An Chi - Học giả không có học hàm, học vị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người ta gọi An Chi là học giả bởi những kiến thức uyên bác, chuyên sâu mang tầm trí tuệ của một “Bách khoa toàn thư” nhưng ít ai biết, ông không có học hàm học vị gì. Bằng cấp cao nhất của ông là tấm bằng tốt nghiệp Trung học Sư phạm TƯ. Để có được những kiến thức sâu rộng, An Chi chỉ tự học.

Long đong thân phận “ông giáo bỏ nghề”

Học giả An Chi sinh năm 1935 tại Sài Gòn. Vào những năm 50 thế kỷ trước, tình hình chính trị tại Sài Gòn có nhiều biến động nên gia đình An Chi (vốn là cơ sở cách mạng) muốn ông được ra Bắc. Nhưng vì An Chi không có trong danh sách tập kết nên gia đình nhờ lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn viết thư tay gửi cho bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đang ở Hà Nội để gửi gắm. Ra tới Hà Nội, lại không gặp bác sỹ Phạm Ngọc Thạch để đưa thư tay, ông tình nguyện đăng ký tham gia lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Rồi ông theo học Trung cấp sư phạm TƯ, ra làm thầy giáo dạy cấp 2 ở Thái Bình.

An Chi - Học giả không có học hàm, học vị ảnh 1

Học giả An Chi Ảnh: Tư liệu

Thế nhưng, chỉ đứng chân trên bục giảng được vài năm, ông bỏ nghề, quay qua làm đủ thứ nghề như tạp vụ nhà ăn, thợ tiện…. rồi phụ trách thư viện. Theo lời An Chi kể, ông làm tất cả các công việc đó chỉ để có thời gian và cơ hội được đọc sách. Trong quá trình tìm tư liệu giảng dạy cho học sinh, ông đã bắt đầu nghiên cứu về ngữ pháp. Nhưng khi tìm hiểu khái niệm từ láy, An Chi thấy phải nhờ đến “từ nguyên” mới có thể giải quyết được. Vì tiếng Việt có những từ nước ngoài, mà đại đa số là gốc Hán nên An Chi đã tìm tới từ điển tiếng Hán để nghiên cứu rồi từ đó thì theo đuổi “nghiệp từ nguyên”. Một thời gian dài, ông nghiên cứu chỉ để tự giải đáp và làm thỏa mãn những câu hỏi của chính bản thân. Sau khi đất nước thống nhất trở về TPHCM, ông có thêm cơ hội để tiếp nhận nguồn tư liệu quý từ các bảo tàng, các kho lưu trữ tại phía Nam. Năm 1984, An Chi xin nghỉ hưu non chỉ để ở nhà đọc sách, tự trào là “ông giáo bỏ nghề”.

Một học giả uyên bác

Quả thật nếu không có tạp chí Kiến thức ngày nay thì có lẽ mãi mãi An Chi chỉ là một ông giáo bỏ nghề ham đọc sách. Nhà văn Phan Hoàng kể năm 1990, khi Hội Nhà văn TPHCM ra mắt tạp chí Kiến thức ngày nay, đã có một số người gửi bài cộng tác. Trong đó có một tác giả ký tên Huệ Thiên viết khá nhiều những bài khảo cứu, phân tích mang tính học thuật cao nhưng cũng dễ hiểu, đi sâu vào các vấn đề thường nhật được nhiều người quan tâm. Ban biên tập đã mời Huệ Thiên phụ trách chuyên mục “Chuyện Đông - Chuyện Tây” của tạp chí. Huệ Thiên chính là bút danh của An Chi. “An Chi đã trả lời hàng loạt câu hỏi của bạn đọc về những từ nguyên phổ cập, thiết thực với đời sống hằng ngày cho tới những thành ngữ, tục ngữ mang tính hàn lâm. Những câu trả lời của ông không chỉ được đông đảo bạn đọc chờ đón mà ngay cả giới nghiên cứu cũng quan tâm”, Phan Hoàng kể.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho biết, ngay từ những năm 1990 khi bắt đầu xuất hiện trên báo chí, tên tuổi An Chi đã nổi như cồn. Khi đọc bài của An Chi, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo ghi nhận: “Đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy trách nhiệm đối với khoa học”. Còn trong giới học thuật khi đó đã “kháo nhau”: “An Chi là ai mà có thể “đụng đến”, “cãi lại” nhiều vấn đề mà các “cây đa cây đề” xưa nay đã “chốt hạ” như đinh đóng cột?”. Lê Minh Quốc nói thêm: “Một bản lĩnh rất đáng ghi nhận ở tư duy làm khoa học của An Chi là “không có vùng cấm”, chính vì thế, ông đã mạnh dạn “lật ngược vấn đề” một cách ngoạn mục và rất bất ngờ. An Chi đã có cái nhìn khác, phân tích khác, giải thích khác các học giả tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim…mà ai cũng phải thừa nhận là rất khoa học, khó mà phản biện lại”.

Cũng từ những vấn đề mà An Chi nêu lên trên tạp chí đã tạo ra nhiều cuộc “bút chiến” nảy lửa giữa An Chi với một số nhà nghiên cứu, học giả có tiếng tăm. Tuy nhiên, ngoài bản lĩnh học thuật cùng kiến thức sâu rộng và những luận chứng cụ thể, các bài viết của ông luôn được trình bày khúc chiết, đơn giản và dễ hiểu. Vì thế các bài viết ấy được đông đảo người đọc, nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Trong các cuộc “bút chiến” đó, phần thắng thường đứng về phía An Chi.

Học giả An Chi từng chỉ ra một cách thuyết phục những chỗ sai trong Từ điển Truyện Kiều của giáo sư Đào Duy Anh và cả những điểm mà giáo sư Phan Ngọc sửa chữa “nâng cấp” không đúng về cuốn từ điển này. Ông cũng chỉ ra những chỗ sai trong các cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của giáo sư Nguyễn Lân; chứng minh rõ ràng về sự nhầm lẫn của giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết “tự nhiên” lý giải ngôn ngữ Truyện Kiều…

Học giả An Chi (tên thật là Võ Thiện Hoa, các bút hiệu khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ) từ trần tại TPHCM ngày 12/10/2022, hưởng thọ 88 tuổi. Các tác phẩm chính: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm; Chuyện Đông chuyện Tây (trọn bộ 7 tập); Câu chữ Truyện Kiều; Từ Thập nhị chi đến 12 con giáp; Từ nguyên; Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872; Rong chơi miền chữ nghĩa (trọn bộ 5 tập).

MỚI - NÓNG