Ấn Độ gấp rút tăng cường hải quân đối phó Trung Quốc

Ấn Độ đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Ảnh: Getty Images
Ấn Độ đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Ảnh: Getty Images
TP - Ân Độ đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hải quân và dựa vào các nước khác để ngăn chặn hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Reuters đưa tin ngày 3/12.

Chỉ vài tháng sau một cuộc va chạm tại biên giới Ấn-Trung trên dãy Himalaya, các tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Sri Lanka, quốc đảo nằm ở bờ biển phía nam Ấn Độ. Ấn Độ đã phản ứng mạnh về ngoại giao với Sri Lanka về sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc, nhắc nhở rằng New Delhi cần phải được thông báo về một sự ghé thăm như vậy theo một hiệp định hàng hải đã ký kết năm nay.

Hiện nay, Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ với Maldives, một quốc đảo trên Ấn Độ Dương. Động thái của Trung Quốc phản ánh quyết tâm tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng biển này, nơi 4/5 lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua. Trong khi đó, tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp.

“Chúng ta nên lo lắng về sự xuống cấp của hạm đội tàu ngầm. Trước việc Trung Quốc đang đánh bật chúng ta trên dãy Himalaya, trên biển Đông và bây giờ là Ấn Độ Dương, chúng ta càng phải lo lắng nhiều hơn”, cựu Tư lệnh hải quân Ấn Độ Arun Prakash nói. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa ra lệnh đẩy nhanh việc đấu thầu chế tạo 6 tàu ngầm điện - diesel thông thường với chi phí 8,1 tỷ USD. Sáu tàu ngầm tương tự cũng đang được hãng DCNS của Pháp đóng tại cảng Mumbai, nhằm thay thế hạm đội gần 30 năm tuổi vừa xảy ra hàng loạt sự cố. 

Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự đóng (được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân) sẽ chạy thử vào tháng này và dự kiến gia nhập hạm đội vào cuối năm 2016. Ấn Độ thuê của Nga một tàu ngầm hạt nhân từ năm 2012 và đang đàm phán để thuê chiếc thứ hai. Chính phủ Ấn Độ trông cậy vào Larsen & Toubro (hãng đã đóng chiếc tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ) sẽ chế tạo thêm hai tàu ngầm hạt nhân. Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 13 tàu ngầm điện - diesel cũ, chỉ một nửa số đó có khả năng hoạt động vào bất cứ thời điểm nào nhờ đã được nâng cấp. Năm ngoái, một tàu ngầm chìm sau khi cháy nổ khi đang neo đậu tại Mumbai.

Ước tính, Trung Quốc có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm ba tàu trang bị vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đang xây dựng lực lượng hải quân với số lượng khoảng 150 chiến hạm, bao gồm hai tàu sân bay. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc có khoảng 800 tàu chiến.

Chuyên gia nghiên cứu chiến lược David Brewster thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định, Ấn Độ sẽ làm tất cả để khôi phục vị thế thống trị ở Ấn Độ Dương. Nước này có thể hợp tác hải quân với Nhật Bản và Úc, cũng như mở rộng căn cứ quân sự tại Andaman nằm sát eo biển Malacca. “Ấn Độ xem sự hiện diện của bất cứ tàu hải quân Trung Quốc nào tại đây như một sự xâm nhập. Sự hiện diện của chúng là một sự khiêu khích nghiêm trọng, rõ ràng cố ý gửi một thông điệp đến Ấn Độ. Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường này và duy trì cấp độ hiện diện đó tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ sẽ cảm thấy cần phải đáp trả”, ông Brewster nói.

Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), Thủ tướng Modi đang theo đuổi một học thuyết hàng hải khu vực liên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó chiến lược Chuỗi ngọc trai và tham vọng Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc. Những yếu tố then chốt trong “Học thuyết Modi” tập trung mạnh mẽ vào ảnh hưởng chính trị thông qua thúc đẩy sức mạnh biển. Tăng cường quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với Nhật, Úc, Mỹ, các nước ASEAN, Ấn Độ đang thể hiện mong muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong bàn cờ địa chính trị khu vực.

MỚI - NÓNG