Ám ảnh học sinh trượt tốt nghiệp

Ám ảnh học sinh trượt tốt nghiệp
TP - Nỗi lo có học sinh trượt tốt nghiệp là sự ám ảnh của những lãnh đạo các trường có nhiều học sinh yếu, kém. Vì vậy với nhiều trường THPT, trọng tâm của một chiến dịch ôn thi đôi khi chỉ là giúp một nhóm học sinh đạt được điểm 5…

> Gia sư tình nguyện

Tiết 0 và tiết 5

Lớp 12E2, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình, Hà Nội có 36 học sinh nhưng chỉ khoảng già nửa trong số đó có học lực từ mức trung bình trở lên. Trong số còn lại có khoảng 5 em rơi vào nguy cơ cao trượt tốt nghiệp.

Sau khi rà soát kết quả học tập tất cả các môn học kỳ I, nhà trường đã phải mời phụ huynh của 5 em này ký cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với trường để tìm giải pháp đặc biệt nhằm vực học lực của các em. Một trong những yêu cầu trường đặt ra là phụ huynh phải đảm bảo đốc thúc, kiểm soát để các em chịu đi học đều đặn.

Việc bù đắp kiến thức hổng cho các em sẽ do các giáo viên bộ môn đảm nhiệm. “Nhìn chung năm nay các em có vẻ biết “sợ” cái viễn cảnh trượt tốt nghiệp nên chịu khó hợp tác với giáo viên hơn trong việc ôn thi. Nhiều năm trước, học sinh khá nhởn nhơ khiến chúng tôi cảm thấy rất áp lực trong quãng thời gian ôn thi tốt nghiệp”, cô Nguyễn Tố Tâm, chủ nhiệm lớp 12E2 tâm sự.

Theo cô Đặng Ngọc Trâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình, số học sinh chấp chới giữa đỗ và trượt tốt nghiệp ở trường này khá nhiều nên từ nhiều năm nay trường đã thực hiện mô hình ôn thi khá hiệu quả: Tổ chức học tiết 0 và tiết 5.

 “Các trường muốn tổ chức cho học sinh ôn tập thật tốt thì cần kiểm tra, phân loại để có những nhóm học tập phù hợp với năng lực các em, đặc biệt phải chú ý bồi dưỡng những học sinh còn có những hạn chế trong kết quả học tập”. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Vinh Hiển

Tiết 1 buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30 nhưng học sinh khối 12 của trường sẽ vào học từ lúc 7 giờ. Thời khoá biểu tiết 0 của sáu buổi sáng trong tuần sẽ chia đều cho 6 môn thi tốt nghiệp. Nội dung học chủ yếu là cô giáo giúp học sinh tổ chức kiểm tra, củng cố kiến thức bài cũ.

Còn tiết 5 là tiết dành cho những học sinh chưa thuộc bài trong sáng hôm đó ở lại để giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm giúp các em học thuộc bài (trường Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình chỉ tổ chức dạy chính khoá 4 tiết/ buổi sáng).

Cô Tố Tâm tuy dạy môn ngoại ngữ nhưng ngày nào cũng phải ở lại tiết 5 để hỗ trợ học sinh lớp mình chủ nhiệm củng cố kiến thức các môn sinh, văn, địa… “Thông thường lớp tôi có 5 - 6 em phải ở lại tiết 5/ buổi. Những em học lực trung bình, thậm chí khá nhưng nếu hôm đó kiểm tra bị điểm kém vẫn phải ở lại”, cô Tố Tâm cho biết.

Tổ chức thi thử nhiều lần

Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết, Hà Nội cũng là một trong những trường có nhiều học sinh học lực ở mức “trung bình non”. Vì thế, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp là trường tổ chức học tăng cường cho những học sinh yếu nhất của khối 12.

“Việc tổ chức học thêm buổi chiều cho đại trà học sinh là không thể, vì trường thiếu phòng học. Trường chỉ thừa 2 phòng nên chỉ có thể tổ chức lớp “@”, tức là lớp chọn ngược những học sinh yếu nhất để phụ đạo.

Còn với đa số học sinh thì giáo viên bộ môn sẽ có giải pháp tập trung tháo gỡ, giúp các em trong giờ học chính khóa”, thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Được biết, từ nhiều năm nay, Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết tổ chức lớp học “@” khá hiệu quả.

Năm nay, trong số gần 570 học sinh khối 12, trường đã chọn ra khoảng 25 - 30 học sinh yếu nhất của mỗi môn thi tốt nghiệp để phụ đạo cho các em buổi chiều.

Không chỉ Trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết mà rất nhiều Trường THPT công lập khu vực nội thành của Hà Nội tổ chức lớp “chọn ngược” từ nhiều năm nay như trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân…

Còn Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa do có điều kiện về phòng ốc nên tổ chức ôn tập đại trà. “Với phương châm học đến đâu chắc đến đó nên trường tôi thường xuyên tổ chức khảo sát kết quả học tập cho học sinh. Cho đến trước ngày Bộ công bố thi tốt nghiệp, học sinh trường tôi đã được thi thử 4 lần.

Trong 8 môn văn hóa, môn ít thi một lần như địa, sử, sinh; môn nhiều thi đến bốn lần như toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Đáng mừng là môn nào cũng có trên 50% số học sinh đạt điểm trung bình.

Cho đến khi thi tốt nghiệp chúng tôi sẽ tổ chức thi thử được 6 lần. Theo kinh nghiệm mọi năm, đến kỳ thi thử cuối cùng mà hơn 80% số em đạt từ trung bình trở lên thì khi đi thi tốt nghiệp các em sẽ tự tin”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.