Những căn phòng đổ nát trong dãy nhà 18 phòng, nơi có bệnh nhân phong sống lẻ loi tới hơn 30 năm. 4 năm trước, khi di dời trại phong đến nơi khác, một số bệnh nhân cũng đi theo. Nhưng hơn 10 bệnh nhân đã xin ở lại vì đã gắn bó với nơi này quá lâu, và cũng để thắp hương cho những người đã qua đời..
Trong số ít bệnh nhân còn ở lại cụ Khuất Thị Oanh, 70 tuổi, quê Phú Thọ. Cụ Oanh kể: "Một hôm khi đang nấu cơm tự dưng tôi thấy có cảm giác như có kiến bò ở trên mặt, sau hơ tay vào lửa thì không thấy nóng. Một thời gian sau tôi biết tôi bị bệnh. Tôi ở trại phong này gần nữa thế kỷ rồi, nên khi trại chuyển đi, tôi vẫn muốn ở lại cho đến lúc sang thế giới bên kia”.
Cụ Nguyễn Thị Sợi là một những người đầu tiên sống ở trại Đá Bạc, đến nay đã được gần 50 năm. Cụ tâm sự: "Khi trại chuyển đi, tôi buồn lắm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Nhưng cô đơn mãi rồi cũng quen. Chính Tôi là người xin ở lại vì ở đây lâu quá rồi, quen không khí, quen với những căn phòng này với bao nhiêu kỷ niệm“.
Khi trại chuyển đi, cuộc sống của những người ở lại như cụ Sợi thành tự cung tự cấp, rất khó khăn. Dần sau này một số nhóm từ thiện biết đến đã lên giúp đỡ nên cũng đỡ vất vả phần nào.
"Cũng nhờ các nhóm từ thiện mà tôi có con gà, con chó để nuôi, làm bầu làm bạn cho đỡ buồn", cụ Sợi kể.
Phòng của cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nằm ở cuối dãy nhà, thấy có bóng người, cụ tỏ ra mừng lắm. Thường ngày, cụ một mình làm bạn với chiếc đài radio. “Không chỉ mình tôi mà tất cả những người ở lại trại phong này đều thèm có người đến chơi lắm. Chúng tôi bị bệnh, cũng hiếm người dám lại gần”, cụ Liên tâm sự.
Cụ Liên tự tạo niềm vui cho mình bằng cách trồng rất nhiều rau, có đủ loại như mướp, rau ngót, rau muống...
Cụ bà Nguyễn Xuân Vui nay đã 80 tuổi, quê ở Sóc Sơn (Hà Nội), từng ở trại Đá Bạc một thời gian từ năm 1961. Cụ cho biết, mình may mắn hơn những bệnh nhân ở đây vì có con, có cháu làm chỗ dựa khi tuổi già. Nhưng nhớ bạn, thỉnh thoảng cụ lại đến đây thăm mọi người.
Những đôi bàn tay không lành lặn đã mấy chục năm làm đủ công việc phục vụ cuộc sống như nấu cơm, quét nhà, cuốc đất trồng rau…
Hơn 10 người ở lại trại phong Đá Bạc, hầu hết không có người thân, không có nơi nào để về. Những mảnh đời đã ngoài 70, 80 tuổi tựa vào nhau mà sống, chấp nhận sự cô đơn nơi đồi núi heo hút.