Ai mê bóng đá giơ tay!

Ai mê bóng đá giơ tay!
TPCN - Tất nhiên nhà thơ Trần Đăng Khoa không giơ tay, từ góc sân nhà ông đến khoảng trời thiên hạ không hề có quả bóng lăn.
Ai mê bóng đá giơ tay! ảnh 1
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ông chỉ phân biệt được chắc chắn hai người trên sân cỏ đó là thủ môn và trọng tài, đơn giản vì họ mặc áo không giống những người khác.Hơn nữa trọng tài thì cầm còi, thủ môn thì giữ gôn, có mà trật đằng trời!

Nhà thơ Phùng Quán sinh thời cũng không giơ tay, ông không thể hiểu vì sao bóng đá lại có thể hay hơn rượu và vì sao đầu trận đá nửa sân này, cuối trận lại chạy sang sân khác.

“Còn lộn xộn hơn cả thơ Đặng Đình Hưng, khó hiểu hơn cả thơ Dương Tường”- có lần ông đã kêu lên như thế.

Nhà thơ Lâm Mỹ Dạ cũng không giơ tay. Bà chỉ thương chứ không mê bóng đá. Ai sút vào bà cũng hét lên sung sướng, trận đấu nào bà cũng chỉ mong hòa: “Hòa kẻo tội, đội mô thua cũng tội hết”.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng không giơ tay. Ông chỉ biết mỗi trận bóng đá có một quả bóng và hai phe, mỗi phe có 11 người, chấm hết.

Nhà thơ Trần Anh Thái cũng không giơ tay vì bóng đá chỉ có tính kịch không có tính thơ.

Đối với Trần Anh Thái tiên sinh, phàm cái gì không có tính thơ đều nhất thời không vạn đại. Nhưng nếu hỏi họ có biết World Cup là cái gì không thì cầm chắc không ai không biết. Biết không bằng người nhưng háo hức thì chẳng kém bất kì ai.

Năm 1994, nhà thơ Trần Đăng Khoa sang Mỹ đúng vào kì World Cup, ông cạy cục xin cho được một tấm vé vào sân. Xem xong sướng lịm người, về nhà chẳng khoe gì chỉ khoe được vào sân World Cup! Tất nhiên nếu hỏi trận đó đội nào đá với đội nào thì ông không thể nhớ.

Ông nhớ sự rạo rực ngập tràn, sự ngây ngất ngút trời, và buồn đau và vui sướng và tức giận và hạnh phúc của con người nhờ quả bóng diệu kì. Đối với ông đó là điều quan trọng nhất.

Ai mê bóng đá giơ tay! ảnh 2
Nhà thơ Phùng Quán

Nhà thơ Phùng Quán cũng năm đó tất nhiên chỉ ngồi nhà, đời ông không một lần xuất ngoại, đã soạn một mâm cỗ đầy để chào mừng World Cup.

Hễ có một quả bóng vào gôn ông lại cuống lên, hỏi đi hỏi lại: “Ai thắng, ai thắng rứa?”. Mọi người cười, ông vuốt râu mà rằng: “Tôi không xem bóng đá, tôi ngắm nghía tình yêu Tổ quốc của con người!”.

Ôi thôi đúng quá rồi. Thế giới có phải ai cũng mê bóng đá đâu nhưng World Cup thì không ai không biết. Bởi vì đấy là nơi bày tỏ niềm kiêu hãnh và tình yêu Tổ quốc.

Và đó chính là điều FIFA muốn có hơn là hàng tỉ đô la họ thu được sau một mùa World Cup. Thế mới biết vì sao Ecuador chưa đá ai cũng nghĩ là thua nhưng Tổng thống Alfedo Palacio không bao giờ nghĩ thế.

Ông đã cho cả nước Ecuador dừng mọi hoạt động tại thời điểm đội tuyển ra quân để chứng tỏ Tổ quốc luôn luôn đứng bên cạnh các cầu thủ. Đến như Brazil chưa đá đã biết thắng, thế mà Tổng thống Lula da Silva hết thăm hỏi đến viết thư cho đội tuyển cũng chưa thấy yên tâm, ông quyết định làm một cuộc chuyện trò trực tuyến cùng đội tuyển trước giờ xung trận.

Đức là nước đăng cai, đội tuyển của họ đã ba lần vô địch, World Cup kì này họ chỉ vuốt râu rung đùi chờ đến trận chung kết, thế mà Thủ tướng của họ, bà Angela Merkel hết thăm hỏi đến úy lạo các cầu thủ con cưng, lo lắng hệt như lo vận nước. Tất cả cũng chỉ vì niềm kiêu hãnh và tình yêu Tổ quốc.

Đấy là lý do vì sao World Cup trở thành một sân chơi vĩ đại nhất hành tinh.

MỚI - NÓNG