa tuần, tôi hẹn Lê Bá Huỳnh Đức (25 tuổi, quê Đắk Lắk) tại một quán cà phê giữa lòng thành phố Ban Mê. Đức có dáng người cao ráo, đủ “tiêu chuẩn” hiến tiểu cầu. So với hiến máu, hiến tiểu cầu cần điều kiện nghiêm ngặt, nam từ 60kg, sức khỏe tốt, ven lớn... nên ít người hiến được. Vì thế, những ca bệnh nguy kịch cần tiểu cầu gấp, Đức được mọi người ưu tiên nhờ vả. Mới đây, một ca sốt xuất huyết nặng, hôn mê sâu, nhà ở huyện Krông Ana (Đắk Lắk) may được Đức cho tiểu cầu kịp thời.
Lê Bá Huỳnh Đức hiến tiểu cầu |
Huỳnh Đức trong lần tham gia hoạt động thiện nguyện ở buôn vùng sâu |
“Khoảng 7 giờ tối, một ngày cuối tháng 11/2022, tôi đi làm về, anh Bình điều phối CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên gọi điện thông báo có ca cần tiểu cầu gấp. Tôi đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên làm thủ tục hiến. Hiến xong 23h30, lúc này trời mưa tầm tã. Trên đường về đèn xe bị hư, khi qua đoạn rẽ tôi phanh gấp nên bị té, cà đầu gối xuống đường, may chỉ bị xây xước nhẹ”, Đức kể.
Lần đầu hiến máu, Đức học lớp 12 tại Đắk Lắk. Sau lần đó, biết bản thân hiến được tiểu cầu, bước vào đại học, Đức tham gia câu lạc bộ máu sống của trường ĐH Y Dược Huế. Đức là Chủ nhiệm câu lạc bộ về máu thalassemia, có 30 thành viên điều phối tiểu cầu, máu cho khoa nhi, đảm bảo nguồn máu cho các bé bị tan máu bẩm sinh phải truyền định kỳ.
Với anh, những lần hiến máu mang nhiều cung bậc cảm xúc, có những lần trở thành kỷ niệm khó quên. Chẳng hạn, lần trực ở Bệnh viện Trung ương Huế. Hôm đó, vừa tan trực, khoảng 4h sáng, Đức chuẩn bị ra về, gặp ca tai nạn giao thông cần tiểu cầu gấp, Đức không suy nghĩ nhiều, qua làm thủ tục hiến, lúc này Đức đang học năm thứ 4 đại học. “Hiến xong tôi về kịp giờ đi học, tính ra 48 tiếng không được ngủ. Thời điểm đó, sinh viên tập trung thi nên ít tình nguyện viên hiến. Lần đó hiến mệt nhất”, Đức nói. Hay lần hiến tiểu cầu xong, được người nhà bệnh nhân tặng 1 lốc sữa để tẩm bổ sức khỏe có sức hiến tiếp. Đang vội công chuyện, chàng trai hồn nhiên ra về, nhưng đi nửa đường linh cảm mách bảo, anh dừng xe mở túi sữa, thấy phong bì 500.000 đồng. Chàng trai trẻ vội quay lại bệnh viện trả cho người nhà.
Trong năm 2020, Đức hiến tiểu cầu 20 lần. “Có lẽ nhìn mặt uy tín nên được các bác sĩ tin cậy”, anh hóm hỉnh. Năm 2020, Đức là sinh viên năm thứ 5, lúc này dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. Bệnh viện Trung ương Huế hạn chế người ngoài vào, chỉ ưu tiên sinh viên ngành Y vào hiến. “Thời điểm đó, nguồn máu dự trữ khan hiếm, bệnh nhân không thể chờ máu hay tiểu cầu. Tôi hiến tiểu cầu 2 tuần/lần. Đợt này, hơi phá sức, bởi vừa tham gia hỗ trợ chốt chống dịch của tỉnh, vừa học trực tuyến, việc chăm sóc sức khỏe bản thân cũng hạn chế, nhưng việc hiến tiểu cầu lúc đó rất ý nghĩa”, Huỳnh Đức bộc bạch.
“Hiến tiểu cầu 1 tháng/lần không sao, có trường hợp hiến liên tục 2 tuần/lần, và thường xuyên thức khuya, ăn uống không đầy đủ dễ bị suy tủy, vô sinh”, Đức chia sẻ. Cũng nhờ học ngành y nên chàng trai biết cách kiểm soát không để sức khỏe đi xuống.
Tính đến nay, chàng trai 25 tuổi, mang nhóm máu B+ đã 61 lần hiến tiểu cầu và máu. Lê Bá Huỳnh Đức đoạt giải Nhì gương mặt tiêu biểu của cuộc thi Hành trình sống đẹp do Trung ương hội Sinh viên Việt Nam trao tặng năm 2021.
Cứu người cũng là giúp mình
Huỳnh Đức chuẩn bị đèn học tặng các học sinh khó khăn |
Từ ngày có duyên với sứ mệnh này, Đức luôn đặt mình vào tình trạng sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Vào ngày có lịch hẹn phỏng vấn xin việc tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Đức bị trễ phỏng vấn 2 tiếng. “Vừa đến bệnh viện phỏng vấn, tôi nhận được bài đăng cần tiểu cầu gấp cho một ca nguy kịch đang cấp cứu tại bệnh viện này. Tôi liên lạc người nhà, họ rất lo lắng cần người hiến gấp. Tôi không suy nghĩ nhiều, đến làm thủ tục hiến luôn”. Hiện Huỳnh Đức đang làm việc tại một phòng khám nha khoa trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và học việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.
Đọc khá nhiều sách cổ học phương Đông, anh tin quan niệm luật nhân quả, mỗi hạt gieo xuống sớm muộn đều mang lại cho mình quả nào đó. Chàng bác sĩ nha khoa tâm niệm, cứu người cũng là giúp mình. Mỗi lần hiến xong máu hay tiểu cầu, anh xin hồi hướng sức khỏe về cho ba mẹ và người thân yêu. “Mọi người nghĩ hiến máu chỉ cứu người, nhưng tôi thấy là giúp bản thân mình. Mỗi lần hiến sẽ được tầm soát sức khỏe định kỳ thường xuyên, kiểm soát được các bệnh lây truyền qua máu”.
Hiện tại, Đức tham gia CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên. Ngoài hiến máu, anh tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện của CLB. Một tháng, các thành viên về các xã vùng sâu làm chương trình phát quà, quần áo, sách vở. CLB liên kết với một thầy giáo mở lớp học tình thương tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk dạy chữ cho các em nhỏ không có điều kiện được đi học. Trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, CLB có 4 tủ đông sữa mẹ. Ban ngày đi làm, buổi tối Đức tranh thủ thời gian rảnh lang thang khắp các tuyến phố, đến những địa chỉ quyên góp sữa mẹ gom về để tủ đông. Số sữa này được mang ủng hộ khoa nhi bệnh viện.
Bận công việc chuyên môn thì thôi, hễ có thời gian, anh lại miệt mài với thiện nguyện. Sống tại xã vùng xa huyện Krông Búk, anh chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của bà con nơi đây. Ngày đó, thỉnh thoảng Đức theo mẹ đi làm từ thiện. Từ những việc làm và suy nghĩ của mẹ đã ảnh hưởng tới anh. “Mẹ luôn nói với mọi người trong gia đình, sống phải giúp đời, giúp người, giúp hết sức có thể, giúp trong khả năng của mình”, Đức tiết lộ.
Anh Lê Văn Bình, điều phối viên CLB hiến máu khu vực Tây Nguyên cho biết, tình nguyện viên Lê Bá Huỳnh Đức tham gia nhiệt tình các phong trào thiện nguyện của CLB như: Trung thu cho em, Tủ sữa nhân ái, Áo ấm mùa đông... Đặc biệt trong các phong trào hiến máu và tiểu cầu, Huỳnh Đức là người nhanh nhất trong số tình nguyện viên của CLB. Chỉ sau 10 - 15 phút thông báo, Đức đã có mặt hoàn tất các thủ tục hiến tiểu cầu cho bệnh nhân. Giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đức đóng góp rất lớn nguồn tiểu cầu cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch.