Ăn Tết làng Đào

Vườn đào Nhật Tân ngày Tết
Vườn đào Nhật Tân ngày Tết
TP - Có một giấc mơ rất gần, chỉ cần ngồi yên một chỗ là đạt được.
Vườn đào Nhật Tân ngày Tết
Vườn đào Nhật Tân ngày Tết.

Giấc mơ ấy đeo đẳng suốt cuộc đời dài.

Mà cuối cùng giấc mơ đó thật đẹp, tuy vẫn chỉ là giấc mơ.

Cụ Là suốt đời công việc ở thủ đô. Chỗ làm của cụ Là cách mép nước Hồ Trả Gươm vài chục mét.

Một tuần sáu ngày, trừ phi có ngày lễ hay Tết ta, cụ Là đều đặn ở Sở. Có mười ngày phép, mấy ông cấp trên gương mẫu không nghỉ, cuối cùng chả ai dám nghỉ phép.

Ai được gặp cụ Là một lần thôi, không thể quên được. Cái đuôi mắt của cụ nói lên tất cả. Chân thành, tận tâm, nhỏ nhẹ, tươi tắn. Tu luyện cũng có, mà trời sinh chắc chắn cũng phải có.

Dung nhan Hà Nội mấy chục năm ấy không đổi thay, chỉ cũ kĩ đi một chút.

Những phố hàng sấu thẫm màu, cổ kính, nghiêm trang.

Những phố cây cơm nguội thu về xao xuyến.

Những phố lá bàng âm u suốt hè, bỗng tía đỏ đông về.

Những phố mơ rủ cánh phượng, chỉ chực nắng hè lên để đỏ hoa rạo rực lòng người.

Gợi nhớ thế chắc là đủ, đâu cần kể hết.

Cả thành phố tĩnh lặng.

Nếu số điện thoại cả khắp các tỉnh phía bắc chỉ có 4 chữ số, thì số lượng xe máy ở Hà nội chỉ dừng ở hai chữ số - chứ có lẽ chưa đến ba chữ số, và thường là những chú “Solex mù” rất “độc”. Ngược lại, xe đạp của bạn có số xe đàng hoàng, và là vẻ đẹp cùng niềm kiêu hãnh của mỗi chủ nhân. Chúng thường được lau chùi sáng bóng, dù có cũ kĩ. Nhiều khi bạn đạp xe mãi thấy mình vẫn chưa về đến nhà, chợt tỉnh ra là mình cứ vô tình đạp xe mãi theo xe người đẹp phía trước, áo phin nõn, quần lụa đen.

Cụ Là có một chiếc xe đạp sạch bong đến từng chiếc nan hoa.

Còi thành phố ủ lên, đài truyền thanh “tút, tút, tút, tút, tút...”, đúng năm tiếng, chuông đồng hồ đổ, rồi cả tiếng máy điện thoại cơ quan có đặt giờ réo lên, đó là bản hợp xướng nghỉ trưa chính ngọ. Ai có đồng hồ đeo tay đều tranh thủ chỉnh giờ, lên giây lại, khéo khoe tinh tế tài sản bé bỏng của mình. Cụ Là may mắn cũng có một chiếc đồng hồ đeo tay, tuy cũ kĩ nhưng vẫn bền bỉ chạy xuyên cuộc đời, phải cái mỗi ngày chậm mất dăm bảy phút.

Buổi trưa cơm nước ở cơ quan xong, cụ Là có thú vui lượn xe phố phường.

Cả thành phố là một không gian quen thuộc, nhưng luôn hào hứng, quyến rũ.

Nếu trời nắng chang chang, cụ Là chọn những tuyến phố nghẹt bóng cây. Còn trời mà mát, cụ Là tranh thủ lượn dọc các phố trần trụi, như khu ba mươi sáu phố phường, hay đường Tràng Tiền vui vẻ.

Bao nhiêu thứ để mà ngắm.

Còn lại thường thì sau một vòng phố phường, là tạt vào quán nước trà văn nghệ sĩ bất đắc dĩ, tha hồ chuyện. Chủ quán nước trà bao giờ cũng có sổ nợ ông nào uống trà chịu cuối tháng.

Cũng không quên mỗi tháng một lần cụ Là ghé qua cụ Tư cắt tóc. Cắt bằng tông-đơ. Có lần cụ Là đang cắt tóc dở thì còi báo động, cứ cái đầu đã bị cạo trắng hai phần ba mà đi vào nhờ hầm trú ẩn cơ quan cạnh đó. Bà con rúc rích cười ghê quá...

Vậy thì cụ Là nằm trong số những ai sành Hà thành quá rồi còn gì!

Còn mỗi cái chuyện thế này :

Cụ Là chưa bao giờ đón được Giao Thừa ở giữa Hà nội cả!

Nhà cụ Là rất đẹp, cả một vườn đào và các loại hoa khác, xa quá trên phía Quảng Bá, Nhật Tân, gần tới chợ Chèm.

Mỗi ngày đúng mười cây số lẻ một mét, cụ Là đạp xe từ nhà vào cơ quan làm việc, bất kể nắng mưa.

Cũng may là con đường này xưa tuyệt đẹp, mà vắng ngắt.

Bên trái là Sông Hồng đỏ tươi phù sa uốn khúc sau hàng tre ven đê.

Bên phải là làng quê, nhà nhà nối ra tới ruộng xanh bát ngát.

Đằng sau là bến Chèm với các con đò mỏng manh quả cảm.

Xuôi xe đến chỗ cây gạo cổ kính vĩ đại thì con đường sẽ bẻ gãy sang phải. Qua Nhật Tân, rồi thì đến rặng ổi Quảng Bá ken chặt như trong mơ…. Dừng xe đạp, với tay, là có ổi chín!

Cứ mải miết như thế, qua Nghi Tàm, rồi lúc nào không hay thì đến đầu dốc đường Cổ Ngư. Từ đây coi như là vào đến Hà thành. Xe điện chỉ chạy từ đây nhé, bến Yên Phụ, vào Cửa Nam.

Chỉ có vậy, mà phần lớn bà con trong làng cụ Là cũng chưa đi Hà Nội! Đã mấy người trong làng biết đi xe đạp, đừng nói đến có xe đạp như cụ Là.

Hết chiều làm việc, cụ Là lại dóng xe đạp rời Hà Nội về làng nhà.

Cụ Là đeo mang mãi một giấc mơ.

Làm sao để bản thân cụ, và tuyệt vời nữa, thì cùng với cả nhà, đón một cái Giao Thừa ở giữa lòng Hà Nội, ngay chỗ cụ vẫn đi làm hàng ngày…

Năm này hẹn năm sau.

Có năm bận việc cơ quan, chiều ba mươi Tết cụ Là vẫn còn ở Hồ Trả Gươm, đã nghe đì đẹt tiếng pháo thèm khát không nhịn được của mấy cậu bé đang diện áo mới. Mùi khói pháo da diết làm sao…

Nhưng rồi thì lại lo bữa cơm chiều ba mươi Tết thiêng liêng quê nhà, là lúc đoàn tụ con cháu, dâng hương tổ tiên, sau cả một năm vất vả bận rộn…

Cụ Là hối hả đạp xe về làng nhà.

Lúc nào muốn đi Giao thừa Hà Nội, cả nhà làm sao mà đi bộ được mười cấy số lẻ một mét?

Xe điện thì phải ra đến tận Yên Phụ mới có. Đấy là khi may có điện.

Xe buýt Chèm - Hàng Vôi thì không chạy đêm.

Chả nhẽ đi một mình? Trong nhà, làng nước coi mình ra sao?

Mà có đèo bà nhà đi, bà ấy cũng nhất định không chịu ! Trông thấy cái xe đạp là hãi rồi. Vả ai lại bỏ con cháu đi chơi một mình bao giờ?

Cho nên cụ Là suốt đời ăn Tết làng Đào.

Sau này già quá rồi, mà nghe nói phố xá người xe như mắc cửi, thôi không dám đi, mà con cháu cũng chẳng cho đi.

Và mãi vẫn còn đó, một giấc mơ Giao Thừa giữa lòng Hà Nội, bên Hồ Trả Gươm, trong đôi mắt mờ bạc của cụ Là.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG