Trong đoạn video, được tìm thấy trên mạng bởi tổ chức theo dõi khủng bố tư nhân SITE, công dân Pháp Serge Lazarevic và một người đàn ông tự nhận mình là Sjaak Rijke đã kêu gọi chính phủ đàm phán để được trả tự do.
Không có thông tin nào trong đoạn phim có thể cho thấy thời điểm cảnh tượng này được ghi lại, nhưng Rijke cho biết mình đang phát biểu trong ngày 26/9 năm nay, và có đề cập tới một đợt trao đổi tù binh giữa Mỹ và Taliban được thực hiện hồi tháng 5.
Lazarevic, 50 tuổi, bị bắt cóc tại thị trấn Hombori của Mali hồi tháng 11/2011. Người này xuất hiện với khăn trùm đầu màu đen và đám râu rậm rạp phía trước một chiếc xe bán tải. Sau lưng ông là một biểu ngữ của các phiến quân màu đen.
Trong thông điệp bằng tiếng Pháp, Lazarevic khẳng định mình bị ốm nặng và hối thúc Tổng thống Pháp Francois Hollande giúp mình được trả tự do. Lần cuối cùng Lazarevic xuất hiện là trong một đoạn phim tuyên truyền của Nhóm Al-Qaeda ở khu vực Maghreb Hồi giáo (AQMI) hồi tháng 6 vừa qua.
Giới chức Pháp đã xác nhận tính xác thực của đoạn phim vừa được công bố. Đoạn phim là “bằng chứng mới về một sinh mạng đã mất tích từ lâu”, văn phòng Tổng thống Pháp cho biết. “Tổng thống hiện đang liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng tại khu vực này và sử dụng mọi hình thức đối thoại để có thể giúp trả tự do cho con tin”.
Con tin còn lại, người tự nhận mình là Rijke xuất hiện trong đoạn phim với một tấm phông trắng ở sau lưng. Nói tiếng Anh với giọng Hà Lan, ông hối thúc chính phủ tìm cách giải cứu mình. Rijke, 54 tuổi, bị bắt cóc khi đi du lịch tới thị trấn Timbuktu của Mali, cũng trong tháng 11/2011. Lần gần nhất ông xuất hiện là trong loạt clip tuyên truyền của AQMI, tháng 9/2013.
Bộ ngoại giao Hà Lan cho biết đã được thông tin về đoạn phim mới nhất. “Vì quyền lợi của gia đình chúng tôi sẽ không bình luận gì”, người phát ngôn bộ này nói.
Lazarevic, có hai quốc tịch Pháp và Serbia, là con tin người Pháp mới nhất vẫn đang bị giam giữ trên thế giới, sau khi Herve Gourdel, một người leo núi bị bắt cóc tại Algeria, trước khi bị nhóm Hồi giáo cực đoan IS chặt đầu.
Lazarevic khi đó đi cùng một người Pháp khác là Philippe Verdon trong một chuyến làm ăn, trước khi đều bị bắt tại miền Bắc Mali. Năm ngoái Verdon đã được tìm thấy sau khi bị bắn chết.