Ẩn số​ chất lượng, nguồn gốc đá lát vỉa hè Hà Nội: Chuyên gia địa chất 'bắt' lỗi

Công nhân thi công lát đá tại công trường ở phố Hòa Mã (Hai Bà Trưng)
Công nhân thi công lát đá tại công trường ở phố Hòa Mã (Hai Bà Trưng)
TP - Chuyên gia cao cấp về địa chất cho rằng, đá lát vỉa hè Hà Nội hiện nay gồm nhiều chủng loại khác nhau nhưng chủ yếu là đá vôi - loại đá có thể ngấm nước, dễ nứt vỡ. Ngoài ra, kích thước đá lát lớn nhưng mỏng, kỹ thuật thi công là một trong những bất cập lớn.  

Ðá vôi - không phù hợp lát vỉa hè

Theo lời mời của phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Dương Vân Phong, giảng viên bộ môn Trắc địa Cao cấp, Đại học Mỏ Địa chất cùng đi khảo sát tại một số tuyến phố như Hòa Mã, Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), Trần Khánh Dư, Tống Duy Tân… Quá trình thực tế, PGS.TS Dương Vân Phong cẩn thận lấy búa khảo sát từng viên đá vỡ rồi cho biết, toàn bộ các tuyến phố khảo sát đều được lát bằng đá vôi; chủ yếu phân bố ở vùng Thanh Hóa. “Đá vôi không đạt yêu cầu để lát vỉa hè vì không bền theo thời gian. Mưa, nắng sẽ làm cho đá vôi bị bở đi vì đá vôi ngậm nước, đá sẽ tan trong nước theo thời gian. Những viên đá được lát đã có các vết nứt sẵn nên rất dễ vỡ” - PGS.TS Dương Vân Phong nói.

Cuối buổi khảo sát, PGS.TS Dương Vân Phong cho hay: “Đá được chọn để lát vỉa hè tại các tuyến phố tại Hà Nội nhìn chung không đồng đều về chủng loại, chủ yếu là đá vôi, chưa đạt chất lượng để lát, bó vỉa hè. Đá lát vỉa hè Hà Nội tốt nhất là dùng đá Granite (phân bố nhiều ở các tỉnh từ Nghệ An trở vào hoặc có nhiều ở Yên Bái). Đá này có độ cứng cao, ít thấm nước, có thể lát ở các vị trí chịu xước, mài mòn… Hơn nữa, đá Granite dễ thi công hơn vì ít gãy, mẻ có độ bền về cơ học rất cao, ngay cả với các công trình chịu mưa, nắng”.

Cũng liên quan đến chủng loại đá, thông tin từ Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng cho hay, năm 2020, đá lát vỉa hè đã được chuyển từ đá vôi sang đá Marble. Theo cơ quan này, đá Marble có tính chất cơ lý tốt hơn nhóm đá vôi, giá rẻ hơn đá Granite. Theo PGS.TS Phong, đá Marble thực chất cũng là một dạng đá vôi.

Ẩn số​ chất lượng, nguồn gốc đá lát vỉa hè Hà Nội: Chuyên gia địa chất 'bắt' lỗi ảnh 1  PGS.TS Dương Vân Phong 

 “Nói chung, có 4 lỗi lớn trong quá trình thực hiện lát đá vỉa hè tại Hà Nội bao gồm: Chất lượng đá, kích thước viên đá lát; nền (base); hình thức không đẹp”, PGS.TS Dương Vân Phong đánh giá. Về kích thước, chuyên gia này cho rằng, trên thế giới, chưa có nước nào lát đá có kích thước dài hình chữ nhật như một số tuyến phố ở Hà Nội. “Phải chọn kích thước vuông là tốt nhất. Nếu muốn lát bằng đá này (đá vôi - PV) chỉ có hai cách là thiết kế dày hơn, kích thước phải bé đi (10x10cm hoặc 15x15cm), không để hình chữ nhật”, vị chuyên gia cho hay.

Theo quan sát và đánh giá của PGS. TS Dương Vân Phong, việc lát đá vỉa hè tại các tuyến phố hiện nay thể hiện sự cẩu thả, nền (base) làm không kỹ, cao thấp, lồi lõm không đều, hình thức không đẹp, khi bị vật nặng tác động vào (kể cả tải trọng tĩnh, động) dễ bị vỡ. “Lớp base lót phía dưới không được đầm kỹ, nên có hiện tượng chỗ bị lún, chỗ không lún. Bề mặt có thể nghiêng để tạo độ dốc nhưng phải phẳng, không thể để lồi lõm. Hè nhấp nhô, uốn lượn chứng tỏ lớp nền, đế không được đầm tốt hoặc có đầm nhưng không đạt yêu cầu. Trên vỉa hè chủ yếu là người đi bộ, nếu bị ô tô qua lại thì đá còn vỡ nát nhiều hơn nữa” - PGS.TS Dương Vân Phong nói.

Giấu tên đơn vị thi công, giám sát?

Một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực thẩm định chất lượng công trình xây dựng (đề nghị giấu tên) cho hay, trên thế giới, chưa nước nào lát đá bằng cách đổ bê tông phủ kín làm nền như Hà Nội đang làm. Bởi, khi đổ bê tông rồi lát đá phía trên sẽ làm mất đi một lượng nước mặt (nước mưa) bổ sung vào mạch nước ngầm cho thành phố. “Nước ngầm bị giảm, hạ thấp sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước, hình thành các lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình xung quanh” -chuyên gia này nói.

Theo vị chuyên gia này, chất lượng công trình phụ thuộc vào “5 chữ M” bao gồm: Men (con người); money (tiền - chi phí); material (vật liệu); machine (máy móc) và method (phương pháp). Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất, nếu tay nghề kém, chỉ là thợ nông nhàn, không phải là công nhân có trình độ làm sao có chất lượng tốt.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, Điều 109, Luật Xây dựng yêu cầu, đối với công trường xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng. Nội dung biển báo gồm: tên, quy mô công trình; ngày khởi công, ngày hoàn thành; tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng; bản vẽ phối cảnh công trình. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên, nhiều tuyến phố đang lát lại vỉa hè không có biển báo này. Rõ ràng với cách làm như vậy người dân không thể nắm được ai là chủ đầu tư, ai thi công để phản ánh, cộng đồng không thể giám sát được.

“Bộ Luật Xây dựng đã có yêu cầu rõ về năng lực của nhà thầu. Cụ thể ở đây là công việc lát đá có cần người có năng lực hay chỉ cần bà con nông dân ra lát là được?. Cần kiểm tra người lát xem có ai là công nhân có tay nghề không?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

“Ðá vôi không đạt yêu cầu để lát vỉa hè vì không bền theo thời gian. Mưa, nắng sẽ làm cho đá vôi bị bở đi vì đá vôi ngậm nước, đá sẽ tan trong nước theo thời gian. Những viên đá được lát đã có các vết nứt sẵn nên rất dễ vỡ”.   

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.